Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu tạo ra các bộ phận cơ thể người xuyên thấu - bước tiến lớn mở đường cho việc ứng dụng công nghệ in 3D vào các ca cấy ghép tạng.
Nguồn: Reuters
Với mục tiêu cải thiện kỹ thuật cấy ghép nội tạng, các nhà khoa học Đức mới đây đã công bố nghiên cứu tạo ra các bộ phận cơ thể người xuyên thấu.
Đây được đánh giá là bước tiến lớn giúp mở đường cho việc ứng dụng công nghệ in 3D vào các ca cấy ghép tạng.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại trường Đại học Ludwig Maximilian tiến hành, trong đó tập trung vào việc phát triển công nghệ sử dụng dung môi để giúp nhìn xuyên thấu một số cơ quan trong cơ thể người như não bộ hay thận.
“Công nghệ này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng và chi tiết về cấu tạo của những cơ quan nội tạng, bao gồm cả vị trí chính xác của từng tế bào gốc.
Kết hợp với công nghệ in 3D, những tế bào gốc sẽ được đặt đúng vị trí trong các bộ phận nhân tạo và dần dần phát triển thành cấu trúc của cơ quan đó, giúp chúng có thể hoạt động một cách bình thường,” ông Ali Ertuerk, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, đây là bước tiến giúp cải thiện những thách thức trong việc ứng dụng công nghệ in 3D vào y học.
Hiện, các bộ phận cơ thể người được in bằng công nghệ 3D đều thiếu các chi tiết cấu trúc tế bào, do chỉ dựa trên những hình ảnh chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ.
Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể in 3D thành công lá lách trong vòng 3 năm tới và thận trong vòng 5 đến 6 năm.
Những cơ quan này sẽ được ghép thử nghiệm trên động vật trước khi thử nghiệm trên cơ thể người.
Nguồn TTXVN/Vietnam+