BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đưa công trình khoa học vào thực tiễn

Cập nhật ngày: 18/05/2016 - 04:08

Đoàn Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đến thăm trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học- Sở KH&CN Tây Ninh.

Trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học được xây dựng từ năm 2013, hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2015 có nhiệm vụ vừa nghiên cứu, vừa ứng dụng các tiến bộ KH&CN ở Tây Ninh, sau đó chuyển giao công nghệ ra dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.

Sáng ngày 13.5.2016, thạc sĩ Phạm Thế Anh- chuyên viên Trung tâm Thông tin, ứng dụng tiến bộ KH&CN (TKC) đã hướng dẫn phóng viên đi tham quan trại. Trong trại có hai căn nhà lưới khá lớn, một nhà ươm dưa lưới, nhà còn lại đang trồng thí nghiệm hơn mười loại cây khác nhau như rau rừng Gia Lai, bạc hà, kim thảo, nha đam... Cả hai nhà lưới đều có hệ thống phun sương để điều hoà nhiệt độ và có hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Phía sau hai căn nhà lưới là một nhà mát ươm trồng các loại phong lan, chuối già Nam Mỹ bằng phương pháp cấy mô. Các loại cây đang phát triển khá tốt. Nhiều cây phong lan đang ra hoa. Cạnh đó, có một căn nhà lá khá rộng- là nơi trồng nấm linh chi, nấm mèo, nấm bào ngư. Trại có diện tích 2 ha, kinh phí xây dựng gần 35 tỷ đồng.

Ngoài trại này, trong những năm qua, UBND tỉnh còn đầu tư nhiều dự án khác nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN ở Tây Ninh, như dự án “Nâng cao năng lực thử nghiệm cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN” (10 tỷ đồng), dự án “Tăng cường năng lực quản lý và trang thiết bị kiểm định cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (gần 15 tỷ đồng), dự án “Nâng cao năng lực cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014- 2015” (hơn 13 tỷ đồng). Hằng năm, kinh phí sự nghiệp khoa học được phân bổ về cho các đơn vị trong tỉnh để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN cấp cơ sở.

Kiểm tra điện kế tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng- Sở KH&CN Tây Ninh.

NHỮNG THÀNH TỰU ĐÁNG GHI NHẬN

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, một số đề tài, dự án đã được đưa vào ứng dụng thực tế và cho thấy hiệu quả. Cụ thể, như đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn các giống đậu phộng mới phục vụ cho sản xuất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” được triển khai cho nông dân các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành. Qua sản xuất, nông dân nhận xét: các giống đậu phộng được tuyển chọn cho năng suất cao và chúng được lưu giữ để sản xuất. Đề tài “Nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đối với sản xuất mãng cầu ta ở Tây Ninh” đã được ứng dụng xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 ha của hộ sản xuất Huỳnh Biển Chiêu, ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Mô hình này đã được cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, sản phẩm mãng cầu được sản xuất tại đây đã được gắn thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” và lưu thông ngoài thị trường.

Song song đó, đề tài “Xây dựng mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế hộ nông thôn trong vùng đất sản xuất được quy hoạch tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh” góp phần giải quyết một vấn đề khó khăn hiện nay, đó là xây dựng các mô hình sản xuất trong điều kiện đất bị thu hẹp, tạo điều kiện cho kinh tế nông hộ phát triển. Đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm thức ăn ủ chua từ phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi đại gia súc ở tỉnh Tây Ninh và vùng phụ cận” đã đánh giá được tiềm năng và giá trị dinh dưỡng nguồn sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp có thể làm nguyên liệu sản xuất thức ăn hoàn chỉnh lên men FTMR cho đại gia súc, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Đây cũng là cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đề xuất những chủ trương về phát triển đại gia súc, hạn chế ô nhiễm môi trường. Dự án nông thôn miền núi: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò và canh tác sắn (khoai mì) tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát” đã tiếp nhận 8 quy trình kỹ thuật, xây dựng 3 mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đào tạo 18 kỹ thuật viên, tập huấn cho 360 nông dân.

Ths. Phạm Thế Anh theo dõi những cây đang trồng thí nghiệm trong nhà lưới tại trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học- Sở KH&CN Tây Ninh.

Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng có nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu xác định và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp tỉnh Tây Ninh khi hội nhập” đã được chuyển giao đến một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh, Công ty TNHH Đỉnh Cao, Nhà máy đường Thành Thành Công. Đề tài “Thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức các hoạt động và phát triển công đoàn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, được Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện vào thực tế.

Hay như đề tài “Đánh giá thực trạng, nghiên cứu định hướng và xây dựng giải pháp phát triển các loại hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010- 2015” được Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai áp dụng, qua đó chọn mô hình thí điểm nhằm định hướng xây dựng và nhân rộng điển hình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014- 2015…

 

Nhiều lĩnh vực khác cũng đã có những hoạt động góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Như ở lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Tây Ninh đã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuộc loại đặc sản của tỉnh như chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mãng cầu Bà Đen, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và muối ớt Tây Ninh vv…vv…

VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN TỒN TẠI

Ông Nguyễn Minh Hiệp- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Nhìn chung, đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực KH&CN những năm qua còn thấp và dàn trải. Công nghiệp của tỉnh chưa phát triển, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong tỉnh chưa có viện nghiên cứu, trường đại học, vì thế chưa quy tụ được lực lượng cán bộ khoa học giỏi đến với địa phương. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu kinh nghiệm và chủ yếu làm công tác quản lý. Việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp chưa được quan tâm. Cũng còn thiếu cơ chế hữu hiệu để hỗ trợ các sản phẩm đoạt giải cuộc thi sáng tạo để trở thành sản phẩm hàng hoá”.

Hoạt động ở phòng thí nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng- Sở KH&CN Tây Ninh.

Cũng theo ông Hiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những điều tồn tại trên. Chẳng hạn nhiều cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của KH&CN và còn lúng túng trong chỉ đạo đối với vấn đề đổi mới hoạt động KH&CN theo cơ chế thị trường, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý; chưa có cơ chế, chính sách để hình thành sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh.

Công tác xã hội hoá trong hoạt động KH&CN và việc tiếp thu, ứng dụng những thành tựu KH&CN của người dân vào sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy được vai trò quan trọng của việc đổi mới công nghệ. Mặt khác, cơ chế tài chính còn chậm đổi mới, chưa có chủ trương và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư vào lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh. Hiện cũng chưa có chính sách ưu đãi và chế độ cho người làm công tác khoa học.

Đại Dương


Liên kết hữu ích