Có thể thấy những quy định trong bản dự thảo về dạy thêm học thêm ở Tây Ninh là tương đối chặt chẽ, khoa học nhằm hạn chế những mặt trái, các biến tướng trong dạy thêm và học thêm.
(BTNO)- Bản dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang được các cơ sở, đơn vị giáo dục, giáo viên đóng góp ý kiến. Bản dự thảo là một cách cụ thể hóa quy định về dạy thêm học thêm do Bộ GD – ĐT ban hành trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Theo tinh thần của bản dự thảo, có bốn trường hợp không dạy thêm học thêm. Thứ nhất, không dạy thêm đối với những học sinh đã được học hai buổi/ngày ở nhà trường. Thứ hai, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, kể cả trong và ngoài nhà trường, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Thứ ba, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường nghề không tổ chức dạy thêm và học thêm theo chương trình phổ thông. Thứ tư, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thì không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Có thể thấy những quy định trong bản dự thảo về dạy thêm học thêm ở Tây Ninh là tương đối chặt chẽ, khoa học nhằm hạn chế những mặt trái, các biến tướng trong dạy thêm và học thêm. Nhưng cũng thẳng thắn mà nói, những quy định như trên khó được áp dụng trong thực tế. Việc cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học không phải bây giờ mới được đưa ra. Trước đây, Sở GD-ĐT cũng có văn bản chỉ thị cấm dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học nhưng thực tế chứng minh ngược lại.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Bến Cầu) ôn tập trong hè không mất tiền. |
Về quy định các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng không dạy thêm theo chương trình phổ thông mặc dù đúng nhưng vẫn còn kẽ hở. Lâu nay trong trường chuyên nghiệp không dạy thêm học thêm đối với học sinh phổ thông nhưng giáo viên của các trường này lại đang “tích cực” tham gia dạy thêm ở bên ngoài. Như vậy, quy định như vừa nêu chỉ mang tính hình thức.
Bản dự thảo quy định giáo viên không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Quy định này có hai điều đáng nói. Trước hết, giáo viên không tổ chức dạy thêm nhưng vẫn có thể tham gia dạy thêm. Tổ chức hay tham gia dạy thêm là một khoảng cách mong manh, chưa nói, giáo viên sẽ nhờ người khác đứng tên tổ chức các lớp học thêm, còn mình chỉ đóng vai trò dạy thuê, nhưng thực chất, giáo viên có thể làm hết mọi khâu. Người được nhờ (thuê) đứng tên tổ chức dạy thêm học thêm chỉ là hình thức để hợp pháp hoá quy định trên. Việc quy định giáo viên chỉ được phép dạy thêm cho chính học sinh của mình khi được thủ trưởng quản lý cho phép lại là một kẽ hở để hiệu trưởng và giáo viên bắt tay nhau, thậm chí có thể chia lợi nhuận theo tỷ lệ.
Bản dự thảo đã quy định chi tiết mức thu tiền đối với hoạt động dạy thêm học thêm. Theo đó, nếu một lớp học thêm trong nhà trường có số lượng học sinh không quá 30 em thì mỗi tháng tiền học thêm là 70.000 đồng / môn học ở bậc THCS và 80.000 đồng ở bậc THPT. Ôn thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh dao động từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng. Quy định này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như có sự giám sát của các bộ phận công đoàn, thanh tra… trong nhà trường. Mức thu này được đánh giá là vừa phải, phù hợp. Tuy nhiên, đối với những lớp học thêm có dưới 30 học sinh thì mức thu bao nhiêu phải có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên. Mặc dù bản dự thảo quy định: tổng thu cho những lớp dưới 30 học sinh không vượt quá tổng số tiền đối với lớp có 30 học sinh, nhưng vẫn còn bất cập. Cụ thể, nếu một lớp học thêm chỉ có 10 hoặc 15 học sinh thì rất có thể số tiền mà học sinh phải đóng vẫn ngang bằng với những lớp có 30 học sinh trở lên. Nói tóm lại, lớp học thêm trong nhà trường càng ít học sinh thì mức tiền đóng càng cao. Chưa kể, sự thỏa thuận (nếu có) giữa nhà trường với phụ huynh thì cũng chỉ là thỏa thuận mang tính một chiều, áp đặt và bất bình đẳng. Lâu nay chưa thấy phụ huynh hay học sinh mặc cả với giáo viên về giá cả học thêm dạy thêm.
Đối với hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, bản dự thảo không thể quy định chi tiết, cụ thể mức tiền thu là bao nhiêu một tháng. Điều này cũng dễ hiểu, vì dạy thêm học thêm ngoài nhà trường khó kiểm soát hơn rất nhiều so với trong nhà trường. Xuất phát từ điều này, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường (dạy ở nhà riêng hoặc thuê cơ sở để dạy) đã thu tiền của người học với một mức rất cao: có khi lên đến vài ba triệu đồng, thậm chí cao hơn cho một môn học. Chính thực tế này khiến cho tình trạng dạy thêm học thêm ngày càng trở nên nhức nhối và dư luận phản ứng một cách tiêu cực. Cũng xin nói thẳng, đối với một số giáo viên có tầm nhưng không có tâm thì việc ép học sinh đi học thêm ngoài nhà trường là điều quá… đơn giản!
Một số vấn đề khác trong bản dự thảo như giáo viên muốn dạy thêm trong nhà trường phải viết đơn đăng ký, dạy thêm ngoài nhà trường thì phải có giấy phép… có lẽ không thật cần thiết. Bởi lẽ quy định này phần lớn chỉ mang tính hình thức: có giấy phép cũng dạy mà không có giấy phép cũng dạy, thậm chí còn dạy nhiều hơn. Đây là một biểu hiện thách thức các cơ quan quản lý nhưng không ai làm gì được, bởi vì ngành Giáo dục lấy đâu ra người mà đi kiểm tra xem tất cả giáo viên dạy thêm có giấy phép hay không.
Có thể nói rằng, những biến tướng của hoạt động dạy thêm và học thêm thật sự đã trở thành một thực trạng nhức nhối trong xã hội. Ai cũng biết, ngành Giáo dục lại càng biết rõ nhưng chưa thấy có giải pháp nào giải quyết triệt để.
Đ.V.T