Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chương trình phổ thông mới:
Dư luận không đồng tình với chủ trương tích hợp
Thứ tư: 06:01 ngày 07/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dư luận xã hội, đặc biệt là những người trong ngành không thể không bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các đợt tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo. Trên thực tế, các chuyên đề bồi dưỡng hay “nâng cao năng lực” cho giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành đạt hiệu quả chưa cao.

Học sinh phổ thông trong giờ học.

Theo tinh thần đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2018, bậc học phổ thông, trong đó, cấp trung học cơ sở sẽ có một môn học mới với tên gọi là môn Khoa học tự nhiên. Môn học này được hình thành trên cơ sở 3 môn vốn độc lập: Vật lý, Hoá học và Sinh học. Sau khi chương trình tổng thể được công bố cách nay ít tháng, dư luận trong ngành đã bày tỏ sự lo ngại về tổ hợp môn học này.

 Mấy ngày gần đây, báo chí có đăng nhiều bài viết của giáo viên bày tỏ sự không đồng tình với chủ trương ghép 3 môn học thành một. Nhiều ý kiến chỉ trích về việc cho ra đời môn Khoa học tự nhiên.

Trên các báo chính thống lẫn mạng xã hội, hầu như không tìm thấy một ý kiến nào đồng tình, ủng hộ việc ghép “3 trong 1” như trên. Phát biểu trước báo giới, người được giao xây dựng và biên soạn sách giáo khoa cho môn Khoa học tự nhiên có nói rằng, việc tích hợp 3 môn Vật lý, Hoá học và Sinh học ở cấp trung học đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Thế nhưng ,khi dư luận yêu cầu cung cấp bằng chứng cụ thể về điều đó thì chưa thấy ai trả lời. Theo lời vị chủ biên cuốn sách, tuy tích hợp nhưng mỗi giáo viên vẫn dạy theo “mạch” chuyên môn của mình.

Giáo giới lại thắc mắc, nếu vậy thì... tích hợp 3 môn để làm gì? Rốt cuộc, môn Khoa học tự nhiên là 3 thầy dạy một sách hay một thầy dạy cả 3 phân môn trong sách này? Có ý kiến: thử dạy cả 3 môn xem có được không? Mặt khác, theo tinh thần của chương trình tổng thể, việc tích hợp 3 môn trên chỉ thực hiện ở cấp trung học cơ sở, còn khi lên trung học phổ thông, mỗi môn học này vẫn giữ nguyên tính độc lập như vốn có. Điều này liệu có bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất hay không?

 Không chỉ môn Khoa học tự nhiên, việc dồn 2 môn Lịch sử và Địa lý thành một cũng khiến giáo viên không khỏi băn khoăn, lo lắng. Chỉ riêng việc soạn giáo án cho môn học cũng đủ “chết”, chưa nói hàng loạt vấn đề thuần tuý kỹ thuật khác, bao gồm cả chuyện xếp thời khoá biểu, chấm điểm...

Trước tình hình nêu trên, một phó giáo sư, tiến sĩ đang làm việc trong Ban Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho biết, đang có dự án vay Ngân hàng Thế giới 100 triệu USD để tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp (Khoa học tự nhiên).

Dư luận xã hội, đặc biệt là những người trong ngành không thể không bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các đợt tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo. Trên thực tế, các chuyên đề bồi dưỡng hay “nâng cao năng lực” cho giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành đạt hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, việc bồi dưỡng, huấn luyện giáo viên từ dạy đơn môn sang dạy đa môn có thể nói là vô cùng khó khăn. Bởi vì mấu chốt của vấn đề ở chỗ: trường sư phạm chỉ đào tạo giáo viên để dạy một môn (tuy cũng có trường hợp dạy hai môn nhưng việc này chỉ mang tính tạm thời). Hoặc nếu như phải dạy 2 môn học có kiến thức gần nhau, tương tự nhau, giáo viên cũng chỉ có thể dạy tốt được môn chính đã qua đào tạo.

 Việc thay đổi cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông mới còn kéo theo nhiều xáo trộn, đặc biệt là về đội ngũ giáo viên. Nếu như các môn học tích hợp được triển khai và chỉ giao cho một người dạy, những giáo viên còn lại sẽ làm việc gì? Còn nếu như vẫn là “người nào dạy môn nấy” thì tại sao phải gộp 3 môn với nhau? Cần nhắc lại là khi mới có chủ trương xây dựng chương trình mới, Bộ GD-ĐT có nói, sẽ đào tạo giáo viên dạy tích hợp.

Đây thực ra chỉ là một cách trấn an dư luận, vì để đào tạo giáo viên, trường sư phạm phải mất từ 3 - 5 năm. Trong khi đó, mấy năm nay, trường sư phạm vẫn tuyển sinh đào tạo giáo viên theo cách như đã tồn tại từ hàng chục năm qua, đó là mỗi giáo viên chỉ dạy một môn độc lập.

Một thực tế khác cũng cho thấy, với chất lượng đầu vào thấp, việc đào tạo giáo viên để dạy liên môn là không thể thực hiện được. Qua nhiều cuộc hội thảo khoa học về chất lượng giáo dục, phần lớn các nhà quản lý, nhà khoa học đã thống nhất rằng, chất lượng giáo viên quyết định chất lượng nền giáo dục, nói một cách hình ảnh “không có một nền giáo dục nào có thể đứng cao hơn ông thầy”. Trong khi đó, chất lượng giáo viên ở nước ta rõ ràng đang có vấn đề nghiêm trọng- một thực tế buồn nhưng không thể phủ nhận.

Thay đổi chương trình và sách giáo khoa là một hoạt động không có gì bất thường ở bất kỳ nền giáo dục nào. Tuỳ vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, có thể 10 năm, 15 năm hoặc lâu hơn, các quốc gia lại thay đổi, điều chỉnh chương trình và sách giáo khoa một lần. Thay đổi, xây dựng mới chương trình giáo dục còn để phù hợp với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật. Vấn đề đặt ra: việc xây dựng chương trình mới cần được tiến hành thận trọng, bảo đảm tính khoa học và nhất là tính hiệu quả.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục