Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đừng đánh mất sự khách quan tối thiểu
Thứ sáu: 00:30 ngày 04/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giữa lúc khó khăn này, những người có chút kiến thức nhưng tâm địa đen tối không ngừng “phun ra” những lời cay độc, bịa đặt, vu khống, bóp méo thông tin bằng cách suy diễn chủ quan một cách có chủ ý.

Ðợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc chống dịch đang hết sức cam go. Việc bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế là lựa chọn khó khăn nhưng không còn giải pháp nào hợp lý hơn, sát thực tế hơn.

Giữa lúc khó khăn này, những người có chút kiến thức nhưng tâm địa đen tối không ngừng “phun ra” những lời cay độc, bịa đặt, vu khống, bóp méo thông tin bằng cách suy diễn chủ quan một cách có chủ ý. Trong trái tim đen của họ, đất nước này càng khó khăn, họ càng hả hê. Họ là ai và vì sao lại như thế?

“Tình hình dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam gần như mất kiểm soát và hệ luỵ của nó thật khó lường, do Chính phủ tắc trách mới làm cho dịch bệnh thêm nghiêm trọng. Hàng vạn dân đang sống ở mức nghèo khó vào bước đường cùng, khi lệnh phong toả, lệnh giãn cách ngày một tăng lên, cắt đứt chén cơm của họ, chống dịch bằng lý luận, bằng chủ trương và nghị quyết, Chính phủ xúi dân đi bầu cử mặc dù biết dịch rất nghiêm trọng”.

Ðoạn văn vừa trích dẫn là của một thanh niên có chút tiếng tăm trong hàng ngũ “những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền”. Trước khi nổi danh trong giới “dân chủ, cấp tiến”, người này từng phải chịu án tù vì vi phạm pháp luật.

Chỉ qua một đoạn văn ngắn (nguyên văn bài viết khá dài) không cần kiến thức cao siêu, thậm chí không cần đến chuyên môn của ngành Y tế hoặc các biện pháp hành chính, không khó khăn gì để nhận ra sự quy chụp bừa bãi, vu khống, bịa đặt không thể trắng trợn hơn của nhân vật này.

Dù dịch bệnh đang diễn ra vô cùng phức tạp nhưng không một bằng chứng nào cho thấy Chính phủ tắc trách trong công tác chống dịch. Không chỉ người dân Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước cũng đánh giá cao nỗ lực, giải pháp của Việt Nam.

Không thể và cũng không cần liệt kê những gì Chính phủ, chính quyền địa phương đã và đang làm để chống đại dịch Covid - 19, chỉ đơn cử một ví dụ: Trong chuyến công tác tại đồng bằng sông Cửu Long, trước tình hình dịch bệnh gia tăng, không chờ về đến Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mở cuộc họp trực tuyến (đột xuất) với lãnh đạo 6 tỉnh biên giới Tây và Ðông Nam bộ để bàn giải pháp chống dịch.

Tại cuộc họp đó, bằng phong cách điều hành ngắn gọn, dứt khoát, không dài dòng, không dùng những lời hoa mỹ, người đứng đầu Chính phủ giao chính quyền địa phương 6 tỉnh phải ý thức cao nhất trong phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Cũng tại cuộc họp đó, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng nhắc đến, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm trước Trung ương về phòng, chống dịch bệnh, vì Tây Ninh có hơn 240km đường biên giới.

Cuộc họp đột xuất diễn ra chỉ trong vài tiếng đồng hồ nhưng Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, chống dịch quyết liệt nhưng phải khoa học, hài hoà, không được cực đoan, vì nếu xử lý không khéo, các hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ðến thời điểm này, lãnh đạo các tỉnh ở phía Nam có đường biên giới đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cuộc họp được mở ra vào lúc nửa đêm để tìm giải pháp chống dịch.

Chẳng lẽ những thông tin vừa nêu là sự tắc trách, là “chống dịch bằng lý luận, bằng chủ trương và nghị quyết”- thưa “nhà dân chủ” trẻ? Người này còn thể hiện thái độ vô trách nhiệm, sai sự thật, khi anh ta viết “Chính phủ xúi dân đi bầu cử mặc dù biết dịch rất nghiêm trọng”.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước. Trước ngày bầu cử, công tác phòng chống dịch bệnh là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, mục tiêu chính là để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, theo luật định.

Vì vậy, không thể phán xét một cách bừa bãi, “nói cho sướng miệng” rằng: “Chính phủ xúi dân đi bầu cử”. Ðó còn chưa kể, xét về thời gian, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra ngày 23.5, trong khi đó, đợt dịch bệnh lần thứ tư được xác định mốc thời gian là ngày 27.4.

Ðiều này có nghĩa, đợt dịch lần thứ 4 xảy ra trước ngày bầu cử gần một tháng, do vậy, không có cơ sở vững chắc để “kết luận” rằng dịch bệnh lần này là do bầu cử. Người này còn “ăn theo nói leo” khi lớn tiếng dạy dỗ, tại sao ngay từ đầu Việt Nam không chống dịch theo kiểu miễn dịch cộng đồng.

Thông tin được công bố cho thấy, để tiến tới “miễn dịch cộng đồng”, hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người từ châu Âu đến cả Bắc và Nam châu Mỹ bỏ mạng, trong một thời gian rất ngắn. Sau đây là vài con số: Tại nước Mỹ, quốc gia này ghi nhận 609.767 ca tử vong trong tổng số 34.113.185 bệnh nhân- tỷ lệ tử vong 1,8%.

Tại Pháp, tổng số ca bệnh ghi nhận là 5.667.342, số ca tử vong là 109.528- chiếm tỷ lệ 1,93%. Tại Anh, tổng số ca bệnh là 4.487.339, tổng số ca tử vong là 127.782- tương đương 2,84%. Tại Việt Nam, tổng số ca bệnh đã ghi nhận là 7.572, số bệnh nhân tử vong chưa tới 50 người, tỷ lệ tử vong ở mức 0,6%.

Như vậy, xét trên hai phương diện, số lượng người nhiễm bệnh và tỷ lệ người tử vong ở các cường quốc cao hơn Việt Nam hàng chục, hàng trăm lần. Ngay tại thời điểm này, chưa có một quốc gia nào tự tin để tuyên bố đã miễn dịch cộng đồng hoàn toàn. Không phải ai khác, chính đài BBC đưa tin, các nhà khoa học vừa cảnh báo, nước Anh đang đối mặt với một cơn sóng thần mới mang tên Covid-19, dù tỷ lệ người dân được tiêm chủng ở quốc gia này cao.

Bất kỳ ai vi phạm trong công tác phòng, chống dịch cũng bị xử lý một cách nghiêm minh, công bằng, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, quan chức hay dân thường. Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, sau đó lây lan trong cộng đồng, một số viên chức, công chức, kể cả lãnh đạo cũng bị xử lý trách nhiệm.

Thời gian gần đây cho thấy, tiếp tục có những viên chức, công chức, lãnh đạo bị quy trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh. Không bỏ lỡ cơ hội, những “ngòi bút dân chủ” liên tục lên mạng chửi bới, nguyền rủa, miệt thị họ.

Trong khi đó, có những cá nhân, tổ chức tôn giáo đã được xác định làm lan dịch bệnh cho hàng trăm người thì những ngòi bút “đấu tranh cho dân chủ, công bằng” bắt đầu “lòi đuôi cáo”, qua hai biểu hiện. Thứ nhất, họ coi như không có chuyện gì, thái độ của họ hoàn toàn khác với viên chức, công chức có sai phạm về phòng dịch. Thứ hai, họ lớn tiếng vu khống, bịa đặt trắng trợn rằng, chính quyền đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử với tôn giáo trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, chính vị chức sắc của một tổ chức tôn giáo đã công khai lên tiếng xin dư luận, xã hội tha thứ, cảm thông vì làm lây lan dịch bệnh. Nhưng, điều này mới đáng nói, khi được xác định nhiễm bệnh, tất cả những người này được đưa đi cách ly, điều trị ngay lập tức. Chính phủ, cơ quan y tế đưa người có đạo đi chữa bệnh một cách kịp thời là phân biệt đối xử ư?

Khi Chính phủ triển khai tiêm vaccine, xây dựng quỹ mua thuốc phòng ngừa, trong đó có kêu gọi sự ủng hộ của người dân, xã hội, những tổ chức, cá nhân vốn không ưa chế độ lại gào lên rằng, nhà nước làm như vậy là sai, là “đốt tiền cúng ma”.

Ðã nhiều lần, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ nhấn mạnh tinh thần chống “dịch như chống giặc”, nói đến chống giặc thì toàn dân, toàn diện chứ không chỉ dùng ngân sách. Nhà nước mua thuốc phòng, chữa bệnh là để cho chính cộng đồng, cho chính người dân sớm được an toàn hơn, điều này có gì sai? Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân và nhu cầu kinh phí trên 25.000 tỷ đồng, tức vào khoảng 1,2 tỷ USD.

Một nhóm người Việt ở trong và ngoài nước “chất vấn” rằng, sao không dùng tiền ngân sách mà mua, hay là hết tiền? Không phải Chính phủ không có, không phải ngân sách không có, nhưng ngân sách không chỉ dùng cho việc mua thuốc.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Ðài truyền hình Việt Nam (clip này đang được chia sẻ rộng rãi), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam có nói, đại ý, nếu chỉ vì chống dịch một cách thuần tuý, không có gì quá khó, chỉ cần đóng băng, phong toả toàn bộ các hoạt động xã hội, là xong.

Nhưng, Chính phủ không chọn cách làm đó, vì như thế nền kinh tế, các hoạt động xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đứt gãy các hoạt động sản xuất. Phó Thủ tướng còn nói, khi chúng ta, những người không phải vào vùng tâm dịch, đang được mặc áo ngắn tay, được xem ti vi thì hàng trăm, hàng ngàn người, vì nhiệm vụ, họ phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít giữa cái nắng gay gắt, không khác gì đang ở trong lò hơi.

Liệu những người thường xuyên lớn tiếng dạy đời, ra vẻ ta đây, nhạo báng chính quyền, vu khống bịa đặt, xúc xiểm đủ trò, miệt thị đủ kiểu có biết thông tin nêu trên? Dòng chảy thông tin, nền tảng công nghệ cho phép mọi người tiếp cận tin tức một cách nhanh nhất.

Họ không thể không biết điều đó, song mang sẵn định kiến, thái độ thiếu công bằng, nhìn đời bằng con mắt hằn học khiến họ đánh mất sự khách quan tối thiểu mà lẽ ra cần phải có. Họ xem những khó khăn của đất nước như miếng mồi, họ hả hê khi đất nước gian lao. Họ tưởng không ai biết hành vi, thái độ của bản thân. Nhưng cái đuôi cáo thường thò ra, như vẫn thấy.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh