Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ứng dụng truy xuất nguồn gốc:
Đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa
Chủ nhật: 22:34 ngày 31/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hy vọng trong thời gian tới, với sự đồng hành của ngành Nông nghiệp, nông dân Tây Ninh sẽ tiếp cận và ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp ngày càng vươn xa.

Doanh nghiệp trải nghiệm sản phẩm trái cây ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm KYPUS tại hội thảo phát triển truy xuất nguồn gốc cây trồng được ngành nông nghiệp tổ chức vừa qua.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhiều thị trường nông sản có những quy định khắt khe về hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Không chỉ ở thị trường ngoài nước, mà ở trong nước, nhiều siêu thị, hệ thống cửa hàng an toàn cũng đòi hỏi những sản phẩm nông nghiệp được đưa vào kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP… và ứng dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc.

GIÁM SÁT CHẶT CHẼ QUY TRÌNH SẢN XUẤT

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc áp dụng một số giải pháp WeTrace trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã ký thoả thuận với Công ty KIAG (Đức) triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KYPUS. Theo đó, KIAG sẽ trực tiếp ký hợp đồng với các cơ sở tham gia, chi phí dựa trên cơ sở thương lượng và thống nhất giữa hai bên. Đến nay, ở Tây Ninh có 2 cơ sở đã tham gia triển khai ứng dụng phần mềm KYPUS.

Theo Chi cục BVTV, việc triển khai ứng dụng phần mềm KIPUS giúp quản lý quá trình sản xuất, nắm được đầu vào, đầu ra cũng như giúp minh bạch hoá, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi có yêu cầu. Ngoài ra, khi ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, một số khâu trong quá trình canh tác được cập nhật hằng ngày, giúp cơ quan quản lý hỗ trợ và hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả cao. Ngoài ra, còn khuyến cáo nông dân tránh sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, nằm ngoài danh mục cho phép trên từng loại cây trồng cụ thể.

Công ty TNHH Sáu Như Một, huyện Tân Biên là một trong hai cơ sở ở Tây Ninh áp dụng phần mềm KYPUS. Với diện tích 50 ha, công ty đang trồng bưởi da xanh và một số cây trồng khác như cam, quýt…vv.. Từ tháng 4.2018, công ty đã triển khai ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc.

Sau một thời gian triển khai ứng dụng phần mềm KIPUS, công ty  đã thấy được những lợi ích trong quá trình sản xuất hằng ngày từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Công ty còn có thể quản lý công nhân trong một ngày đã làm công việc gì. Qua đó, công ty chủ động bố trí lịch làm việc cho nhân viên. Phần mềm KYPUS có thể giúp công ty xác định được những sản phẩm của từng lô sản xuất, hay khu vực sản xuất qua sự phân chia lô canh tác thông qua bản đồ định vị (Google map) của từng khu vực trang trại.

Điều quan trọng hơn, sản phẩm bưởi da xanh đưa ra thị trường tiêu thụ được dán tem trên từng quả. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm an toàn, công ty sẽ căn cứ vào phần mềm có thể truy xuất quả bưởi đó được sản xuất trong lô nào, cũng như ngày tháng trồng, ngày tháng phun thuốc, người phun thuốc để truy tìm nguyên nhân gây ra sản phẩm lỗi để có hướng xử lý kịp thời.

QUAN TRỌNG VẪN LÀ Ý THỨC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Theo bà Văn Thị Cẩm Lệ- Giám đốc Công ty TNHH nông sản Hoàng Xuân, huyện Trảng Bàng, doanh nghiệp sản xuất dưa lưới với diện tích khoảng 11 ha. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở phần lớn các hệ thống siêu thị ở Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài. Bà Lệ cho biết, theo yêu cầu của đối tác, công ty đã hợp tác với một doanh nghiệp cung cấp phần mềm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm dưa lưới, giúp quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu ươm giống đến thu hoạch. Vì vậy hiện nay, sản phẩm của công ty được các đối tác tin tưởng.

Bà Lệ cho biết, khi áp dụng việc truy xuất nguồn gốc, nông dân phải tốn chi phí mua phần mềm, thuê nhân công để dán tem và tuân thủ chặt chẽ quy trình… nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Thế nhưng, điều này sẽ làm chi phí sản xuất tăng lên, nếu người nông dân không có được đầu ra sản phẩm ổn định mà chỉ phụ thuộc vào thương lái, thị trường bên ngoài sẽ rất khó khăn khi áp dụng giải pháp này.

Ngược lại, áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, mọi hoạt động của nhân viên trong quá trình chăm sóc đều phải cập nhật trên phần mềm để hệ thống quản lý. Nếu hệ thống phát hiện nông dân làm sai quy trình sẽ không tiếp tục cập nhật thông tin mà sẽ có những cảnh báo cần thiết. Trong trường hợp người trồng cố tình phớt lờ cảnh báo, dù sản phẩm vẫn có tem truy xuất nguồn gốc nhưng nếu đối tác kiểm tra phát hiện không đạt chất lượng, không an toàn sẽ ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Bà Lệ cho rằng, ngoài việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, ý thức của người ứng dụng là điều quan trọng.

Bà Lệ dẫn chứng, thời gian qua, không ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đã làm giảm không ít niềm tin của người tiêu dùng là do thiếu sự giám sát quản lý từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Bởi  khi có một sản phẩm nào bị lỗi, sự cố sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá trị sản phẩm trong mắt người tiêu dùng.

Bà Lệ cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp, hộ nông dân có ký hợp đồng với các đơn vị nước ngoài để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đều ý thức việc tuân thủ quy trình sản xuất. Bởi lẽ khi ký hợp đồng, đối tác nước ngoài có chế tài khá nghiêm ngặt  nếu người ứng dụng quy trình sản xuất có lỗi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Do đó, để xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có uy tín, tạo lập chỗ đứng trên thị trường, không chỉ người nông dân phải thực hiện GlobalGAP, xa hơn nữa là JGAP (Japan Good Agricultural Practices - quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Nhật Bản) mà đòi hỏi cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ.

ĐỂ NGƯỜI NÔNG DÂN TIẾP CẬN VỚI TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM

Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương- Điều phối viên dự án của Công ty KIAG tại Việt Nam, để người nông dân có thể tiếp cận và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, về nhân lực, đối với nông trại nhỏ, người nông dân chỉ cần được hướng dẫn là có thể dễ dàng tự nhập thông tin. Đối với nông trại lớn và có thuê nông dân thời vụ, người điều hành quản lý trang trại nên là người nhập thông tin.

Về kỹ thuật, người dùng có thể nhập thông tin bằng máy vi tính, nhưng do phần mềm sử dụng hiệu quả trên hệ điều hành Android nên tốt nhất nên dùng điện thoại thông minh. Hệ thống truy xuất nguồn gốc KYPUS của công ty được thiết kế để nông dân nhập thông tin ngay trên đồng ruộng không cần mạng internet và  vẫn có thể lưu vào máy. Tuy nhiên, sau đó phải gửi thông tin đã được lưu lên hệ thống máy chủ để được hỗ trợ khi cần thiết.

Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp khi đưa vào siêu thị cần phải có tem truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm (ảnh minh hoạ).

Vấn đề người dùng băn khoăn nhất hiện nay là chi phí mua và ứng dụng phần mềm. Bà Dương cho biết, sau mô hình thí điểm ở tỉnh vừa rồi, hệ thống vẫn qua giai đoạn 2, giúp khoảng 200 nông dân có thể sử dụng. Sau 3-6 tháng, từ lúc 200 nông dân này tiếp cận công nghệ, nếu có phản ứng tích cực và vẫn còn ít nhất 100 người tiếp tục muốn sử dụng, chi phí mới được tính đến.

Chi phí phần mềm hiện nay là 5.000 Euro/năm (hơn 130 triệu đồng) cho toàn tỉnh Tây Ninh, không giới hạn số lượng nông dân tham gia. Ngoài ra còn chi phí khả biến trên một đơn vị sản phẩm (phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, ví dụ tại Mali là 1 Euro cent, khoảng 260 đồng/trái xoài), cộng với chi phí in tem. Nếu tự in tem, nông dân trả phần này, không phải trả cho công ty.

Theo Chi cục BVTV, để việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc có hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tới, cần xem xét có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở tham gia làm điểm trình diễn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hy vọng trong thời gian tới, với sự đồng hành của ngành Nông nghiệp, nông dân Tây Ninh sẽ tiếp cận và ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp ngày càng vươn xa.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh