Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn
Thứ tư: 13:24 ngày 14/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới, nhất là khi Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2013 và Nghị định 08 ngày 27.1.2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN được ban hành.

Quy trình sản xuất phân bón bổ sung 10% silica từ tro trấu bằng công nghệ ép viên không nhiệt.

Hoạt động quản lý nhiệm vụ KH&CN được đổi mới theo hướng nâng cao trách nhiệm và tính chủ động trong đề xuất, thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ, từng bước nâng cao hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH) của tỉnh.

Giai đoạn 2016 - 2020, Sở KH&CN phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan trong và ngoài tỉnh triển khai 59 nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 3 dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT - XH nông thôn miền núi; 41 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; 15 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, tổng kinh phí thực hiện khoảng 67.065 triệu đồng (trong đó, nguồn kinh phí Trung ương gần 10.800 triệu đồng; nguồn kinh phí địa phương 36.757 triệu đồng; nguồn kinh phí huy động từ các nguồn khác (vốn dân, doanh nghiệp) là 19.509 triệu đồng).

Các lĩnh vực nghiên cứu như: khoa học xã hội và nhân văn chiếm 28,81%; khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 23,73%; khoa học y, dược 3,39% và khoa học nông nghiệp 44,07%. Các nhiệm vụ KH&CN sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận kết quả thực hiện đều được chuyển giao cho các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu để triển khai ứng dụng.

Mặc dù chưa tính toán được cụ thể lợi nhuận mang lại cho địa phương bằng nguồn kinh phí đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước nhưng các kết quả nghiên cứu đã góp phần khẳng định được sự đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển KT - XH, giúp địa phương có cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT tại tỉnh; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học loài; tiếp nhận, làm chủ và phát triển các kỹ thuật, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ trái mãng cầu ta Tây Ninh.

Sản phẩm nước ép mãng cầu.

Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 44,07%), giúp nông dân tiếp cận, áp dụng các mô hình và kỹ thuật mới trong lĩnh vực này nhằm giải quyết các vấn đề về nâng cao năng suất, chất lượng các giống cây trồng, vật nuôi chính của địa phương như: lúa, mía, sắn (mì), mãng cầu ta, nhãn, ổi, một số loại rau, trâu, bò, tôm càng xanh…

Ngày 14.5.2021, Trung tâm Khoa học và Công nghệ (Trung tâm TKC) thuộc Sở KH&CN đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng Mía đường Thành Thành Công, Công ty cổ phần NATANI và Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm) phát huy tối đa nguồn lực (nhân lực, thiết bị, cơ sở hạ tầng) của Trại Thực nghiệm KH&CN, qua đó,  góp phần phục vụ mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh nói chung, cụ thể hóa kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn nói riêng.

Sở KH&CN cho biết, nhằm hướng đến phát triển các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh mới thân thiện với môi trường, năm 2020, Trung tâm TKC phối hợp với trường Đại học Bách Khoa TP. HCM nghiên cứu thành công ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp Silica từ tro trấu.

Để triển khai, ứng dụng kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn, Trung tâm TKC ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Nghiên cứu ứng dụng Mía đường Thành Thành Công tạo sản phẩm mới: thay thế tro trấu bằng tro bã mía, một mặt là tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm thải ra trong quá trình sản xuất mía đường, mặt khác, khai thác tối đa các trang thiết bị gồm hệ thống nhà xưởng sản xuất phân bón, hệ thống băng tải bài khí, máy chuyển nguyên liệu, máy may bao phân, máy trộn (công suất 1 m3) và hệ thống ép viên không nhiệt.

Ông Tân thăm vườn mãng cầu

Đơn vị còn phối hợp với Cần Thơ Farm triển khai một số mô hình trồng rau thủy canh, canh tác dưa leo, cà chua trong nhà màng đạt năng suất và hiệu quả cao, phát triển thêm một số giống dưa lưới mới phù hợp với khí hậu Tây Ninh.

Song song đó, phát triển mô hình thực nghiệm trồng nho thân gỗ, giống táo mới, dâu tằm, mâm xôi, cherry nhằm khai thác tối đa hệ thống nhà lưới (4 nhà lưới với diện tích khoảng 2.851 m2), nhà xưởng phối trộn giá thể và nhà chứa phân bón. Ngoài ra, nghiên cứu, phát triển thêm một số sản phẩm dưa lưới sau thu hoạch như dưa lưới sấy, kem dưa lưới, rượu và nước ép dưa lưới.

Cũng trong năm 2020, Trung tâm TKC nghiên cứu và tạo ra một số sản phẩm (thử nghiệm) từ trái mãng cầu Tây Ninh gồm: bột sấy phun mãng cầu, nước rửa tay bổ sung dịch trích ly mãng cầu, nước ép mãng cầu, nước rửa rau củ quả từ dịch quả mãng cầu, kem dưỡng ẩm từ dịch vỏ mãng cầu và một số dòng sản phẩm xà phòng từ vỏ mãng cầu. Các sản phẩm đã được kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim loại nặng, bảo đảm tiêu chuẩn về hàm lượng hoạt chất cấm và hạn chế sử dụng được theo các quy định có liên quan.

Nhằm phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu “mãng cầu Bà Đen”, Trung tâm phối hợp với Công ty cổ phần NATANI để nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm từ mãng cầu Tây Ninh, các sản phẩm sau thu hoạch; qua đó, cũng khai thác có hiệu quả hệ thống nhà xưởng và các trang thiết bị như hệ thống máy sấy phun, hệ thống phối trộn nguyên liệu, máy đồng hóa mẫu, hệ thống cất nước hai lần, bể ổn nhiệt.

Ông Nguyễn Thế Tân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NATANI cho biết, việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn là rất cần thiết với doanh nghiệp. Sự hợp tác này giống như những mảnh ghép ghép vào nhau để tạo ra một bức tranh, mang lại giá trị tốt hơn.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, mục tiêu, khát vọng của Công ty là nâng cao giá trị đặc sản của Tây Ninh, đó là trái mãng cầu, trên nền tảng trái mãng cầu Bà Đen đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Việc xây dựng thương hiệu trái mãng cầu tươi NATANI là một quá trình nỗ lực của Công ty, hiện tại, có thể tự hào chia sẻ rằng, sản phẩm trái mãng cầu tươi NATANI đã được người tiêu dùng đón nhận.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm TKC với các doanh nghiệp.

Ông Tân chia sẻ, sau khi xây dựng được thương hiệu cho trái mãng cầu tươi, Công ty tiếp tục đưa ra những sản phẩm chế biến sau thu hoạch, trong đó, sản phẩm nước ép mãng cầu đã ra mắt thị trường. Với các sản phẩm còn lại, Trung tâm Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, về phía Công ty sẽ nghiên cứu thị trường và có chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường.

Giai đoạn 2021 – 2025, Sở KH&CN xây dựng định hướng ưu tiên triển khai nhiệm vụ KH&CN với các yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong đó, tập trung ưu tiên các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN ở các lĩnh vực đột phá, phát triển công nghiệp 4.0, thành phố thông minh, các thế mạnh của tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, gắn hoạt động khoa học, công nghệ với đẩy manh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sự phát triển các ngành, lĩnh vực, giải quyết những vấn đề cấp thiết của ngành và địa phương; tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục