Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thực ra, nếu chịu khó nghiên cứu, sẽ không quá khó khăn để nhận ra rằng: Một số quy định được cho là mới trong bản dự thảo nói trên thật ra không hề mới!
Ngày 17.4.2012, Bộ GD- ĐT và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch (dự thảo) hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Qua đó có một số điều chỉnh và thay thế so với các quy định hiện hành.
Trước hết, Thông tư mới sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT- BGDĐT- BNV-BTC ngày 20.9.2008 (gọi tắt là Thông tư 50) hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Sau một thời gian áp dụng, Thông tư 50 bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi cho phù hợp: Chẳng hạn việc quy định giáo viên mầm non mỗi ngày làm việc 8 giờ. Theo tinh thần của dự thảo Thông tư lần này, mỗi ngày lên lớp, giáo viên mầm non chỉ phải làm 6 giờ. Một trong những điểm mới nữa là có sự thay đổi trong cách tính chế độ thừa giờ, qua đó giáo viên sẽ được thanh toán tiền thừa giờ cao hơn mức cũ.
Cũng phải thấy rằng, mặc dù được giảm đi 2 giờ lao động, song giáo viên mầm non vẫn có số giờ làm việc trên lớp thuộc loại cao nhất so với giáo viên ở các bậc học khác- 1.050 giờ dạy/năm. Các bậc học khác (từ tiểu học cho đến đại học) gần như không có gì thay đổi về ngày giờ công lao động. Điểm chung là bậc học càng cao, số giờ lao động của giáo viên càng giảm.
Tiết học Âm nhạc ở Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông |
Thực ra, nếu chịu khó nghiên cứu, sẽ không quá khó khăn để nhận ra rằng: Một số quy định được cho là mới trong bản dự thảo nói trên thật ra không hề mới! Ví dụ như quy định: “Số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư này không quá 200 giờ dạy/năm”. Điều này có nghĩa là trong mỗi năm học, giáo viên chỉ được dạy quá định mức tiêu chuẩn tối đa không quá 200 giờ, nếu dạy quá số tiết đó sẽ không được trả thêm tiền. Xem lại thì Thông tư 50 (năm 2008) cũng đã có quy định này. Như vậy, quy định về số giờ dạy thêm của giáo viên hoàn toàn… y như cũ! Ngay cả điều kiện để được thanh toán tiền đối với giáo viên dạy vượt giờ tiêu chuẩn 200 tiết cũng không mới. Nghĩa là giáo viên chỉ được thanh toán tiền dạy thêm giờ khi trường thiếu giáo viên theo định mức biên chế. Quy định này nhằm “khống chế” tình trạng ban giám hiệu nhà trường phân công chuyên môn không hợp lý: Trong cùng một trường, cùng một môn học lại có giáo viên dạy không đủ số tiết theo định mức trong khi có người lại “ôm” rất nhiều tiết! Dĩ nhiên, số tiết thừa nhiều bao nhiêu, thu nhập của giáo viên đó càng cao bấy nhiêu!
Cũng liên quan đến chế độ thanh toán tiền thừa giờ không quá 200 tiết, đối với hầu hết giáo viên phổ thông, quy định này gần như không ảnh hưởng gì đến họ. Lý do đơn giản: Số học sinh, số lớp học giảm trong khi giáo viên lại nhiều nên hầu như rất ít người dư tiết, số tiết định mức còn chưa đủ, lấy đâu dư đến 200 tiết? Tuy nhiên, đối với giáo viên, giảng viên dạy các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, học viện… thì quy định chỉ thanh toán tối đa mỗi năm 200 tiết thừa giờ là không ổn. Nhiều trường cao đẳng, đại học có một số môn học mang tính đặc thù: Tiết học nhiều nhưng số giáo viên lại ít như Âm nhạc, Mỹ thuật trong trường sư phạm và một số ngành học nghệ thuật ở các trường khác. Đây là những môn học còn rất thiếu người dạy. Do vậy, số tiết thừa của những người dạy các môn học này thường cao hơn nhiều lần so với định mức tối đa 200 tiết. Chưa kể, theo quy định, khi đến tiết dạy thực hành môn Âm nhạc, mỗi giáo viên ở trường sư phạm chỉ có thể dạy được một sinh viên theo nguyên lý: Một thầy một trò. Như vậy, tổng số tiết mà giáo viên đó thực hiện sẽ rất lớn, có năm lên đến gần cả nghìn tiết dạy. Có nhiều trường hợp, giáo viên, giảng viên một số môn học nghệ thuật đã đủ số thừa giờ 200 tiết khi mới kết thúc học kỳ I. Sang học kỳ II, nếu tiếp tục dạy, thì họ sẽ không được thanh toán tiền thừa giờ. Điều này có thể dẫn đến khả năng cơ sở đào đạo sẽ cắt xén chương trình, bớt giờ học của sinh viên (đặc biệt là những tiết thực hành). Điều này chắc chắn ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo. Nó cũng lý giải một phần- vì sao nhiều sinh viên được học Âm nhạc nhưng khi ra trường đi dạy đã không thể sử dụng được nhạc cụ nào.
Quy định bất cập như thế nhưng không hiểu vì sao vẫn được giữ nguyên trong bản dự thảo Thông tư liên tịch mới ban hành? Có ý kiến giải thích: Sở dĩ phải giữ nguyên số thừa giờ không quá 200 tiết là để không trái với Luật Lao động. Bộ luật Lao động có điều khoản quy định: Người lao động làm việc mỗi năm không được “tăng ca” quá 200 giờ. Quy định này nhằm ngăn ngừa việc các chủ doanh nghiệp ép người lao động làm việc quá sức. Tuy nhiên, một điều luật chung có thể phù hợp với đối tượng này nhưng lại “trật chìa” với đối tượng khác. Có ý kiến từ phía cơ quan quản lý ngành Giáo dục rằng: Nếu thiếu giáo viên thì nhà trường có thể sử dụng giáo viên từ nơi khác về theo chế độ thỉnh giảng. Tính toán này rõ là không ổn: Với những trường sư phạm và các trường nghệ thuật ở tỉnh lẻ, xa thành phố lớn, việc thuê giáo viên thỉnh giảng không hề dễ dàng. Đó là chưa kể, khoản chi trả cho giáo viên thỉnh giảng không hề “rẻ”.
Từ thực tế trên, rất cần có sự cân nhắc, điều chỉnh thêm cho hợp lý hơn một số nội dung trong bản dự thảo trước khi trở thành quy định chính thức có hiệu lực, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cả người dạy và người học, nhất là đối với những trường đào tạo các môn có tính đặc thù cao.
VIỆT ĐÔNG