Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa thịt chó vào diện kiểm soát giết mổ
Thứ năm: 09:15 ngày 24/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm nên xem thịt chó là một loại thực phẩm và cần đưa vào danh mục quản lý, kiểm soát giết mổ.

Mới đây, tại Quảng Ninh, hai anh em ruột tử vong sau chầu nhậu thịt chó cùng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm được cho là bởi thịt chó trước đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của loại thịt này.

Các bác sĩ của BV ĐH Y Dược TP.HCM cũng vừa cảnh báo ăn thịt chó, mèo có thể bị bệnh dại bởi hầu hết nguồn thịt chó cung cấp ra thị trường xuất phát từ các vụ trộm cắp. Chó trộm bị đánh bả, bị bẫy bằng các hóa chất độc hại nếu không được chế biến kỹ thì ăn vào sẽ bị nhiễm ký sinh trùng, nó sẽ xâm nhập vào gan, phổi, mắt, thậm chí là não,… có thể gây tử vong ở người. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đã ra khuyến cáo kêu gọi người dân không nên ăn thịt chó. Chính quyền một số nơi cũng đã vận động người dân không nên ăn thịt chó.

Không nên chỉ dừng ở việc vận động

Điều đáng bàn là theo Thông tư số 09/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y thì chó không phải là đối tượng nằm trong danh mục động vật phải kiểm soát giết mổ.

Điều này đồng nghĩa chó được bán ở các khu chợ, nhà hàng, quán ăn sẽ không đảm bảo về nguồn gốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền khuyến khích người dân không ăn thịt chó, không thừa nhận cho phép ăn thịt chó nhưng thực tế vẫn còn tình trạng này. Do đó, cần đưa chó vào diện kiểm soát giết mổ, kiểm dịch như một số loại động vật khác để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Điều này không có nghĩa là thừa nhận, khuyến khích cho người dân ăn thịt chó mà là để quản lý, kiểm soát.

TS Dương Ngọc Dũng (ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: Đã có thời kỳ đất nước khó khăn, việc ăn uống bị thiếu đạm trầm trọng trong khi đó trâu, bò lại là vật nuôi dùng để lấy sức kéo nên chó bị giết mổ làm thịt để bổ sung đạm. Từ đó thói quen ăn thịt chó dần hình thành.

Kinh tế đất nước bây giờ đã phát triển, chuyện ăn uống cũng đã thoải mái và dư dả, không lo thiếu đạm; chó lại là vật nuôi gần gũi, trung thành nên cần nhận thức lại việc ăn thịt chó. “Cũng cần nói thêm, ăn thịt chó đó là quyền tự do ăn uống của mỗi người, khó có thể ban hành lệnh cấm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thịt chó vẫn được buôn bán như một nguồn thực phẩm nên cần đưa vào diện phải kiểm tra chặt chẽ theo các quy định về vệ sinh ATTP để bảo vệ sức khỏe cho người dân” - TS Dũng nêu quan điểm.

Thịt chó được giết mổ, bày bán tràn lan, mất vệ sinh ở các chợ. Ảnh: Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cung cấp.

Phải đưa vào diện kiểm soát giết mổ

TS Lê Minh Tiến (chuyên gia xã hội học) nhận định: Hiện nay một số nơi, thịt chó vẫn được bày bán tiêu thụ như là một loại thực phẩm, đã là thực phẩm cần được kiểm soát giết mổ, kiểm dịch như các loại động vật khác. “Ngay cả thịt cừu với lượng tiêu thụ ít, gần như chỉ thấy ở một số nhà hàng và chắc chắn không phổ biến bằng thịt chó mà còn được kiểm soát giết mổ theo Thông tư số 09/2016 của Bộ NN&PTNN. Trong khi đó, chó không được kiểm soát giết mổ theo thông tư vừa nêu là rất vô lý” - TS Tiến nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ThS Phan Thị Tường Vi (Khoa Luật, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) cho rằng việc ăn thịt chó có những hệ lụy liên quan như trộm cắp chó dẫn đến án mạng, giết mổ không an toàn hay là dùng thịt chó dại dẫn đến hậu quả chết người... Tất cả những chuyện này đều gây ảnh hưởng xấu nhất định đến xã hội.

“Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hiện hành không có một quy định nào đặt ra cho việc quản lý chăn nuôi, giết mổ, sử dụng thịt chó như các loại thịt khác từ heo, bò, gà, vịt hay hải sản…

Chính quyền không cấm ăn thịt chó nhưng cũng cần có quy định pháp luật cụ thể để quản lý việc chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ loại thịt này để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Trước mắt cần đưa chó vào danh mục động vật phải chịu sự quản lý, kiểm soát giết mổ theo Thông tư 09/2016 của Bộ NN&PTNT” - ThS Tường Vi nói.

Cái gì người ta đưa vào miệng thì cũng cần đưa vào diện quản lý

Những ảnh hưởng không tốt của việc ăn thịt chó về mặt sức khỏe cũng như xã hội đã được cảnh báo. Tuy nhiên, một khi đã không cấm ăn thịt chó thì chó cần được quản lý, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y một cách rõ ràng, theo đúng các quy chuẩn về vệ sinh ATTP.

Thịt chó hiện nay vẫn được mua bán, kinh doanh nên cần quản lý chặt chẽ. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi dần nhận thức về việc không ăn thịt chó thì trước mắt cần nhanh chóng đưa chó vào danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ theo Thông tư số 09/2016 của Bộ NN&PTNT để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.

Về lâu dài, các cơ quan chức năng mà trọng tâm là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế cùng một số đơn vị có liên quan cần phối hợp với nhau để đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quản lý thịt chó cũng như chế tài xử phạt khi các cá nhân, tổ chức vi phạm.

PGS-TS NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG,
Phó Trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM 

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục