Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nếu như Quốc hội quy định tiếng Anh là “ngôn ngữ thứ hai” thì chẳng phải là quy định các dân tộc anh em phải học tiếng Anh, khỏi học tiếng Việt à?
Tôi nhớ từ hồi cuối năm ngoái, có mấy vị bộ trưởng có ý kiến đề nghị Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là “ngôn ngữ thứ hai” của nước ta để “giải quyết điểm nghẽn” trong hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Nay thì ý kiến đề xuất ấy được định đoạt thế nào rồi vậy ông?
-À, cái đó thì… ý kiến đề nghị công nhận tiếng Anh là “ngôn ngữ thứ hai” của nước ta không được Quốc hội chấp thuận ông ạ.
-Sao vậy ta, tôi thấy ý kiến đề xuất đó hay quá mà, tiến bộ quá mà?! Chẳng lẽ các vị đại diện cho ý chí của dân trong cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước lại không thấy rằng tình trạng không biết ngoại ngữ- nhất là tiếng Anh trong thời đại công nghiệp “bốn chấm không” hiện nay là trở ngại quá lớn cho việc hội nhập với thế giới hay sao? Không nói đâu xa, có phải là chính những người làm nghề thông tin, tuyên truyền như mấy ông mà không biết tiếng Anh cũng vô cùng “khổ sở” khi “lên mạng” khai thác, tra cứu thông tin thế giới hay sao?
-Bàn Dân cũng như tất cả các đồng nghiệp và cũng như… hầu hết những người làm việc trên tất cả các lĩnh vực, ở trong khu vực nhà nước cũng như ngoài khu vực nhà nước trên cả nước ta đều hết sức “vất vả” mỗi khi đụng tới vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài, chỉ vì “cái tội”… “dốt” ngoại ngữ đó ông ạ. Nhưng mà ông cũng đừng nhầm lẫn giữa “ngôn ngữ thứ hai” với lại “ngoại ngữ” nhé.
-Nhầm lẫn là thế nào, một ngoại ngữ mà được sử dụng chính thức như “tiếng mẹ đẻ” thì là “ngôn ngữ thứ hai” chứ là gì nữa?!
-Chưa hẳn như vậy đâu! Bàn Dân không phải là nhà ngôn ngữ học, nhưng cũng có tìm hiểu ở các nhà chuyên môn, đồng thời cũng có theo dõi phiên họp thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) của Quốc hội mới hôm thứ sáu 14.6 vừa qua. Cụ thể là theo giải trình của vị Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh, hoặc một ngôn ngữ nào khác, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng đó là vấn đề thuộc về quy định của Hiến pháp.
Trong khi Hiến pháp 2013 của nước ta đã có quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”,“công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” (các Ðiều 5, 42 của Hiến pháp). Như thế có nghĩa là Hiến pháp chưa có quy định về “ngôn ngữ thứ hai”, và nếu như Quốc hội đưa quy định ấy vào Luật Giáo dục tức là “vi hiến” đấy.
-Ông nói vậy là sao, tôi chưa hiểu?
-Có gì khó hiểu đâu. Vì đất nước ta có tới 54 dân tộc, và Hiến pháp đã quy định ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Như vậy đối với 53 dân tộc anh em thì tiếng dân tộc, tức là tiếng mẹ đẻ của dân tộc ấy là “ngôn ngữ thứ nhất” và tiếng Việt là “ngôn ngữ thứ hai”. Nếu như Quốc hội quy định tiếng Anh là “ngôn ngữ thứ hai” thì chẳng phải là quy định các dân tộc anh em phải học tiếng Anh, khỏi học tiếng Việt à?
-Vậy… chẳng lẽ trong khi khắp thế giới đều dùng tiếng Anh, còn dân mình thì… chẳng cần học tiếng Anh?
-Ðó, chỗ đó chính là chỗ mà Bàn Dân nói rằng, ông còn nhầm lẫn giữa “ngoại ngữ” và “ngôn ngữ thứ hai” đó. Có ai cấm ông học ngoại ngữ, học tiếng Anh đâu nào? Chẳng lẽ ông không biết là Nhà nước, là Bộ Giáo dục luôn chú trọng việc dạy và học ngoại ngữ, dạy và học tiếng Anh hay sao?! Ông thích học, ông cần học tiếng Anh thì cứ việc học, đâu cứ nhất thiết phải công nhận tiếng Anh là “ngôn ngữ thứ hai” mới “chịu” học. Phải vậy không nào?!
BÀN DÂN