Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) mới đây lên tiếng, cơ sở đề xuất quy định cho thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện của EVN trong tính toán giá điện dựa trên quy định của pháp luật và tình hình thực tế, cũng như ý kiến của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nêu ý kiến, không có bất kỳ quy định nào về việc được hạch toán lỗ cho các loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế.
Theo lý giải của Cục Điều tiết điện lực, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh của EVN quy định các thành phần cấu thành giá bán lẻ điện bình quân, bao gồm chi phí của các khâu trong chuỗi sản xuất - cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của EVN) và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện, trong đó có chênh lệch tỷ giá.
Trong giai đoạn trước khi ban hành Quyết định 24, chênh lệch tỷ giá là khoản chi phí lớn nhất thường bị treo chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện cũng như giá điện hoặc chỉ được hạch toán phân bổ một phần tùy tình hình tài chính của mỗi năm.
Từ giữa quý I/2022, giá nhiên liệu thế giới tăng kéo theo chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Giá nhiên liệu năm 2023 tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước 2022, ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN.
Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 3% từ tháng 5/2023 mặc dù đã giải quyết một phần khó khăn cho EVN nhưng chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá. Chủ yếu là chi phí mua điện, chiếm hơn 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.
Theo cách lý giải này có thể thấy, năm 2022, 2023, việc lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện là do doanh thu không đủ bù đắp chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Nói cách khác, giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh điện.
Đành rằng, khoản lỗ 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do tác động của giá than, giá khí và các chi phí đầu vào trong khâu sản xuất điện tăng cao là đúng song cần làm rõ vai trò của EVN trong đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ. Bởi trong thực tế có công ty con trong ngành điện vẫn ghi nhận lãi, nhưng công ty mẹ lỗ. Như vậy mức lỗ được công bố có bao gồm các khoản chi phí không hợp lý, hợp lệ được phân bổ vào giá điện, gây áp lực lớn cho người dân khi giá điện tăng liên tục?
Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý cần bóc tách các khâu phát điện, truyền tải và phân phối trong giá thành điện để minh bạch, rõ ràng hơn. Và giá điện cần nằm trong tổng thể chiến lược phát triển thị trường điện, để dần sát thị trường hơn. Đã đến lúc cần phải tách bạch và thị trường hóa các khâu trong sản xuất, kinh doanh điện (trừ truyền tải do yếu tố đặc thù kỹ thuật, an ninh năng lượng). Theo đó phân phối, bán lẻ điện cần được thị trường hóa để tăng tỷ trọng đầu tư vào các dự án điện, cạnh tranh và giảm lỗ, chi phí khi tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh. Chấm dứt tình trạng giá điện tăng do "cõng" thêm các khoản lỗ của EVN.
Nguồn kinhtedothi