Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đưa máy móc vào sản xuất nghề truyền thống
Chủ nhật: 08:13 ngày 24/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh hiện có đến 12 nhóm ngành nghề truyền thống cụ thể như: làm bánh tráng, làm muối ớt, chế biến mây tre, làm nhang, làm mộc gia dụng, làm nón lá, rèn, may, sản xuất gạch, cơ khí, chế biến khoai mì và chế biến nông - lâm - thuỷ sản.

Tất cả các công đoạn sản xuất bánh tráng được sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nghề truyền thống vẫn còn nhiều tồn tại như mẫu mã sản phẩm ít được đổi mới, thiếu khả năng tự khai thác thị trường, thiết bị sản xuất chủ yếu thô sơ, lạc hậu… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, thiếu cơ sở mặt bằng, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn… khiến các làng nghề gặp không ít khó khăn trong hoạt động.

Ông Hà Ngọc Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Mây tre đan số 2 (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) cho rằng, nhiều cơ sở sản xuất hàng mây tre đan, rèn, cơ khí… đã cố gắng đưa ra thị trường các sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, với thiết bị lạc hậu, sản xuất thủ công và giá cả không cạnh tranh được nên sản phẩm thủ công trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Đây là nguyên nhân bắt buộc các làng nghề truyền thống và các cơ sở làm nghề truyền thống phải thay đổi công nghệ sản xuất. “Từ ngày hợp tác xã sử dụng máy phóng nan đã giảm được rất nhiều chi phí, thời gian và nhân công lao động”- ông Quyết nói.

Đi vào hoạt động hơn 4 tháng nay, cơ sở sản xuất bánh tráng Tân Nhiên của anh Đặng Hữu Duy (xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) đã đưa máy móc vào sản xuất. Bằng việc sử dụng hệ thống dây chuyền khép kín từ khâu nấu bột, tráng bánh đến sấy bánh, anh Duy đã cho ra đời những chiếc bánh tráng mềm, mỏng, dai và không phải nhúng nước trước khi ăn.

Thay vì phải qua công đoạn từ xay bột, tráng bánh, phơi bánh bằng thủ công và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, việc sử dụng công nghệ sấy bánh bằng lò sấy hồng ngoại chỉ tốn khoảng 6 phút đã có một mẻ bánh tráng khô đạt chuẩn. Với công nghệ này, anh Duy đã giảm được 1/2 nhân công lao động so với trước đây.

Trong xu thế toàn cầu hiện nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật được hy vọng sẽ giúp cho các làng nghề phát triển, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy nhiên, người sản xuất nghề truyền thống buộc phải thay đổi tư duy, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với xu thế mới.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh để các làng nghề, cơ sở hoạt động nghề truyền thống có thể tiếp cận đất đai, vốn, khoa học công nghệ… mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ làng nghề.

Vũ Nguyệt     

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục