Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đừng “dị ứng”, hãy tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội
Thứ hai: 00:42 ngày 14/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng sớm, vừa bước vào quán cà phê, thấy khách ngồi trong quán chưa đông lắm nhưng ai cũng “chúi mũi” vào màn hình điện thoại di động, ông bạn đọc quen thuộc chưa kịp ngồi vào bàn đã buột miệng hỏi Bàn Dân:

- Ông nhà báo nè, thiên hạ xem cái gì trong xì-mạc-phôn mà mê mẩn dữ dậy ông, chắc là họ lướt mạng, xem Facebook, YouTube chứ gì?

- À, có lẽ tại cái ấn tượng ban đầu của ông về mạng xã hội không mấy tốt đẹp nên thấy ai “chơi phây” là ông “dị ứng” chứ gì! Nếu vậy thì, xin lỗi, không khéo ông sẽ bị tụt hậu trong thời đại “bốn chấm không” đó nghen. Thật ra, trong xã hội từ xưa đến nay, sự vật nào cũng có nhiều mặt, mặt tốt và mặt chưa tốt. Nếu mình tiếp cận sự vật một cách chủ động, biết phân biệt mặt tốt, mặt xấu để tạo điều kiện phát huy, nhân rộng cái tốt, cũng như sáng suốt nhận ra cái chưa tốt mà tránh đi, hay góp ý xây dựng cho nó tốt lên, thì không có sự vật nào hoàn toàn vô ích, hoàn toàn tác hại đâu ông ơi.

-Ông nói tôi nghe cũng được, nhưng mà… muốn làm cái chuyện “chủ động thực” trong “thế giới ảo” đâu phải dễ dàng hả ông? Chỉ riêng về chuyện nó lợi chỗ nào, hại chỗ nào tôi cũng còn “ù ù, cạc cạc” chưa biết rành rẽ lắm. Ông có biết thì giải thích cho tôi hiểu với coi?

-Ông lại muốn “tháu cáy” Bàn Dân nữa đó hả? Lẽ nào ông không phân biệt sự lợi hại của mạng xã hội?

-Nói thiệt với ông, cái lợi của mạng xã hội như thế nào tôi chưa rõ, chứ còn cái hại thì tui cũng có chút hiểu biết. Chẳng hạn như là mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời mạng xã hội tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hoá, làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc, cổ vũ lối sống tôn thờ tự do cá nhân quá trớn, lối sống thực dụng, văn hoá đồi truỵ, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hoá dân tộc. Rồi là tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, của đất nước ta. Vậy mà ông nói nó cũng có mặt tốt, là tốt như thế nào vậy ông?

 -Các mặt tiêu cực ông vừa nói đều có cả, đúng cả. Nhưng xin thưa, mạng xã hội cũng có mặt tích cực, mặt tốt đấy. Cụ thể là: mạng xã hội góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người. Mạng xã hội đang ngày càng trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực sự mạng xã hội đã góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hoá cộng đồng, trở thành một bộ phận của văn hoá cộng đồng và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến văn hoá cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy, ngày càng sinh động, khởi sắc hơn. Bên cạnh đó, mạng xã hội góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hoá của Việt Nam. Các mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hoá, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Còn một cái lợi mà Bàn Dân cho là quan trọng nhất, đó là mạng xã hội đã và ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, vai trò của mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức Nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân.

Điển hình về việc này là mới đây, khi làm việc với Cổng thông tin Chính phủ ta, ông Rafael Frankel- Giám đốc khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Công ty Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook đã công nhận và đánh giá cao sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của trang Thông tin Chính phủ trên Facebook trong việc cung cấp thông tin chính thống đến người dân, được đông đảo nhân dân tin tưởng và truy cập, chia sẻ. Nhất là trong hai năm gần đây, hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát hoành hành khắp thế giới, hoạt động của trang Facebook Thông tin Chính phủ rất hiệu quả và có tác dụng mạnh, lan toả các thông điệp, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống Covid-19 đến với đông đảo người dân mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, số lượt truy cập, theo dõi, tương tác của người dân đối với Facebook của Chính phủ đã tăng lên gấp 10 lần đó ông ạ.

-Việc này tôi hoàn toàn đồng ý, vì tôi cũng là một fan của Facebook Chính phủ, bất cứ lúc nào có thông tin mới nhất nóng nhất, không kể ngày hay đêm tôi lập tức theo dõi, “lai” một phát ngay tức khắc.

Bàn Dân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh