Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc chỉ sau chưa tròn một năm học, hai trong bốn bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không còn tồn tại (kể từ lớp 2) là một điều bất ngờ đối với hàng triệu học sinh, giáo viên, kể cả cán bộ quản lý trong cả nước. Thông tin được phát đi trong những ngày gần đây củng cố cho nhận định, quyết định loại bỏ hai trong bốn bộ sách là điều không bình thường.
Học sinh lớp 1.
Quyết ðịnh bỏ sách có từ năm ngoái ?
Sau khi thông tin về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam loại bỏ hai bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” được chính những người trong ngành “rỉ tai” nhau rồi xuất hiện trên báo chí, đại diện NXB mới lên tiếng.
Tuy nhiên, câu giải thích của đại diện NXB được nhìn nhận là chưa đầy đủ. “Lần theo dấu vết” mới thấy, hoá ra hai trong bốn bộ sách đã được định đoạt số phận từ tháng 6 và tháng 7.2020- có nghĩa ngay cả trước thời gian khai giảng năm học 2020-2021.
Không phải ai khác, chính các tác giả biên soạn hai bộ sách nói trên đã công khai thông tin này với báo chí và cho đến lúc này, dư luận mới được biết. Theo tinh thần đó, trong các ngày 15.6.2020 và 7.7.2020, NXB Giáo dục Việt Nam đã có quyết định bỏ hai bộ sách nêu trên, đối với lớp 6.
Trước đó, NXB đề nghị nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa (của hai bộ bị loại bỏ) hợp nhất với hai bộ còn lại. Tuy nhiên, nhóm tác giả “cực lực phản đối” vì “hai cuốn sách giáo khoa có cách tiếp cận và mô hình triển khai khác nhau. Ngoài vấn đề không đủ thời gian để biên soạn lại khi hợp nhất hai bộ, thì việc ghép kiến thức sao cho đồng nhất cũng là điều không thể thực hiện”.
Quyết định bỏ hai bộ sách (từ lớp 2) cũng cho thấy, giữa đội ngũ biên soạn và NXB không phải lúc nào cũng “thống nhất cao”. Những thông tin được công bố rộng rãi cho thấy có những “xung đột” giữa người viết sách và NXB.
Cả bốn bộ sách đều được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt nhưng vì sao hai bộ được giữ lại còn hai bộ bị “khai tử”? Một câu hỏi được đặt ra, kể từ năm học 2021-2022, hai bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” không được sử dụng ở lớp 2 nữa, liệu có trường nào tiếp tục chọn hai bộ này để dạy học sinh lớp 1 hay không? Mặc dù NXB khẳng định, hai bộ sách này vẫn được tái bản in để phục vụ cho học sinh lớp 1 của năm học 2021-2022.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, khi hai bộ sách không còn sử dụng ở lớp 2, cơ sở giáo dục có thể sẽ không chọn để dạy ở lớp 1, vì sợ gặp rắc rối về chuyên môn. Như thông tin gần đây có đề cập, khi được hỏi liệu hai bộ sách nêu trên tồn tại bao lâu, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý ở Tây Ninh cũng không biết được. Chỉ có điều chắc chắn rằng, chừng nào nhà trường, các cấp quản lý không chọn hai bộ sách kia nữa, sản phẩm này sẽ không còn tồn tại.
Thêm một điều cần phải chỉ ra, việc chọn sách cho năm học 2020-2021 không phải trường nào cũng chọn trọn (nguyên) một bộ sách. Tại Tây Ninh, có huyện chỉ chọn duy nhất bộ Cánh diều, có nghĩa, toàn bộ sách giáo khoa là của Nhà xuất bản Ðại học Sư phạm, không đan xen sách của nhóm khác.
Nhưng cũng có địa phương chọn ra một bộ sách “hỗn hợp”, tức ngoài một số sách Cánh diều của NXB ÐHSP, nhà trường chọn thêm một vài cuốn sách khác của NXB Giáo dục Việt Nam. Qua đó có thể thấy, việc chọn bộ sách nào, nguyên một bộ hay theo kiểu “hỗn hợp” cũng là vấn đề đáng suy nghĩ, nhất là khi NXB Giáo dục Việt Nam đã bỏ hai trong bốn bộ sách sau chưa đầy một năm học.
Cũng liên quan đến bốn bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam, nhiều người trong ngành và cả đại biểu Quốc hội cũng thắc mắc, vì sao những lỗi sai trong bốn bộ sách sách này đến nay chưa được sửa chữa? Theo kết quả rà soát nội bộ của chính NXB này thì bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” phải chỉnh sửa ở 37 trang, bộ “Cùng học để phát triển năng lực” phải sửa lỗi ở 24 trang, bộ “Chân trời sáng tạo” phải sửa lỗi ở 7 trang, bộ “Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục” sửa lỗi ở 1 trang trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (tập 1).
Ngày 3.11.2020, trước ý kiến của dư luận trong và ngoài ngành về những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ giải trình với Quốc hội rằng, tất cả những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 đều phải chỉnh sửa.
Gần đây lại xuất hiện thông tin, đại diện NXB này cho biết sẽ chỉnh sửa những sai sót trong lần tái bản sách. Ðiều này khiến người ta đặt câu hỏi, tại sao không chỉnh sửa ngay khi phát hiện sai sót, lại phải chờ đến năm học sau mới làm? Có phải vì năm học tới, hai trong bốn bộ sách không còn sử dụng nên khỏi mất kinh phí sửa chữa?
Ðặt trong mối quan hệ tổng thể, năm học 2020-2021, khi chương trình, sách giáo khoa chỉ mới triển khai được vài tuần, một “cơn bão thông tin” bất thần ập đến đối với bộ sách Cánh diều. Nhóm làm sách này đã bị “bão thông tin” quật cho tơi tả.
Nhưng sau đó, những người làm sách Cánh diều đã tiếp thu, cầu thị và chỉnh sửa sai sót về ngữ liệu, từ ngữ trong bộ sách này. Thế nhưng, “cơn bão thông tin”, ít nhất trên báo chí chính thống, hầu như không đả động gì đến bốn bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam.
Không hoàn toàn vô căn cứ khi nói rằng, bộ sách Cánh diều bị “đưa lên bàn mổ” là do yếu tố thị phần, bởi bộ sách này được nhiều trường chọn, yếu tố sai sót trong chuyên môn chỉ là cái cớ không hơn không kém.
Chuẩn bị chọn sách lớp 2, lớp 6.
Chiều 22.3, một số cán bộ quản lý ngành Giáo dục Tây Ninh thông tin, chỉ ít ngày nữa, việc chọn bộ sách nào cho học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ được quyết định. “Chúng tôi đang chờ quyết định của UBND tỉnh về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.
Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, việc chọn sách sẽ được thực hiện”- cán bộ cho biết. “Công việc tập huấn đã xong, hiện nay, chúng tôi đang thực hiện các bước theo quy định của ngành. Năm nay, theo luật, việc chọn sách sẽ do UBND tỉnh quyết định sau cùng”- lãnh đạo một Phòng GD&ÐT thông tin. Người này cũng bày tỏ quan điểm (cá nhân) rằng những tai tiếng trong chọn sách giáo khoa, chủ yếu xuất phát từ yếu tố cạnh tranh.
“Hai bộ sách đã bị bỏ (từ lớp 2) liệu có tiếp tục được sử dụng đối với lớp 1, năm học 2020-2021 nữa hay không, chúng tôi cũng không thể biết được”- người này nói. Một ý kiến khác thông tin, hiện nay, khi tập huấn xong, giáo viên đang “nghiên cứu” các bộ sách, còn khi nào chính thức chọn, chọn bộ nào thì chưa thể biết nhưng chắc không lâu nữa.
“Theo quyết định của Bộ GD&ÐT, cuối tháng 5 công bố kết quả chọn sách trong cả nước. Hiện nay, chúng tôi đang chờ UBND tỉnh ban hành tiêu chí chọn sách để từ đó địa phương có cơ sở thực hiện theo đúng hướng dẫn của Thông tư 25 năm 2020”.
Người này một lần nữa bày tỏ ý kiến về việc hai bộ sách không còn tiếp tục ở lớp 2 rằng, việc các trường có tiếp tục sử dụng hai bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” ở năm học sau hay không, chưa thể biết được.
Chỉ còn vài tháng nữa, năm học này kết thúc. Qua gần một năm học, tạm so sánh, dù có sai sót nhưng bộ sách Cánh diều của NXB Ðại học Sư phạm độ ổn định cao hơn, vì nhóm này chỉ làm có duy nhất một bộ, trong khi NXB Giáo dục Việt Nam có đến bốn bộ, một dạng đầu tư dàn trải.
Việc phải xoá sổ hai trong bốn bộ (kể từ lớp 2) khi chưa tròn một năm học khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về tính ổn định của những bộ sách này. Nhìn rộng ra, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (được nói là để phá thế độc quyền trong xuất bản) có thể phù hợp với nhiều quốc gia nhưng chưa hẳn phù hợp với nền giáo dục Việt Nam.
Việt Ðông