Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðể việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, nhiều người dân mong rằng chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý, duy trì trật tự công cộng, trật tự đô thị.
Đoàn công tác tháo dỡ mái che di động, bảng hiệu được bố trí không đúng nơi quy định trên đường Nguyễn Trãi.
Sau gần 3 tháng ra quân, công tác lập lại trật tự vỉa hè ở TP. Tây Ninh bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả nhất định. Một số tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Truyện, Hoàng Lê Kha… cơ bản đã thông thoáng; xe cộ, vật dụng trưng bày buôn bán được sắp xếp ngay ngắn trong phạm vi cho phép; các bục bệ, bậc tam cấp trước nhà dân được sửa chữa, chỉnh trang gọn gàng, đúng quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm tình trạng lấn chiếm vỉa hè không tái diễn rất cần sự nỗ lực của các đơn vị phối hợp- nhất là địa phương.
KHI ÐỊA PHƯƠNG CÙNG VÀO CUỘC
Bên cạnh công tác xử lý tích cực của đoàn liên ngành, nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố cũng chủ động chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
Phường 3 là một trong các địa phương được đánh giá cao trong công tác xử lý hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Ông Nguyễn Viết Phương- Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, trước đây, tình trạng kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra khá phức tạp. Mặc dù địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không lấn chiếm, bố trí vật dụng đúng nơi quy định… nhưng vẫn không thể xử lý triệt để.
“Với sự ra quân đồng loạt lập lại trật tự đô thị, việc xử lý của địa phương cũng thuận lợi hơn. Ðịa phương nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Một số gia đình hưởng ứng bằng cách vận động lẫn nhau tháo dỡ, giải toả các bục tam cấp, bồn hoa lấn chiếm; thậm chí có hộ kinh doanh còn chủ động di dời bàn ghế, dọn dẹp vỉa hè thông thoáng”- ông Phương vui mừng kể.
Theo kế hoạch, phường 3 đã ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Hoàng Lê Kha… Phường tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở 145 trường hợp người dân, hộ kinh doanh chấp hành chủ trương của Thành phố trong việc bảo đảm trật tự đô thị; không đậu xe, bố trí vật dụng vượt quá giới hạn cho phép; thu giữ 21 biển quảng cáo vi phạm. Ðối với những trường hợp có hành vi tái lấn chiếm, lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế, thu giữ các vật dụng cản trở lối đi của người đi bộ, làm mất mỹ quan đô thị.
Theo một số địa phương, mặc dù hằng tháng, địa phương xây dựng kế hoạch ra quân kiểm tra, xử lý trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp và khó giải quyết triệt để. Nguyên nhân là ý thức người dân còn thấp, lực lượng còn mỏng không thể kiểm tra, xử lý hết, một số cán bộ còn ngại va chạm, chỉ nhắc nhở nên không đủ sức răn đe…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiệp- Phó Chủ tịch UBND phường IV cho biết, phường thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm tra, xử phạt các trường hợp mua bán lấn chiếm vỉa hè, lề đường. Tuy nhiên, khi có lực lượng đến kiểm tra, người dân nhanh chóng đẩy xe, dọn dẹp đi nơi khác. Lực lượng vừa đi khỏi, họ lại tái lấn chiếm, trong khi lực lực lượng chức năng không thể túc trực 24/24. Tại những điểm nóng thường xảy ra tái lấn chiếm, UBND phường cử lực lượng theo dõi, xử lý thường xuyên.
UBND phường IV đang phối hợp với đoàn liên ngành Thành phố xử lý các hành vi lấn chiếm tại tuyến đường trọng điểm trên địa bàn như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi. Trước khi ra quân xử lý, địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho người dân, các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình lấn chiếm. Riêng đợt ra quân dọn dẹp vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua phường IV), đoàn công tác đã xử lý 18 bục bệ, 18 biển quảng cáo; đồng thời, được người dân tự giác tháo dỡ nhiều hạng mục vi phạm. Ngoài ra, UBND phường lập kế hoạch, kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường trong hẻm, mỗi tuần 2 buổi.
Phó Chủ tịch UBND phường 1 Trần Thị Thanh Thuyên cho hay, hiện nay, đoàn công tác liên ngành Thành phố đang ra quân xử lý tại tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua phường 1) và công viên Lê Lợi. Song song đó, trong các cuộc họp tổ dân phố, địa phương tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến về công tác chấn chỉnh trật tự đô thị đến người dân.
Ðại diện Ðội Quản lý trật tự đô thị Thành phố đánh giá, việc lập lại trật tự đô thị được triển khai đồng bộ, không chỉ nhận được sự đồng thuận của người dân, mà ngày càng tạo sự lan toả rộng khắp Thành phố. Người dân đã tự giác tháo dỡ các hạng mục vi phạm, chủ động dọn dẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Ðồng thời, tại một số phường, lãnh đạo địa phương rất quan tâm, trực tiếp tham gia kiểm tra, xử lý cùng đoàn công tác.
ÐỪNG “ÐÁNH TRỐNG BỎ DÙI”
Trong công tác giải toả, một số UBND các xã, phường mới chỉ dừng ở khâu xây dựng kế hoạch, cho người dân ký cam kết, chưa thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế. Ban quản lý chợ chưa phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng tiểu thương tự ý bày bán hàng hoá, thực phẩm ra ngoài phạm vi chợ và các tuyến đường xung quanh khu vực chợ…
Theo kế hoạch, sau khi đoàn công tác liên ngành Thành phố giải toả thông thoáng các khu vực lấn chiếm, đoàn sẽ lập biên bản bàn giao về phường, xã để tiếp tục kiểm tra, duy trì, chống tái lấn chiếm. Tuy nhiên, ở một số địa phương, mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân xử lý, lập lại trật tự lòng, lề đường nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn còn tiếp diễn. Ðơn cử, tại khu vực công viên Quang Trung (phường 2), vào buổi tối, nhiều hộ kinh doanh ăn uống vẫn sắp xếp bàn ghế, bày bán tràn lan, xe máy, ô tô đậu đầy dưới lòng đường, lề đường.
Bà H, ngụ phường 2 chia sẻ: “Ban ngày, các hộ kinh doanh còn ngại, chứ về đêm, họ vô tư chiếm dụng công viên để buôn bán khiến nơi đây trở nên bát nháo. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý cơ bản các hành vi lấn chiếm, dọn dẹp, tháo dỡ vật dụng vi phạm. Sau khi lực lượng chức năng rời khỏi thì đâu lại vào đấy. Hy vọng địa phương sẽ tích cực, chủ động hơn trong công tác xử lý vi phạm, chống tình trạng tái lấn chiếm, để công viên được sử dụng đúng công năng”.
Tương tự, đoạn đường 784 (khu vực gần ngã tư Ðại Ðồng, đoạn qua phường Ninh Thạnh), tình trạng lấn chiếm cứ “tái đi, tái lại”. Ðoàn công tác đã xử lý nghiêm các trường hợp người dân dựng quán, cất chòi tạm dọc theo hai bên lề đường để mua bán; đồng thời, bàn giao lại đoạn đường đã qua xử lý cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, một số hộ vẫn còn tiếp tục kê bàn ghế, bục bệ sát lề đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
“Việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Chính quyền địa phương cần xử lý liên tục và triệt để, không nên ra quân rầm rộ rồi bỏ đó. Cứ như vậy, biết đến khi nào mới hết lấn chiếm?”- một người dân ngụ TP.Tây Ninh ngán ngẩm nói.
Theo Ðội Quản lý trật tự đô thị Thành phố, để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, các địa phương cần chủ động, tích cực hơn trong công tác ra quân chấn chỉnh, xử lý; thực hiện kiên quyết nhằm tạo sự thay đổi về mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.
Ðể việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, nhiều người dân mong rằng chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý, duy trì trật tự công cộng, trật tự đô thị. Bên cạnh đó, cần phân rõ trách nhiệm của từng lực lượng chức năng theo tuyến phố, khu vực quản lý; kiên quyết không để tái diễn vi phạm, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân là những yếu tố góp phần bảo đảm trật tự vỉa hè thông thoáng, bảo đảm mỹ quan đô thị lâu dài.
PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI