Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bên cạnh những fanpage được xây dựng với mục đích tích cực là chia sẻ thông tin du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương cũng tồn tại một thực trạng đáng báo động (thường từ những fanpage dễ dãi, tuỳ tiện) đó là vấn nạn “câu like” để kiếm tiền quảng cáo.
Chỉ cần vào facebook, trên thanh tìm kiếm gõ từ khoá “Tây Ninh” sẽ ra hàng chục fanpage chuyên cập nhật thông tin liên quan đến tỉnh nhà. Trong đó, những trang có số lượt người theo dõi cao có thể kể: Chuyện lạ Tây Ninh, Tôi yêu Tây Ninh, Ðịa điểm Tây Ninh, Tây Ninh quê hương tôi, Người Tây Ninh, Thành phố Tây Ninh, Thổ địa Tây Ninh…
Các fanpage nói trên, thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, xã hội xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; thông tin về các địa điểm vui chơi, ăn uống tại địa phương để thu hút sự quan tâm của mọi người. Nội dung của trang do một admin (người quản lý) hay một nhóm admin chịu trách nhiệm; chủ yếu là sưu tầm, cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, do đây là những trang thông tin không chính thống nên chất lượng nội dung thiếu sự sàng lọc, thiếu thẩm định thông tin trước khi đăng tải, vì vậy không tránh khỏi những sai sót, dễ gây ngộ nhận cho người đọc.
Bên cạnh những fanpage được xây dựng với mục đích tích cực là chia sẻ thông tin du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương cũng tồn tại một thực trạng đáng báo động (thường từ những fanpage dễ dãi, tuỳ tiện) đó là vấn nạn “câu like” để kiếm tiền quảng cáo. Thông thường, khi có một lượng người xem ổn định và thường xuyên tương tác với fanpage, một số trang sẽ tiến hành nhận quảng cáo để thu lợi nhuận, thông qua việc đăng bài viết hoặc những hình ảnh có tính quảng cáo về một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó của các công ty, doanh nghiệp, hàng quán....
Việc xuất hiện hàng loạt fanpage cùng khai thác những nội dung xoay quanh chủ đề “Tây Ninh” với mục đích kiếm tiền quảng cáo, khiến cho các thông tin đăng tải trên các trang này trở nên bát nháo, do chủ của nó sử dụng đủ mọi cách để cạnh tranh, lôi kéo số lượt người xem.
Ðể “câu like”, các fanpage sử dụng không ít chiêu trò mà phổ biến nhất là việc đăng tải thông tin bám theo những sự kiện ăn khách như tai nạn giao thông, án mạng, ẩu đả, các hiện tượng tâm linh hay những câu chuyện liên quan đến người nổi tiếng, có khi bất chấp nội dung tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, chỉ cần nó gây tò mò, kích thích sự chú ý của người xem.
Một số trang còn đăng tải thông tin theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, phản ánh sai lệch hoặc không đầy đủ, không đúng bản chất vấn đề, vụ việc, cứ úp úp mở mở nhằm tạo sự tò mò để tăng độ “hot” cho trang của mình.
Một bạn trẻ tại Tây Ninh- tài khoản facebook Minh Ngọc cho biết, bản thân mình rất bức xúc trước nạn “câu like” bằng những bài viết về tai nạn giao thông. Ngọc nói: “Mình rất hay like những fanpage về Tây Ninh để đọc thông tin chia sẻ các địa điểm ăn uống, du lịch, hình ảnh đẹp.
Nhưng có một số trang thường xuyên câu like bằng việc dẫn link các bài viết tai nạn giao thông làm mình cảm thấy rất khó chịu và bức xúc. Có những trang khi đọc một đoạn được đăng tải trên fanpage, mình cứ tưởng vụ việc này xảy ra ở tỉnh nhà nên cũng tò mò vào xem, mới vỡ lẽ đó là chuyện ở một địa phương khác. Thậm chí, nhiều vụ việc giật gân đã xảy ra vài năm trước cũng được lục lại để đăng lên khiến người đọc hiểu lầm”.
Bạn trẻ Huỳnh Thành Văn (TP. Tây Ninh) cũng rỏ vẻ bức xúc về chuyện cứ mỗi khi lướt facebook lại nhìn thấy những hình ảnh thương tâm của những người gặp nạn: “Mình thấy tình trạng đăng hình người gặp nạn rất phổ biến ở các trang fanpage tại Tây Ninh. Có lần, mình vô cùng hãi hùng khi thấy đăng cả hình người treo cổ tự tử, người mới gặp nạn chảy đầy máu, thậm chí còn chia sẻ với bạn bè.
Gần đây nhất, mình thấy một số fanpage tại Tây Ninh kêu gọi giúp đỡ một phụ nữ bị ung thư vú. Nhưng khi các bạn đăng tải lại không xử lý hình ảnh, cứ phô ra chỗ vết thương đã bị hoại tử của người bệnh nên nhìn rất phản cảm, mặc dù đây là hành động xuất phát từ ý tốt nhằm chia sẻ, giúp đỡ người gặp khó khăn”. Anh bạn này nhắn nhủ thêm: “Khi tạo một trang thông tin công cộng, các bạn trẻ nên ý thức rằng đối tượng người xem của mình rất đa dạng, trong đó có những em còn rất nhỏ”.
Các bạn trẻ cũng cần cảnh giác với những fanpage đội lốt trang cung cấp thông tin địa phương để thực hiện mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Ðiển hình như một fanpage có tên là TNQHT. Nghe qua cái tên, tưởng chừng như đây là một trang cung cấp thông tin, hình ảnh về con người, quê hương Tây Ninh như bao fanpage khác. Thế nhưng khi vào fanpage này, cái đập vào mắt người xem lại là trang bìa phản cảm với hình ảnh kinh hoàng của người gặp tai nạn, cùng lời bình mang tính chất kích động.
Các fanpage hoạt động theo cách thức không chính đáng kể trên, phần nào đó đã làm méo mó mục đích chia sẻ thông tin cho cộng đồng, dẫn đến việc bất chấp mọi điều để câu like. Những việc làm như thế rất đáng lên án.
Tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích của người khác đều là những hành vi vi phạm, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đối với người dùng facebook, nhất là những bạn trẻ, để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho bản thân, cần phải cảnh giác khi đăng tải, chia sẻ thông tin nào đó trên trang của mình. Nhất thiết phải có sự sàng lọc, kiểm tra độ chính xác của thông tin đó; cần hình thành thói quen so sánh, đối chiếu với những thông tin chính thống được đăng tải bởi các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
K.K