Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Hai điểm mới quan trọng của luật này là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người chưa xác định được quốc tịch và cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi.
Dương Minh Châu là địa bàn có đông người dân gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, thời gian qua, Công an huyện tập trung rà soát, xác minh để cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người đủ điều kiện, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi để cấp thẻ căn cước.
Công an huyện Dương Minh Châu hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ làm thẻ căn cước cho người dân.
Rà soát, xác minh những người chưa xác định quốc tịch
Tại hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 5.2024, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp- Bộ Công an cho biết, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là vấn đề đã tồn tại lâu nay ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc, cần phải được nhà nước, xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, bấy lâu nay chưa có bất kỳ một văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này.
Do không có giấy tờ tuỳ thân, những người gốc Việt chưa xác định quốc tịch gặp nhiều khó khăn trong sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội. Đa số họ là những người yếu thế (là người di cư, cư trú không ổn định; là người dân tộc thiểu số; trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa…). Bên cạnh đó, nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về họ. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý đối, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội với lý do “nhân quyền”.
Luật Căn cước năm 2023 đã quy định về quản lý đối với những người gốc Việt Nam. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, thể hiện trách nhiệm của nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện để thực hiện trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống lâu nay. Điều này cũng giúp phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.
Theo Công an huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn có trên 800 trường hợp là người gốc Việt chưa xác định quốc tịch. Điều kiện cần để cấp giấy chứng nhận căn cước là công dân phải xác định được mối quan hệ huyết thống với ông, bà, cha, mẹ, người đã từng có quốc tịch hoặc đang có quốc tịch Việt Nam và phải sinh sống trên địa bàn huyện trên 6 tháng. Những trường hợp này liên hệ Công an xã nơi cư trú để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước.
Là người trực tiếp triển khai nhiệm vụ rà soát, xác minh, Thượng uý Võ Hoàng Anh Duy - Công an viên xã Phước Ninh thông tin: “Trên địa bàn xã có hơn 400 nhân khẩu là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, chủ yếu sinh sống tại các tổ 8, 9 của ấp Phước An, đa số không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bấp bênh. Thực hiện chỉ đạo của Công an huyện, lực lượng Công xã tổ chức rà soát, xác minh các trường hợp là người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đủ điều kiện để trao đổi, đề xuất với cấp trên cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định. Việc rà soát, xác minh cũng gặp một số khó khăn do đa số các trường hợp này sống bằng nghề làm thuê ở các khu vực lân cận, ban ngày không có mặt tại địa phương. Do đó, lực lượng Công an xã phải thực hiện rà soát, thu thập thông tin ngoài giờ để bảo đảm tiến độ trên đề ra”.
Ngày 5.7 vừa qua, Công an huyện tổ chức lễ chúc mừng những công dân đầu tiên của xã Phước Ninh được trao giấy chứng nhận căn cước. Anh Đặng Văn Hay là một trong hai trường hợp người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch sinh sống trên địa bàn ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu được trao giấy chứng nhận căn cước trong đợt đầu tiên này. Đây là tin vui đối với anh và cả gia đình sau hơn 6 năm cả gia đình anh về định cư trên địa bàn xã Phước Ninh với rất nhiều khó khăn do không có giấy tờ tuỳ thân, không có nghề nghiệp ổn định.
“Tôi xin chân thành cảm ơn các cấp chính quyền- nhất là các cán bộ Công an đã hỗ trợ cho tôi và các thành viên trong gia đình được cấp giấy chứng nhận căn cước. Từ nay tôi có thể nộp hồ sơ xin vào làm ở các công ty để công việc đỡ vất vả hơn, thu nhập ổn định hơn” - anh Đặng Minh Hay phấn khởi chia sẻ.
Thực hiện thu nhận vân tay trẻ em từ đủ 5 tuổi trở lên để làm thẻ căn cước.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Kể từ ngày 1.7 đến nay, điểm cấp thẻ căn cước tại trụ sở Công an huyện Dương Minh Châu có rất đông người dân đến làm thẻ căn cước, trong đó có nhiều trẻ em. Anh Nguyễn Thế Trung (ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho biết: “Tôi xem ti vi được biết, từ 1.7 bắt đầu thực hiện cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi theo Luật Căn cước mới. Đúng dịp các con đang được nghỉ hè nên hôm nay tôi cho hai con đi làm thẻ căn cước. Qua tìm hiểu, tôi được biết thẻ căn cước cho trẻ em rất thuận tiện khi các cháu đi học, khám chữa bệnh hay làm thủ tục lên máy bay, không cần xuất trình giấy khai sinh. Đối với thủ tục làm thẻ, tôi thấy lực lượng Công an huyện làm việc nhiệt tình, phục vụ tốt”.
Trung tá Nguyễn Hồng Nhung- Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội Công an huyện cho biết: “Để triển khai Luật Căn cước năm 2023, Công an huyện tham mưu UBND huyện triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân. UBND huyện tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức để họ tuyên truyền trực tiếp cho người thân và những hộ gia đình lân cận; tuyên truyền thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, tổ tự quản, lực lượng Cảnh sát khu vực trực tiếp tuyên truyền đến từng người dân những điểm mới, tiện ích của Luật Căn cước. Công an huyện đăng tải các bài viết tuyên truyền điểm mới Luật Căn cước trên Zalo, Facebook, hội nhóm; tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp đến từng hộ dân. Từ ngày 1.7 - 4.7, Công an huyện đã thu nhận 6 hồ sơ cấp giấy chứng nhận căn cước và thu nhận trên 300 hồ sơ cấp thẻ căn cước”.
Luật Căn cước năm 2023 bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trung tá Nguyễn Hồng Nhung- Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội Công an huyện Dương Minh Châu khuyến cáo: “Thẻ căn cước là một tài sản rất quan trọng của người dân, không chỉ chứng minh lai lịch, nhận dạng mà còn được sử dụng trong thực hiện dịch vụ hành chính công và giao dịch các dân sự, kinh tế, thương mại khác trên môi trường điện tử. Do đó, mọi người tuyệt đối không cho mượn hoặc cầm cố thẻ căn cước; không sao chụp hình ảnh, thẻ căn cước của mình chia sẻ lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin thẻ căn cước cho những người mà mình không quen biết để tránh bị lộ lọt thông tin”.
Phương Thuý - Đào Như