Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hoạt động khai thác cát “lậu” gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân, trong khi các doanh nghiệp của tỉnh lại khai thác đúng quy định. Điều đó làm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc.
Chiếc tàu khai thác cát trái phép ngày 12.11 đang bị tạm giữ tại hồ Dầu Tiếng.
Hiện nay, có 18 doanh nghiệp khai thác cát được cấp phép hoạt động trong hồ Dầu Tiếng, trong đó, Tây Ninh cấp 16 giấy phép cho 14 doanh nghiệp, Bình Dương và Bình Phước mỗi tỉnh cấp 1 giấy phép cho doanh nghiệp khai thác cát. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong tỉnh được cấp phép hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng chấp hành tốt các quy định của tỉnh về khai thác khoáng sản.
Thế nhưng, thỉnh thoảng trong hồ Dầu Tiếng lại xảy ra các vụ khai thác cát trái phép, làm ảnh hưởng chung đến hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Một số doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động trong khu vực hồ Dầu Tiếng bức xúc: tỉnh và các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay, thậm chí xử lý hình sự đối với các đối tượng khai thác cát trái phép trong khu vực hồ Dầu Tiếng. Đây là những kẻ khai thác cát lậu, những “con sâu làm sầu nồi canh”, làm ảnh hưởng chung đến hoạt động khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ngày 9.7.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2105/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác liên ngành, thường xuyên giám sát việc chấp hành pháp luật nhà nước liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản cát trong hồ Dầu Tiếng. Qua giám sát, các ngành chức năng phát hiện bắt giữ 18 vụ, 51 đối tượng vi phạm khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng. Tổng số tiền phạt gần 700 triệu đồng, tịch thu phương tiện, bán đấu giá nộp ngân sách 890 triệu đồng.
Một doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng (khu vực huyện Tân Châu) cho biết, khi tỉnh chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, doanh nghiệp do tỉnh cấp phép đều thực hiện nghiêm việc di dời tàu hút cát ngoài danh sách đăng ký ra khỏi hồ, xây dựng hồ lắng bảo đảm công tác môi trường, khai thác đúng thời gian quy định, gắn logo nhận diện doanh nghiệp theo yêu cầu của các ngành chức năng… Thậm chí, có thời điểm, để bảo vệ chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng, các doanh nghiệp khai thác cát do tỉnh cấp phép đều tạm ngưng khai thác một thời gian.
Theo đại diện doanh nghiệp này, thời gian qua, doanh nghiệp hoạt động khai thác cát chấp hành tốt các quy định của tỉnh, nhưng các tàu khai thác cát ở tỉnh Bình Phước lén lút qua địa phận Tây Ninh hút cát gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của các doanh nghiệp trong khu vực này. Hoạt động khai thác cát “lậu” gây ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân, trong khi các doanh nghiệp của tỉnh lại khai thác đúng quy định. Điều đó làm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc.
Ngày 12.11.2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Tây Ninh phục kích, bắt quả tang 5 tàu đang bơm hút cát trái phép tại khu vực ngã ba Suối Bà Chiêm, thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các tàu khai thác cát trên hút cát “lậu”, nhưng đều có hợp đồng bơm hút cát gia công cho Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ (ấp Bàu Lùn, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước).
Trong khi đó, cách nay chưa đầy 2 tháng, doanh nghiệp Phú Thọ từng có hành vi vi phạm khai thác cát trên địa phận tỉnh Tây Ninh và đã bị cơ quan chức năng tỉnh phát hiện. UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 180 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản thời gian 4,5 tháng đối với Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ.
Việc xử lý sai phạm của doanh nghiệp đang được dư luận quan tâm, bởi có xử lý nghiêm mới hạn chế được tình trạng một số cá nhân, tổ chức lén lút khai thác cát trái phép trong hồ Dầu Tiếng gây bức xúc cho dư luận thời gian qua.
Một doanh nghiệp khai thác cát tại huyện Dương Minh Châu cho rằng, Tây Ninh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước phải có cơ chế phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.
T.H
Theo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh để có sự thống nhất, đồng bộ giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương trong việc xử lý các hành vi vi phạm hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, theo Biên bản họp số 12/BB-UBND ngày 20.6.2018 của UBND tỉnh Tây Ninh và Bình Dương về công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh vận chuyển và tập kết cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng.
Trong đó, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi hồ Dầu Tiếng phải gắn logo đồng bộ mang đầy đủ thông tin tên doanh nghiệp, số của ghe được đăng ký, toạ độ khai thác, trên ghe phải có đầy đủ các loại giấy tờ cho phép doanh nghiệp hoạt động trong mỏ, được đóng dấu thành tập và có dấu xác nhận của Sở TN&MT về thành phần hồ sơ để thuận tiện cho cơ quan chức năng khi kiểm soát trên hồ; lắp đặt trạm cân, lắp đặt camera tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định.
Thiên Tâm