Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góc nhìn

Đừng làm thay, hãy để con tự lập và trưởng thành 

Cập nhật ngày: 28/11/2020 - 01:01

BTN - Ngay từ nhỏ, cha mẹ không nên làm thay con mà hướng dẫn, chỉ bảo để con tự làm. Khi con đi học là để con bước vào cuộc sống, va chạm, tương tác với những người khác để học cách hợp tác, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.

Cán bộ Ðội PCCC&CNCH khu vực Tân Châu, Tân Biên hướng dẫn học sinh sử dụng các vật dụng trong gia đình để phòng ngừa cháy. Ảnh: Phương Thuý

Nhóm của chúng tôi có khoảng chục người. Mỗi lần gặp nhau, bàn chuyện gì rồi cuối cùng cũng về chuyện học hành, nghề nghiệp của con cái. Cả nhóm thực sự ngưỡng mộ và có phần ghen tị với anh bạn lớn tuổi nhất.

Chúng tôi cho rằng vợ chồng anh đều là giáo viên nên dạy con học được, cả con gái và con trai của anh đều học giỏi, có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập khá và hiếu thảo. Còn anh thì khẳng định rằng, anh chị chỉ đồng hành cùng con, không làm thay con, không can thiệp sâu vào chuyện học hành, cuộc sống của con…

Anh cho rằng, hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ đang bao bọc con quá mức, cứ nghĩ, lo, làm thay con; không dám “buông tay”, cứ sợ con vấp ngã, thất bại… Nhưng làm như vậy con cái của họ sẽ rất khó để thành công.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới vì cha mẹ cứ bao bọc con, nghĩ, lo, làm thay con, can thiệp quá mức đối với con cái. Sẽ không khó để gặp cảnh buổi sáng, buổi chiều ở các khu chung cư, công viên… ông bà, cha mẹ hoặc người giúp việc chạy theo đứa trẻ 2, 3 tuổi để đút cơm, bón cháo cho các bé.

Vào mỗi buổi sáng hoặc chiều ở các cổng trường cấp 2, cấp 3 thậm chí cả đại học, cao đẳng… nhiều người lại chen chúc nhau đón con, cháu. Những cô cậu học trò vô tư ngồi trên xe để ba mẹ dắt xe hoặc gò lưng đẩy để tìm đường thoát khỏi đám đông.

Hay chuyện học hành, chọn ngành, chọn nghề, chọn nơi làm việc cho đến chuyện dựng vợ, gả chồng, mua đất, xây nhà… nhiều cha mẹ cũng muốn làm thay con. Họ không quan tâm hoặc không biết cách nuôi dạy con cái mình trở thành một cá nhân tự lập, độc lập để có thể tự quyết định, tự chịu trách nhiệm khi trưởng thành… Họ “thiết kế” cuộc đời con bằng việc nghĩ, lo, làm thay con, chạy theo điểm số, chạy theo thành tích, chạy theo giải thưởng… để thoả mãn được danh tiếng của mình với đồng nghiệp, họ hàng, xóm giềng…

Cuộc sống đang ngày càng trở nên phức tạp, khó đoán định và tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi những con người có tri thức, có bản lĩnh để làm chủ cuộc đời mình và có những đóng góp cho xã hội.

Trong dòng chảy đó, vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. Cha mẹ không chỉ lo cho con ăn, ở, ngủ, nghỉ, học hành, phát triển lành mạnh, khoẻ mạnh mà còn phải chú ý đến những sở thích, đam mê và dạy cho con những kỹ năng, giá trị để có được tính tự lập, độc lập, lòng can đảm và tính kiên cường sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển và trưởng thành.

Ngay từ tuổi ấu thơ phải tập dần cho trẻ tính tự lập bắt đầu từ việc ăn uống, tự làm các việc rất nhỏ như sắp xếp đồ chơi, chọn quần áo, lấy khăn lau mặt… Khi trẻ đã vào trường mầm non, cha mẹ hãy hỗ trợ các cô giáo để hình thành cho con thói quen tự xúc ăn, biết đến chỗ lấy nước uống, biết rửa tay, mặc quần khi đi vệ sinh xong…

Khi trẻ vào lớp 1, cha mẹ cũng đừng quá lo lắng mà cho con học trước, cứ để cho con cảm nhận sự háo hức của buổi học đầu tiên khi đến trường. Trong suốt quá trình học tập của con, đừng vì điểm số, thành tích mà làm thay con những công việc giáo viên giao thực hiện ở nhà.

Nhiều người sợ con không biết viết, viết xấu nên cầm tay để điều khiển, vẽ, cắt, dán, xếp, làm các đồ thủ công, ôn bài, làm bài tập… thay con. Cứ nên “thả” để con biết việc học là của mình, các việc giáo viên giao là giao cho mình để từ đó rèn tính tự giác trong học tập.

Phụ huynh cần biết rằng việc làm thay cho con chưa hẳn đã đúng phương pháp, đúng yêu cầu, mục tiêu của giáo viên và khi đó sẽ xảy ra tình hình là không đạt kết quả như mong muốn, khiến con hoang mang, mất niềm tin vào cha mẹ.

Việc làm thay con có thể tránh được cho con áp lực trước mắt, giải quyết được nhiệm vụ học tập ngắn hạn nhưng lại không tác động tích cực đối với việc học của con. Trẻ được làm thay sẽ nảy sinh thói quen ỷ lại, dựa dẫm, trông chờ… mất đi cơ hội trải nghiệm và giải quyết vấn đề; mất đi cơ hội được sai lầm, thất bại để rút ra kinh nghiệm làm lại cho đúng. Sai lầm, thất bại không phải là một điều gì quá khủng khiếp.

Nó là một phần tất yếu của cuộc sống, giúp mỗi người dám đối mặt với hiện thực, xác định nguyên nhân, tự chịu trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục, trên cơ sở đó để hoàn thiện, trưởng thành. Ðây là cách rút ngắn quá trình đào tạo một cách nhanh nhất mà không trải nghiệm lý thuyết nào có thể thay thế được. Nếu vì sợ bị ngã, bị trầy xước mà không dám tập xe thì làm sao biết đi xe; muốn biết bơi mà không đôi lần uống vài ngụm nước hồ thì làm sao bơi được…

Anh bạn lớn tuổi của chúng tôi kể: Cuối năm lớp 9, con trai anh xin thi vào trường chuyên. Ngày thông báo kết quả, nó đi xem từ sáng sớm nhưng đến gần 2 giờ chiều vẫn không thấy con về khiến anh lo lắng. Anh chạy vào trường chuyên thì thấy cháu vẫn thơ thẩn ở bảng đăng kết quả. Thấy anh, nó rầu rĩ cho biết rớt môn chuyên vì thiếu 0,5 điểm, chỉ vào được lớp nguồn thôi. Anh nói, lớp nguồn là cũng tốt rồi, ráng học cuối năm lớp 10 thi lại vào lớp chuyên.

Và cuối năm đó, con anh có kết quả xuất sắc, được thi và chuyển qua lớp 11 chuyên Toán. So với các bạn học chuyên từ lớp 10, cháu gặp nhiều khó khăn hơn nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu, kỳ thi đại học năm 2009, cháu một trong số rất ít học sinh lớp chuyên đạt kết quả 27,75 điểm…

Cha mẹ không nên làm thay con và cũng không nên làm thay vai trò của giáo viên; chỉ nên đồng hành cùng con như luôn quan tâm, động viên, khuyến khích việc học hành của con, có thể thỉnh thoảng ngồi cùng con khi con học, làm bài; khi con có những điều gì chưa hiểu có thể gợi ý cho con cách tra cứu tư liệu, động viên con nỗ lực suy nghĩ, tìm kiếm, nếu thấy cần thiết có thể điện hỏi, nhờ sự trợ giúp của giáo viên… Không vì điểm số, thành tích, thưởng… mà tạo thêm áp lực cho con. Phải để cho con tự lực, tự xoay xở, biết tự học, tự quyết định và chịu trách nhiệm. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của con.

Cán bộ Ðội PCCC&CNCH hướng dẫn các em học sinh cách sử dụng trang thiết bị chữa cháy. Ảnh: Phương Thuý

Cha mẹ cần phải nhận thức được rằng con có cuộc sống riêng của con, cha mẹ có cuộc sống riêng của cha mẹ. Cha mẹ cần hỗ trợ con cái chứ không thể chi phối, can thiệp vào cuộc sống của con.

Cuộc sống luôn vận động, thay đổi, kinh nghiệm của cha mẹ chỉ là những bài học tham khảo chứ không thể áp đặt đối với con cái. Con người không ai tránh khỏi những vấp ngã trong cuộc sống nhưng nếu biết đứng dậy ở nơi vấp ngã chính là cách hoàn thiện mình. Ngay từ nhỏ, cha mẹ không nên làm thay con mà hướng dẫn, chỉ bảo để con tự làm. Khi con đi học là để con bước vào cuộc sống, va chạm, tương tác với những người khác để học cách hợp tác, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.

Học là cả một hành trình dài và rộng bao gồm học - chơi - trải nghiệm - tư duy, có thành công, sai lầm và cả thất bại. Ðiều quan trọng nhất là rèn cho trẻ tính tự lập, độc lập trong cả tư duy và hành động sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức để trưởng thành. Nuôi dạy con phải dựa vào lòng yêu thương và tính nguyên tắc, cha mẹ đừng làm thay, hãy mạnh dạn buông ra để con bay cao bay xa.

D.M