Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðầu năm 2018, Trường THPT Dương Minh Châu đã triển khai thực hiện Nhà thực hành trồng trọt. Ðây là mô hình giúp học sinh làm quen với việc trồng rau sạch áp dụng công nghệ cao.
Học sinh thực hành trồng rau.
Ðể có điều kiện thực hiện mô hình, Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực vận động nguồn lực từ phụ huynh học sinh. Ban đầu, việc vận động gặp không ít khó khăn, vì nhiều người vẫn chưa hiểu được những lợi ích thiết thực từ mô hình. Khi triển khai có hiệu quả, cây trồng xanh tốt, mọi người đến tham quan đều cảm thấy thích thú và hưởng ứng cách làm hay, hiệu quả này.
Ðể xây dựng Nhà thực hành trồng trọt, đội ngũ giáo viên của trường đã tốn không ít tâm huyết, công sức. Suốt nhiều tháng liền, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các thầy cô bắt tay vào việc xây dựng và tự mày mò, tìm hiểu, lắp đặt các công nghệ trong trồng trọt.
Theo đó, Nhà thực hành trồng trọt xây dựng trên diện tích 81m2, có lưới che chắn, ngăn ngừa côn trùng xâm hại. Ðiểm đặc biệt của mô hình là toàn bộ hệ thống máy móc, được tự động hoá với cảm biến như phun sương, tưới hẹn giờ. Nhà thực hành áp dụng việc trồng rau sạch theo hai mô hình thuỷ canh và khí canh, với số lượng hơn 2.500 cây giống.
Anh Vũ Thái, Bí thư Ðoàn trường cho biết: “Lần đầu xuống giống, chúng tôi trồng cải bẹ xanh, kế đến là trồng cải ngọt. Hiện các loại này đã bắt đầu thu hoạch dần. Sắp tới, chúng tôi sẽ trồng cải xoăn. Mục tiêu của nhà trường là trồng thử nghiệm thật nhiều loại giống khác nhau để học sinh được trải nghiệm, có thêm nhiều kiến thức thực tế trong trồng trọt”.
Từ khi có mô hình này, học sinh lẫn thầy cô giáo đều cảm thấy phấn khởi với những tiết thực hành về nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc trồng trọt theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn giúp học sinh nâng cao kiến thức, có cơ hội tìm hiểu những hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại, được thoả niềm đam mê tìm tòi, khám phá.
Em Cao Nguyễn Bảo Ngân, học sinh lớp 12A3 cho biết, những bữa cơm hằng ngày của gia đình đều có các món rau, nhưng chưa bao giờ em được trực tiếp trồng rau. Qua tham gia thực hành trồng trọt tại trường, Ngân đã biết được cách gieo mầm, chăm sóc và thu hoạch các loại rau xanh. Ðồng thời, em còn học được những công nghệ mới về kỹ thuật trồng rau sạch.
Theo Ngân: “Em cảm thấy mô hình này rất hay và bổ ích. Sau này nếu có điều kiện, em cũng sẽ thực hiện một vườn rau như thế này tại nhà, vừa có rau sạch cho mỗi bữa ăn, vừa có thể phát triển kinh tế gia đình”.
Những loại rau trồng ở Nhà thực hành của Trường THPT Dương Minh Châu luôn tươi tốt, xanh mướt. Vì vậy, nguồn rau sạch từ công sức trồng trọt của thầy cô giáo và các em học sinh đã được nhiều nơi quan tâm, đặt hàng.
Thầy Nguyễn Nhiêu Phong, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trước đây, học sinh của trường khi học thực hành trồng trọt, giáo viên cho về nhà ươm giống trong chậu, đến tiết học mang vào lớp, rất bất tiện. Ðó là cách dạy lạc hậu, kém hiệu quả. Vì vậy, nhà trường đã huy động nguồn lực xây dựng mô hình Nhà thực hành, giúp cho học sinh có điều kiện thực hành sau những giờ học trên lớp.
Qua thời gian triển khai, mô hình mới đã phát huy được những hiệu quả về mặt giáo dục, giúp hoạt động giảng dạy ở trường thêm phong phú, cải thiện được điều kiện học tập, tăng thêm hứng thú trong việc học của các em.
Thầy Phong bày tỏ tâm huyết: “Tôi hy vọng mô hình này có thể khơi dậy niềm đam mê đối với lĩnh vực nông nghiệp trong các em. Chỉ cần một vài học sinh yêu thích và chịu nỗ lực đeo đuổi việc nghiên cứu lĩnh vực khoa học nông nghiệp sạch, sau này cũng có thể giúp cho địa phương hoặc nông dân phát triển trồng trọt theo hướng hiện đại, an toàn”.
Hoà Khang