BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đừng để di tích biến thành phế tích

Cập nhật ngày: 19/05/2011 - 11:29

Giải phóng Bến Cầu ngày 30.4.

Tại buổi tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIII, đơn vị bầu cử số 1, cử tri huyện Bến Cầu đã nêu một số ý kiến bức xúc về sự xuống cấp nghiêm trọng của khu di tích lịch sử văn hoá Lợi Thuận (nằm trên địa bàn ấp Thuận Hoà).

Cử tri Đoàn Minh Chánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện nêu ý kiến: khu di tích lịch sử văn hoá địa đạo Lợi Thuận đã từng là một căn cứ cách mạng quan trọng của huyện Bến Cầu, là nơi quân, dân huyện Bến Cầu chiến đấu gian khổ 12 năm liên tục, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30.4, giải phóng Tây Ninh và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1993, khu di tích này đã được Bộ VHTT (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Thế nhưng, hiện nay, khu di tích gần như bị bỏ hoang tàn. Ông Chánh tha thiết kiến nghị với ứng cử viên Hoàng Tuấn Anh với trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cần quan tâm đến việc giữ gìn Khu di tích lịch sử văn hoá địa đạo Lợi Thuận để làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Chúng tôi sẽ đưa khu di tích địa đạo Lợi Thuận vào chương trình mục tiêu bảo vệ di sản”. 

Sau buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã được ông Đoàn Minh Chánh, kể thêm: trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông từng hoạt động ở khu địa đạo Lợi Thuận với vai trò là cán bộ đồ bản (chuyên vẽ sơ đồ các đồn, bót của địch). Ông Chánh nhớ lại: “Từ tháng 3.1963, quân dân Bến Cầu bắt đầu làm địa đạo. Hơn 400 ngày đêm lao động ròng rã mới làm xong khu địa đạo này. Chúng tôi đào dưới lòng đất mà nghe trên đầu máy bay địch bắn ì đùng. Không làm địa đạo không được vì Bến Cầu có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Nếu để mất Bến Cầu, địch sẽ dễ dàng chiếm luôn Gò Dầu và dùng quốc lộ 22B để chia cắt hai huyện này với các huyện, thị còn lại của Tây Ninh”.

Theo lời ông Chánh kể, khu địa đạo Lợi Thuận có diện tích rộng hơn 1 ha, nằm trong khu rừng rộng hơn 100 ha, nối liền từ xã Lợi Thuận đến Tiên Thuận. Trong khu địa đạo có 4 ụ chiến đấu ở 4 góc. Nối liền các ụ là hàng ngàn mét địa đạo nằm sâu dưới lòng đất. Nhờ có khu địa đạo để bám trụ chiến đấu mà quân và dân Bến Cầu đã lập nhiều chiến công vang dội như bắn cháy xe tăng trung đoàn “Trâu Điên” của Mỹ, xe tăng sư đoàn “Tia Chớp Nhiệt Đới”, sư đoàn 18, tiểu đoàn 304 của nguỵ, góp phần giải phóng Bến Cầu vào tháng 4.1975.

Di tích gần như bị hư hỏng hoàn toàn

Tuy nhiên, từ sau ngày giải phóng đến nay, cánh rừng Tiên Thuận – Lợi Thuận đã bị dân lấn chiếm, phá rừng làm nhà ở, lấy đất sản xuất gần hết. Hiện nay, khu địa đạo không có người bảo vệ, không được trùng tu nên xuống cấp rất thê thảm. “Tâm tư của những lão thành cách mạng như chúng tôi là mong muốn khu địa đạo này được trùng tu lại để làm yên lòng những đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dùng nơi đây làm địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng và sinh hoạt thanh thiếu niên. Những năm qua, nhiều lần huyện, xã tổ chức giao quân lên đường làm nghĩa vụ quân sự mà không có địa điểm, phải đi mượn chỗ khác”- ông Chánh trầm tư, bày tỏ.

Chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại khu địa đạo Lợi Thuận và thấy những trăn trở của ông Chánh là hoàn toàn có cơ sở. Nếu không nhờ một thanh niên tên Đinh Văn Út, nhà ở gần đấy chỉ dẫn, chúng tôi khó mà nhận ra nơi đây từng là căn cứ kháng chiến. Cánh rừng bị “xẻ thịt” thành từng mảnh, trong đó có nhiều nhà ở, nhiều khoảnh đất bị cày xới trống trơn. Một vài nơi còn thấy đường địa đạo nhưng miệng địa đạo bị rác lấp đầy hơn phân nửa. Cây rừng có dấu hiệu bị chặt phá. Rừng xanh ngày nào, bây giờ trở thành nơi để người ta vào đổ rác và phóng uế bừa bãi. Anh Út kể: “Trước đây em thường nghe cha nói muốn xuống địa đạo, đi từ đầu này đến đầu kia phải đốt đèn cầy mới thấy đường đi, nếu không sẽ bị lạc. Hơn 5 năm trước, anh trai của em còn vào địa đạo để bắt dơi, nhưng bây giờ không thể nào chui xuống được”.

Địa đạo Lợi Thuận. Đó là dấu tích của một thời hào hùng của dân tộc, vừa là hậu cứ, vừa là tiền tiêu trong chiến tranh du kích của huyện Bến Cầu. Vì vậy phải được trùng tu, tôn tạo để là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.   

ĐẠi Dương