Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Du lịch về nguồn: Một cách để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử
Thứ năm: 22:26 ngày 14/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với hàng chục di tích lịch sử văn hoá và làng nghề truyền thống, Tây Ninh hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch về nguồn cho giới trẻ, đặc biệt là trong học sinh sinh viên, qua đó quảng bá hình ảnh Tây Ninh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử.

Hiện nay Tây Ninh có 86 di tích, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, 24 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó là các làng nghề truyền thống làm bánh tráng, sản phẩm từ mây tre, kinh tế chủ lực của tỉnh với những nông trường mía, cao su, rồi vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát với đa dạng hệ sinh thái, những ngôi đình hàng trăm tuổi hoặc công trình kiến trúc tôn giáo Tòa thánh Tây Ninh…

Những địa điểm này thực sự có thể phát triển thành những tour du lịch về nguồn kết hợp để giới trẻ Tây Ninh trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu về cuộc sống, con người trên vùng đất mà mình được sinh ra và lớn lên.

Khám đường Tây Ninh nằm lặng lẽ giữa trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, đến nay những tour du lịch tìm về các địa chỉ đỏ vẫn còn hiếm hoi, mang tính tự phát.

Các di tích vắng bóng khách tham quan

Di tích lịch sử là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là một chứng tích cụ thể nhất về chặng đường gian khó mà hào hùng của ông cha trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã chú trọng trùng tu tôn tạo những chứng tích ấy khang trang hơn.

Thế nhưng, nếu không phát huy được giá trị lịch sử của chúng, hay nói cách khác là các di tích không thể kể về câu chuyện lịch sử của chính mình cho thế hệ sau thì chúng cũng sẽ chỉ là những bãi đất, những tượng bia vô nghĩa.

Với mục đích đó, những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Phòng Trưng bày và thuyết minh thuộc Bảo tàng Tây Ninh đã phối hợp với Báo Tây Ninh, Đài PT-TH Tây Ninh mở các chuyên mục tìm hiểu về di tích lịch sử - văn hóa.

Ngoài ra, mỗi năm chuyên viên của Bảo tàng còn trực tiếp đến 15 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh để giới thiệu về các di tích của tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường cần đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho các em bằng việc tham quan thực tế tại các di tích lịch sử trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường. Tuy nhiên, số lượng học sinh đến các di tích không nhiều, chỉ mang tính chất đại diện.

Di tích Giồng Nần- Cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Tây Ninh cũng nằm trong cảnh vắng người tham quan.

Chị Vẹn- người phụ trách trông coi di tích Địa điểm thành lập Cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tây Ninh tại Giồng Nần (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành) cho biết, một năm chỉ có khoảng 3-4 đoàn học sinh của các trường trong huyện đến tham quan, quét dọn.

Hay như Di tích Khám đường Tây Ninh nằm ngay tại trung tâm thành phố, thuộc phường II, TP.Tây Ninh cũng đìu hiu khách tham quan.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn – cán bộ Văn hóa thông tin Phường II cho biết, do anh là người giữ chìa khóa của khám đường, nên khi có đoàn nào đến tham quan anh đều biết. Và con số cũng chỉ dừng lại một vài đoàn. “Có người tham quan đó nhưng không nhiều đâu. Thêm một cái là hiện nay khách đến tham quan nhưng không có người thuyết minh. Theo tôi nếu có người thuyết minh thì khách sẽ thích thú hơn, chứ chúng tôi làm gì có chuyên môn để giới thiệu, hướng dẫn”, anh Tuấn nói.

Cô Lâm Thị Bích Sương, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Hòa Thành) cho biết, hiện nay trường có nhận chăm sóc mộ cụ Trần Văn Thiện ở Bến Kéo (xã Long Thành Nam), tham gia lễ kỷ niệm tại động Kim Quang, tuy nhiên lượng học sinh tham gia các hoạt động này cũng không nhiều. 

“Thật sự trường rất muốn tổ chức cho các em tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đi được nhiều, nếu có đi thì tổ chức về căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Lý do là vì muốn tổ chức 1 tour đi về trong ngày phải có ít nhất 2 điểm, trong đó có một điểm tham quan di tích và một điểm vui chơi giải trí. Tuy nhiên, khu vui chơi giải trí ở Tây Ninh lại quá ít nên nếu tổ chức đi nhiều lần sẽ nhàm chán, đó là chưa nói đến các điểm không nằm cùng tuyến đường”, cô Sương chia sẻ.

Tuổi trẻ Tây Ninh đi thực tế, tìm hiểu về di tích xưa.

Cùng quan điểm, cô Bành Thu Thảo- Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (TP.Tây Ninh) cho biết, mỗi năm trường đều tổ chức cho học sinh về thắp hương tại Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, hoặc tham gia các hoạt động của Thành đoàn tổ chức.

“Việc đi các di tích lịch sử trong tỉnh hiện nay trường tổ chức chưa nhiều, do mỗi lần đi rất đông học sinh. Nếu không có các công ty du lịch tổ chức thì nhà trường không thể nào đảm nhiệm được, vì phải phụ trách nhiều việc từ thuê xe, hoạt động vui chơi, ăn uống. Tiếc là Tây Ninh hiện nay không có các dịch vụ này”, cô Thảo chia sẻ.

Cần phát triển các tour du lịch về nguồn kết hợp hướng nghiệp

Thực tế phải thừa nhận, nếu tổ chức các tour đơn thuần chỉ là tham quan các di tích chắc chắn sẽ rất đơn điệu và nhàm chán, mà tour cần phải vừa học vừa chơi mới tạo sự hứng thú trong các em. Nếu các trường luôn có một hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp sẽ rất thích hợp để kết hợp trong những chuyến đi về nguồn.

Tháp Chóp Mạt (ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên)- một địa điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai thích khám phá, đam mê khảo cổ.

Theo cô Lâm Thị Bích Sương, hiện nay trong chương trình của học sinh THCS, ngành Giáo dục quy định mỗi tháng phải có 1 tiết lý thuyết hướng nghiệp. Riêng trong chương trình thi đua hoạt động của Đội yêu cầu phải có 1 buổi hoạt động ngoại khóa hướng nghiệp cho học sinh THCS và đi thực tế ít nhất 1 lần/năm.

Vì vậy, với các học sinh khối 6, 7, 8, tại Trường THCS Mạc Đĩnh Chi chủ yếu dạy lý thuyết. Riêng khối 9, trong 3 năm gần đây, giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho các em học sinh đi tham quan tại các công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh. Trong chuyến đi, các lớp sẽ kết hợp một điểm tham quan nào đó trên địa bàn tỉnh.

“Việc chọn các điểm tham quan cũng như liên hệ với công ty phần nhiều do phụ huynh học sinh của trường giới thiệu, hỗ trợ. 2 năm trước, Trường tổ chức tham quan cột mốc biên giới và vào cơ sở sản xuất gỗ, chế biến cao su, đó là những nơi phụ huynh của các em đang công tác, làm việc.

Nhiều khi trường cũng muốn thuê một đơn vị du lịch đứng ra tổ chức trọn gói để cho các em tham quan, học hỏi nhưng lại không biết đơn vị lữ hành nào trong tỉnh có các tour như vậy để liên hệ”, cô Sương nói.

Với Trường chuyên Hoàng Lê Kha, hoạt động hướng nghiệp chủ yếu đối với khối 11 và 12. Và đa số tham gia ngày hội hướng nghiệp của báo Tuổi trẻ (TP.HCM), hoặc các trường Đại học nào muốn tuyển sinh thì sẽ chủ động liên hệ với nhà trường.

Học sinh Trường Trung học thực hành Sài Gòn (ĐH Sài Gòn) tham quan, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Với học sinh khối lớp 10, các em sẽ có chuyến tham quan mang tính giải trí nhưng cũng là chuẩn bị cho những ý tưởng hướng nghiệp sau này.

Những năm qua, chúng tôi chủ yếu đi ra ngoài tỉnh, như cho các em tham quan tại cơ sở gốm sứ Minh Long ở Bình Dương, khu Nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi (TP.HCM). Việc tổ chức rất đơn giản, chúng tôi chỉ cần liên hệ là phía công ty sẽ lo tất cả từ đưa xe rước đến ăn uống, vui chơi.

Tây Ninh có rất nhiều nông trường, nhà máy sản xuất, tuy nhiên hiện nay không có một đầu mối nào để trường có thể liên hệ tổ chức cho các em đi. Tôi nghĩ, đây cũng là một hạn chế trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Tây Ninh với các em”, cô Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha nói.

Trảng Bàng là huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa nhất của tỉnh, với 18 di tích được công nhận, trong đó có 7 di tích được công nhận cấp quốc gia.

Theo ông Nguyễn Văn Rất- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Trảng Bàng, những năm qua, hầu hết học sinh sinh viên đến tham quan tìm hiểu chủ yếu là người trong huyện, hoặc từ TP.HCM đến, còn các huyện khác trong tỉnh chưa nhiều.

“Hiện nay Trảng Bàng đang có kế hoạch phát triển loại hình du lịch sinh thái trên sông Vàm Cỏ Đông cũng như hình thành trường đua ngựa ở xã Hưng Thuận. Lúc đó, việc xây dựng các tour du lịch về nguồn cũng sẽ thuận lợi và thu hút mọi người đến với các di tích nhiều hơn”, ông Rất nói.

Về vấn đề này, anh Võ Lam Tùng- nhân viên phòng Kinh doanh của Công ty cổ phần lữ hành Tây Ninh (thuộc Công ty Du lịch thương mại Tây Ninh) cho biết, hiện tại, công ty cũng có 1 tour về nguồn trong ngày gồm 3 điểm: tham quan Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích lịch sử núi Bà Đen và Tòa Thánh Tây Ninh. Theo anh Tùng, hầu hết tour tổ chức đều là đón khách ngoài tỉnh đến tham quan. Còn khách trong tỉnh đa số tự tổ chức chứ không liên hệ với công ty.

Việc xây dựng các tour du lịch về nguồn kết hợp với tham quan các làng nghề truyền thống, tìm hiểu các sản phẩm kinh tế đặc trưng của một địa phương… đã được các công ty du lịch TP.HCM khai thác và phát triển từ nhiều năm qua.

Có lẽ đã đến lúc ngành du lịch Tây Ninh nên bắt tay xây dựng những tour du lịch như thế và chủ động tìm đến khách hàng tiềm năng để giới thiệu. Khi đó, các tour không chỉ góp phần phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa mà còn quảng bá được hình ảnh Tây Ninh đến với mọi người trong và ngoài tỉnh.

Ngọc Diêu

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục