Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa trò chơi dân gian vào trường tiểu học
Thứ sáu: 18:55 ngày 16/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những hoạt động giáo dục tích cực, giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, hình thành ý thức vui chơi an toàn, lành mạnh cho các em khi ra khỏi phạm vi trường học.

Học sinh háo hức trò chơi cầu tuột trong khu vui chơi tổng hợp.

Giờ ra chơi tại Trường tiểu học thị trấn A (huyện Dương Minh Châu), hơn 670 em học sinh tập trung ở sân trường cùng vui các trò chơi dân gian, vận động thể chất. Không khí náo nhiệt, sôi động hẳn lên khi các trò chơi kéo co, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, ô ăn qua, lò cò được gom lại từng nhóm. Đây đều nhờ vào tâm sức của toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường.

Cô Phạm Thị Mai- Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn A cho biết: Hoạt động đưa trò chơi dân gian vào trường học được triển khai từ đầu năm học 2019-2020. Theo định hướng giáo dục phổ thông năm 2018, cùng phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, nhà trường đã hướng tới các chương trình hoạt động ngoại khóa, giúp các em học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, đặc biệt là các trò chơi dân gian.

Học sinh tự chọn sách đọc theo mã màu trên kệ.

“Trên sân trường, những ô hình đẹp mắt như trò chơi ô ăn quan, bóng rổ, cò bẹp, cùng các trò chơi trong khu vui chơi liên hợp.… để khi ra chơi, các em học sinh có thể thoải mái vận động vui chơi những trò chơi mình yêu thích trong một môi trường thân thiện”- Cô Mai nói.

Cô Mai cho biết thêm, Trường Tiểu học thị trấn A là trường bán trú, với số lượng học sinh ăn bán trú hơn 600 em. Hiện nay, với các nguồn thực phẩm dư đạm, chất béo, rất nhiều em học sinh có nguy cơ “béo phì”. Chính vì đó, nhà trường đã xây dựng môi trường vận động tích cực, để các em vừa hoạt động thể chất, vừa ý thức vui chơi lành mạnh. “Mục đích của nhà trường nhằm hướng tới một con người phát triển toàn diện, mạnh khỏe về thể chất cũng như trí tuệ”.

Học sinh tự chọn sách đọc theo mã màu trên kệ.

Đầu năm học 2019-2020, từ một vài trò chơi nhỏ hấp dẫn (như ô ăn quan, lò cò…) thu hút các em tham gia, Ban Giám hiệu và các thầy, cô trong trường đã tích cực phổ biến, nhân rộng thêm trò chơi nhảy dây, cò bẹp, vẽ thêm ô trò chơi ăn quan, đánh cầu, bóng rổ, dạy học sinh khiêu vũ điệu cha cha Cha…

Bước đầu, Ban Giám hiệu giao Tổng phụ trách Đội, giao viên bộ môn thể dục và giáo viên chủ nhiệm gợi ý, hướng dẫn, tổ chức một vài nhóm tham gia trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan… trong giờ ra chơi.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn tự tay chuẩn bị vật dụng, đồ chơi như dây thừng kéo co, dây nhảy có cán, bao bố, sơn màu vẽ ô trên nền bê tông xi măng… Các trò chơi tập thể sôi động đã thu hút học sinh tham gia. Em Đinh Khánh Hà (học sinh lớp 5B) hớn hở kể: “Con thích nhất là chơi ô ăn và nhảy cò bẹp. Vì mấy trò này rất hay, nhất là ô ăn quan, giúp con giải trí sau giờ học, các trò chơi này vừa vui, vừa giúp con nhanh nhẹn hơn nữa”.

Hàng tuần, trường tổ chức tiết đọc thư viện cho mỗi lớp.

Ngoài giờ ra chơi, các em học sinh đều được tập hát các bài hát dân ca, dân gian trong thời gian giải lao, hát đầu giờ, tham gia các trò chơi dân gian trong các ngày lễ, hội. Em Hồ Hiệu Hoa (học sinh lớp lớp 3D) nói: “Con thích nhất trò chơi nhảy lò cò, vì nó vui, có nhiều bạn chơi chung. Còn các trò chơi khác như ô ăn quan, cầu lông, nhảy dây, con đang tập chơi. Khi biết chơi, con sẽ rủ các bạn cùng chơi với con”.

Cô Phạm Thị Mai cho biết, mô hình Thư viện thân thiện được mở rộng từ năm 2018 do Bộ GD&ĐT phát động, đến nay mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Đây là mô hình được phụ huynh học sinh đóng góp cùng với nhà trường để thực hiện.

Trong đó, phụ huynh đóng góp kinh phí, nhà trường trang bị kệ, sách, thiết bị. Các kệ sách được phân theo mã màu (vàng, đỏ, xanh, trắng…, với khoảng 300 đầu sách) để phù hợp với trình độ đọc của học sinh. Ngoài ra, trường còn tổ chức tiết đọc thư viện (mỗi tiết/tuần), tại đây, các em có thể đọc theo nhóm đôi, đọc cá nhân, tùy chọn chủ đề sách mình yêu thích để các em cảm thấy thoải mái trong không gian thư viện thân thiện này. Em Hồ Hiệu Hoa (học sinh lớp lớp 3D) khoe: “Từ ngày có thư viện, con rất thích vô. Con đọc gần nửa sách ở thư viện rồi! Sách con thích nhất là viết về địa lý”.

Trò chơi ô ăn quan hấp dẫn các em học sinh.

“Hầu như các tiết học văn hóa đã chiếm gần hết thời gian của các em, nên việc tạo sân chơi ngay trong nhà trường, xen giữa thời gian học và chơi, trải nghiệm thực tế, hoạt động thể chất được giáo viên, phụ huynh và học sinh ủng hộ. Khi xây dựng một ngôi trường thân thiện, môi trường học tập tích cực sẽ thu hút được học sinh ham thích đến trường, yêu mến ngôi trường của mình để được học tập và vui chơi”- cô Mai nói.

Theo cô Mai, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học hướng các em học sinh vào các trò chơi tập thể, tránh thụ động, không bạo lực, thực sự vui - khỏe - bổ ích, mà còn góp phần hình thành ý thức vui chơi an toàn, lành mạnh cho các em khi ra khỏi phạm vi trường học.

“Hướng tới, để duy trì chất lượng dạy và học, nhà trường hướng tới mô hình học tập thân thiện, vừa học vừa chơi. Ngoài thực hiện nghiêm túc theo chương trình giáo dục phổ thông, các em học sinh có thể tự chiếm lĩnh tri thức, không những học ở trên lớp mà có thể học ở thiên nhiên, học ngoài trời và học từ bạn, học từ gia đình”- cô Mai khẳng định.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục