Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều bà con nông dân ở tổ 5, ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng đang vô cùng lo lắng trước nguy cơ bị mất trắng khoảng 20 ha dưa hấu vì sắp đến ngày thu hoạch bỗng nhiên héo rũ rồi chết hẳn. Người dân nghi ngờ do khí thải của một công ty thuộc da gần đó. Tuy nhiên, theo xác định bước đầu của cơ quan chức năng, có thể dưa hấu đã bị bệnh héo xanh.
Một số bà con nông dân đang khảo sát tại cánh đồng dưa phía sau công ty thuộc da.
NGHI NGỜ LÀN KHÓI “ĐỘC”
Ông Đoàn Công Luận, một nông dân đang trồng khoảng 1 ha dưa hấu giáp ranh với khu nhà xưởng của Công ty T.P (kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi và thuộc da cá sấu) trình bày: trong năm, người dân làm ruộng tại đây canh tác hai vụ lúa, một vụ dưa hấu và một vụ bắp. Vụ dưa hấu được xem là thu nhập chính của bà con, bởi nguồn lợi thu được cao gấp đôi so với hai loại cây trồng còn lại.
Người trồng dưa bỏ ra khoảng 30 đến 40 triệu đồng để đầu tư cho 1 ha dưa hấu, khi bán dưa thu được khoảng 100 triệu đồng (trong đó lãi từ 60 đến 70 triệu đồng). Thế nhưng, năm nay, khoảng 20 ha dưa hấu của bà con tại cánh đồng này đang có nguy cơ bị mất trắng. “Chúng tôi nghi ngờ do khí thải của Công ty T.P gây ra”- ông Luận nói.
Đồng ý kiến với ông Luận, bà Huỳnh Thị Rỉ- một nông dân khác cũng có khoảng 1 ha dưa hấu cho biết, dưa phát triển xanh tốt, nước tưới luôn đầy đủ, đột nhiên chỉ trong vài ngày, dây dưa héo rũ dần rồi chết hẳn hàng loạt. Trước khi diễn ra hiện tượng bất thường trên, tại khu nhà xưởng của Công ty T.P có một ống khói thường xuyên thải ra môi trường (từ việc sấy da thuộc), mùi khó ngửi.
Đáng lưu ý, khói thải có lúc bay thấp xuống mặt ruộng dưa của bà con, nhất là vào những buổi sáng sớm hoặc mỗi khi trời có mưa. Chưa hết, thỉnh thoảng Công ty T.P cũng có để nước thải màu đen bốc mùi chảy xuống một con mương cặp bên ngoài chân tường rào của công ty.
Hiện tượng dưa chết hàng loạt không chỉ xảy ra gần khu vực nhà xưởng của Công ty T.P, mà còn lan rộng ra khắp cả cánh đồng dưa với diện tích khoảng 20 ha. Ngày 9.4, khi chúng tôi đến tổ 5, ấp Lộc Thành, khu nhà xưởng thuộc da không hoạt động, ống khói không thải khí ra môi trường, mương nước thải bên ngoài chân tường rào của công ty đang khô cạn, duy chỉ có đoạn cuối mương- chỗ điểm giao nhau với một con rạch (chảy về hướng trại heo gần đó) là có đọng nước thải. Thực tế, nước thải đọng không có màu đen và bốc mùi như người dân phản ánh. Riêng khu vực gần lò sấy da có mùi hôi khó ngửi.
Ông Luận cho hay: “Thật ra, sau khi người dân lên tiếng, phía công ty đã ngưng hoạt động thuộc da, nên mương nước thải mới khô cạn. Việc xả nước thải màu đen xuống mương, ống khói thải khí bốc mùi hôi ra môi trường gây ảnh hưởng đến khu dân cư trước đó có thể xác minh qua những hộ dân đang sinh sống tại khu vực này. Điều lạ là, tại sao nhiều đám dưa hấu nằm trên hướng gió và khuất phía bên kia khu nhà xưởng lại không bị héo bất thường hoặc chết?”.
HAY DO BỆNH HÉO XANH
Ngày 10.4, ông N đã tìm đến Báo Tây Ninh và xưng là người đại diện của Công ty T.P giải thích: “Trước đây, Công ty T.P có hoạt động thuộc da cá sấu tại khu nhà xưởng mà bà con đang phản ánh. Tuy nhiên, cách nay khoảng 3 năm, Công ty đã cho một công ty khác thuê lại khu nhà xưởng này để hoạt động thuộc da bò (giấy phép của Công ty T.P là chăn nuôi, kinh doanh và thuộc da cá sấu - N.V). Việc thuộc da bò tại đây không diễn ra thường xuyên, khoảng 10 ngày mới thực hiện một lần”.
Ông N thừa nhận chỉ có một lần nhân công dùng da bò vụn để nhóm lò nên phát sinh mùi hôi. Ngay sau đó, bà con phản ánh, công ty thuộc da bò đã nghiêm cấm nhân công nhóm lò bằng da vụn, mà phải dùng dầu hoả. Da bò được đưa về đây để làm ra sản phẩm không gây ô nhiễm như bà con nghi ngờ. Công ty chỉ sử dụng nguyên liệu da bò đã qua công đoạn xử lý ban đầu, tức da phèn (wet blue). Mặt khác, do sản phẩm làm ra được xuất bán đi nước ngoài và cung cấp cho các thương hiệu lớn, nên hoá chất được dùng trong quá trình thuộc da đều phải có nguồn gốc rõ ràng, trong giới hạn an toàn cho phép.
Theo nhận định của ông N, việc sử dụng da phèn và sấy da bằng củi thì khí thải ra từ ống khói không gây ảnh hưởng gì đến dưa hấu của người dân. Riêng vấn đề về mương nước thải, nhân công của công ty có vài lần bơm nước dọn rửa khu nhà xưởng để tràn ra mương. Một số hộ dân thấy vậy cho rằng công ty thường xuyên xả nước thải ô nhiễm xuống mương là không khách quan. Bên cạnh đó, cây trồng của nông dân trên cánh đồng, nhất là cây bắp được dùng để lót dây dưa lâu ngày bị hoai mục, gặp phải khi trời mưa lớn nước đổ dồn xuống mương thoát cũng tạo nên màu đen khác thường.
“Cần thiết, cơ quan chức năng cứ tiến hành lấy mẫu nước tồn đọng trong mương, mẫu khí thải từ ống khói, đất trồng dưa, dưa hấu đang bị héo và đã chết đem đi xét nghiệm. Nếu đúng cây trồng của bà con chết là do khói thải của công ty, chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm. Ngược lại, bà con không nên thường xuyên làm khó công ty. Ngoài ra, tôi cũng có thắc mắc, tại sao hoạt động thuộc da bò đã diễn ra trong nhiều năm qua nhưng cánh đồng dưa hấu gần đó không bị chết, riêng năm nay bà con lại nghi ngờ do khói thải của công ty?”- ông N nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng cho biết, chính quyền địa phương có nhận được thông tin phản ánh từ nhiều hộ dân tại khu vực nêu trên về việc dưa hấu chết hàng loạt. UBND xã đang gửi văn bản báo cáo tình hình diễn biến cụ thể lên cấp trên để có hướng xử lý. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng cho hay cũng đã nhận được thông tin trên, Phòng đang chờ báo cáo từ UBND xã Lộc Hưng, sau đó sẽ đề xuất ý kiến lên UBND huyện nhằm có hướng giải quyết.
Ông Trương Tấn Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ người dân, phòng phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, UBND xã khảo sát thực tế tại cánh đồng dưa hấu của bà con vào ngày 8.4. Bước đầu xác định có thể dưa hấu chết là do bị bệnh héo xanh (bệnh héo vi khuẩn).
Dưa hấu sẽ chết hẳn sau vài ngày bị “héo xanh”.
Ông Đạt cho biết thêm về triệu chứng của loại bệnh này: cây dưa đang sinh trưởng tốt thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo xảy ra vào ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại, sau vài ngày như vậy thì cây không hồi phục được nữa và chết hẳn. Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra.
Điều kiện phát sinh, vi khuẩn có sẵn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển rất nhanh trong mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo. Tất nhiên, đây chỉ là nguyên nhân bước đầu được xác định dựa vào triệu chứng thực tế trên dây dưa hấu. Phòng NN&TNT sẽ mời một số giảng viên tại Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường - Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu đất và cây trồng phân tích. Sau đó, cơ quan chức năng mới đưa ra kết quả cuối cùng, nhằm có một kết luận chính xác, khách quan.
QUỐC SƠN