Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đừng để thói dựa dẫm ỷ lại làm cản trở bước trưởng thành của con trẻ
Thứ tư: 20:23 ngày 02/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bill Gates nói: “Thói quen ỷ lại là một hòn đá cản bước bạn đến với thành công. Muốn làm nên nghiệp lớn, bạn cần đá chúng ra khỏi con đường của mình”

Thằng cháu tôi học lớp bảy, đi học về nó chạy thẳng lên lầu với gương mặt buồn hiu. Hỏi ra mới biết thì ra thằng bé làm bài kiểm tra không được. Được tôi động viên an ủi, nó thực tình bày tỏ.

Số là trong lớp nó học kém môn lý còn cậu bạn thân thì kém môn toán. Thế là chúng thỏa thuận với nhau đến giờ kiểm tra môn toán thì bạn sẽ chép của nó và ngược lại. 

Suốt đầu năm học đến nay, mấy “phi vụ” rồi trót lọt cứ như không. Tự nhiên sáng nay, đúng vào lúc bạn nó vừa làm xong bài thì ngã ra đau bụng xanh lét mặt mày. Thầy thu bài kiểm tra rồi hô hoán chở bạn đi trạm xá. Còn thằng cháu tôi thì bó tay đành viết bừa qua loa cho xong. 

Cũng giống như một thứ dây leo, sống bám vào thân cây, hút nhựa cây để phát triển, khi cái cây chết đi thì đám dây leo kia cũng chết theo.

Thấy nó ỉu xìu cũng tội nhưng tôi không hề ngạc nhiên và động lòng một chút nào. Vì từ lâu, chuyện thằng bé ưa dựa dẫm và ỷ lại vào người khác là một thói quen do bố mẹ nó tập cho mà tôi đã rất nhiều lần phản đối nhưng không có hiệu quả.

Thự tế có một số người, bất cứ khi nào gặp vấn đề cần giải quyết, việc đầu tiên họ nghĩ đến là kiếm một ai đó để nhờ vả. Họ tin vào sự giúp đỡ của người khác hơn là tin vào chính mình. Đó là những người có tâm lý dựa dẫm, ỷ lại.

Sự hình thành thói dựa dẫm, ỷ lại được hình thành từ rất sớm và phần nhiều rơi vào các gia đình khá giả. Từ lúc đứa trẻ còn trong năm, lúc nào trẻ cũng được chăm bẵm như một vật dễ trầy xước đổ vỡ. Có mẹ, khi con ngủ thì ngồi cạnh nôi đưa suốt không ngừng tay, lúc trẻ thức thì bồng đi tới đi lui lắc lư không yên khiến trẻ không có cơ hội được tự mình khám phá thế giới xung quanh. 

Kể cả khi trẻ tự mình có thể làm được, trẻ vẫn “bị” phụ huynh làm giùm từ việc đút ăn (thực tế có trẻ lên 10 tuổi mẹ vẫn còn đút cơm), cho đến việc mặc quần áo, tắm rửa, soạn cặp sách… Tất tần tật trẻ đều không thể tự lập. 

Tình thương con mù quáng của phụ huynh ngay từ con còn bé đã triệt tiêu sự độc lập, sáng tạo và kỹ năng xử lý vấn đề của trẻ. Khi tự xúc ăn, trẻ sẽ biết cách cầm muỗng, biết đưa muỗng vào miệng thế nào cho thức ăn không rơi ra ngoài. Khi tự mặc quần áo, trẻ sẽ biết xử lý thế nào khi lỡ mặc ngược hoặc lỡ cho hai chân cùng vào một ống quần, trẻ biết đứng tựa vào tường mặc quần cho khỏi té chứ không phải tựa vào mẹ. Khi tự soạn sách vở đi học trẻ sẽ phải ghi nhớ hôm nay học môn gì và phải mang theo dụng cụ học tập nào. 

Sự bao bọc của phụ huynh từ bé khiến hình thành thói dựa dẫm ỷ lại. Thói dựa dẫm ỷ lại sẽ nảy sinh ra cách sống phụ thuộc

Việc cha mẹ làm thay trẻ mọi thứ, đến một lúc nào đó do hoàn cảnh phải tự mình đứng ra lo liệu, trẻ sẽ hụt hẫng, mất phương hướng. Lúc đó nỗi đau, sự thất bại có thể làm trẻ ngã gục bởi thiếu sự kiên cường. Rất tiếc nhiều phụ huynh nhất là các bà mẹ không nghĩ tới điều này.

Hiện nay, trong xã hội tình trạng thanh thiếu niên có thói quen sống ỷ lại dựa dẫm vào người khác ngày càng nhiều. Như thằng cháu tôi trong câu chuyện trên chẳng hạn. 

Sự bao bọc của phụ huynh từ bé khiến hình thành thói dựa dẫm ỷ lại. Thói dựa dẫm ỷ lại sẽ nảy sinh ra cách sống phụ thuộc. Cũng giống như một thứ dây leo, sống bám vào thân cây, hút nhựa cây để phát triển, khi cái cây chết đi thì đám dây leo kia cũng chết theo. Nghĩa là khi này bạn giao phó vận mệnh của mình vào tay người khác và đánh mất hoàn toàn quyền tự chủ trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Bố mẹ cần phải học cách buông tay con ra càng sớm càng tốt

Yêu con, không muốn con sau này lớn lên sống dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, muốn con trưởng thành cứng cáp, có cuộc sống độc lập tự chủ, kiên cường bố mẹ cần phải học cách buông tay con ra càng sớm càng tốt.

Lúc con còn bé, cha mẹ nên hướng dẫn, quan sát, uốn nắn thay vì làm thay con mọi việc. Khi con trưởng thành, bố mẹ có thể tham gia, góp ý, định hướng và dẫn dắt nhưng tuyệt đối không “thế thân” cho con. 

Nguồn Thế giới tiếp thị

Tin cùng chuyên mục