Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nửa đầu năm nay, Tây Ninh đón 3,5 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, tăng 14% so với cùng kỳ, trở thành một trong những điểm đến nổi bật trong cả nước, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao.
Du khách và phật tử thả hoa đăng trong dịp Đại lễ Phật đản tổ chức trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Hải Triều
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, HĐND và các Ban của HĐND tỉnh có các cuộc họp và báo cáo dự thảo thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
HĐND tỉnh đánh giá, 6 tháng đầu năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện tốt; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm thực hiện. Lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai kịp thời.
Du lịch thoát hình ảnh “chim cánh cụt”
6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 26.898 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 8% trở lên). Ước tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5,781 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán, trong đó thu nội địa 5.078 tỷ đồng, đạt 52,9% so dự toán, tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương là 5.786 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán. 7/9 huyện, thị xã, thành phố có số thu đạt trên 50% dự toán. Tình hình sản xuất nông nghiệp ổn định, các kế hoạch sản xuất mùa vụ, kế hoạch khuyến nông, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xây dựng và ban hành kịp thời.
Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tích cực triển khai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.450 tỷ đồng, đạt 80,6% so với kế hoạch, tăng 71,5% so với cùng kỳ.
Nửa đầu năm nay, Tây Ninh đón 3,5 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, tăng 14% so với cùng kỳ, trở thành một trong những điểm đến nổi bật trong cả nước, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao.
Tỉnh đăng cai nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia, khu vực, thu hút hàng chục ngàn người trong và ngoài tỉnh tham gia, góp phần tạo sân chơi và thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của tỉnh, giới thiệu hình ảnh của tỉnh đến với người dân trong và ngoài nước, tạo động lực, lợi thế thúc đẩy phát triển của du lịch tỉnh nhà.
Tây Ninh chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành sơ kết, tổng kết và xây dựng các chương trình hợp tác phát triển cơ chế phối hợp liên kết vùng. Triển khai thực hiện chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An. Tây Ninh triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác giữa UBND tỉnh với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2026.
Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm, tăng cường. Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế cơ bản được khắc phục. Một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm so với cùng kỳ, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 88,1% so với dân số toàn tỉnh.
Tây Ninh thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công. UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn, trong đó, tổng số hộ nghèo và cận nghèo đa chiều là 3.499 hộ.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cả cấp độ chuyên nghiệp lẫn phong trào được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hoá, con người Tây Ninh, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.
UBND tỉnh tổ chức thành công lễ hội ẩm thực chay lần thứ I năm 2023; lễ công bố 2 quyết định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc công nhận “Nghệ thuật chế biến món ăn chay” và “Nghề làm muối ớt Tây Ninh” là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự được quan tâm chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tiết kiệm được thời gian và kinh phí. Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, toàn diện và đã có những chuyển biến tích cực.
Công nhân chế biến hạt điều (huyện Dương Minh Châu). Ảnh: Thanh Nhi
Xuất nhập khẩu giảm sâu
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra (đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 42% kế hoạch HĐND tỉnh giao). Một số dự án đầu tư công chậm triển khai so với kế hoạch.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 5,25 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ, tương đương giảm gần 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,73 tỷ USD, đạt 39% so với kế hoạch, giảm 15,2% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực nhà nước giảm 39%, khu vực ngoài nhà nước giảm 34,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,2%. Đáng chú ý, các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực đều giảm sâu.
Nông nghiệp công nghệ cao phát triển chậm, chưa đáp ứng quá trình chuyển dịch sản xuất. Công tác tuyên truyền hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Hoạt động của các hợp tác xã thiếu tính bền vững.
Tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học vẫn còn nhiều. Việc phát triển giáo dục chất lượng cao, thực hiện mô hình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập còn chậm. Thiếu hụt nhân lực ngành Y tế chưa được giải quyết căn bản, tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế trong 6 tháng đầu năm gây nhiều khó khăn cho người dân; công tác tuyên truyền phổ biến những chính sách khuyến khích xã hội hoá trên lĩnh vực văn hoá, thể dục thể thao chưa thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu và chưa đúng đối tượng.
Công tác cải cách hành chính đối với cấp tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, hiệu quả chưa rõ nét; các chỉ số hành chính của tỉnh (PAR INDEX, SIPAS, PCI, PAPI) đạt thấp, thiếu tính ổn định và có chiều hướng giảm dần qua từng năm.
Việc kiểm tra thực thi công vụ chưa thường xuyên, kịp thời, nên ở nhiều nơi người dân còn phàn nàn, phản ánh về hồ sơ chậm trễ, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của một số sở, ngành địa phương có lúc, có việc còn chậm trễ, kéo dài; công tác phối hợp trong giải quyết công việc có nơi, có việc chưa tốt, chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, số vụ phạm pháp hình sự tăng so với cùng kỳ- nhất là nhóm tội về trật tự xã hội (tội cố ý gây thương tích, tội phạm giết người, cướp giật tài sản, tội phạm liên quan đến công nghệ cao, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” gần đây có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp).
Tệ nạn và tội phạm về ma tuý tuy giảm về số vụ nhưng số tang vật thu giữ lớn, tính chất ngày càng phức tạp, nhiều đường dây vận chuyển với số lượng lớn ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam có sự tham gia, liên kết thực hiện tội phạm với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tai nạn giao thông tăng về số vụ (60 vụ, tăng 11 vụ so cùng kỳ) và số người chết (chết 32 người, tăng 12 người chết so cùng kỳ).
Trước thực tế đó, để đạt các mục tiêu, kế hoạch năm 2023, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tích cực đôn đốc thực hiện và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội về thể chế và phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, du lịch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 và cả nhiệm kỳ;
Tăng cường chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định mới tạo được nguồn thu vững chắc; đẩy mạnh công tác xã hội hoá, thu hút đầu tư các dự án giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học tại tỉnh; có giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng thiếu giáo viên.
Việt Đông