BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đừng nhân danh lòng yêu nước để phán xét 

Cập nhật ngày: 03/08/2022 - 07:37

BTN - Không ai cấm người dân góp ý, phê bình. Nhưng không được, không nên lợi dụng việc đóng góp ý kiến (vào bất kỳ việc gì) để phán xét một cách phiến diện, chưa kể có dấu hiệu nhục mạ người khác.

Giáo viên tập huấn thay sách giáo khoa

Thời gian qua, môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trở thành tâm điểm của dư luận. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 63/2022/QH15 yêu cầu đưa Lịch sử thành môn học vừa bắt buộc vừa tự chọn, Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản đang thực hiện nghị quyết này để chuẩn bị cho năm học 2022-2023. Trong khi đó, trên mạng xã hội, nhiều người tiếp tục “tấn công”, đả kích Bộ GD&ĐT bằng cách viết “thư ngỏ”, từ đó đưa ra nhận định vô căn cứ, thiếu tính học thuật.

“THƯ NGỎ”

Trong hai ngày 18 và 19.7, trên trang cá nhân của một người đăng dòng trạng thái dưới hình thức thư ngỏ gửi Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội và Đảng uỷ Bộ GD&ĐT.

Người này viết như sau: “Đây là một phần bài giảng Lịch sử lớp 9 về sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ vài tháng trước đây, chính các quan chức cao cấp, bao gồm cả quan chức cao cấp Bộ GD&ĐT và Phó chủ nhiệm Uỷ ban đều cho rằng, đã quá đủ số tiết và nội dung giảng dạy môn Lịch sử trong phổ thông THCS.

Học sinh cơ bản nắm chắc kiến thức lịch sử cơ bản nhất. Phần bài giảng này là thuộc lớp 9, lớp cuối của chương trình PTCS. Kiến thức này có thể được coi là kiến thức cơ bản được chưa? Học sinh có nắm được mục đích, yêu cầu, chức năng nhiệm vụ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hay không? Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát trong hoàn cảnh nào, trong nước và quốc tế? Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân? Ai là người chỉ huy, lãnh đạo đội quân tiên phong này? Quân số? Thành viên? Vì sao ngày 22.12 lại trở thành Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam? 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có nội dung thế nào?

Phần bài giảng này có đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Điều 2 Luật Giáo dục 2019 hay không?

Rất mong Uỷ ban văn hoá và Giáo dục, Đảng uỷ Bộ GD&ĐT trả lời cho nhân dân? Bộ GD&ĐT có trọng trách có ý nghĩa vô cùng to lớn, giáo dục thanh thiếu niên các thế hệ Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam lao động và cống hiến sự đóng góp của mình trên cơ sở tiền thuế để Bộ GD&ĐT thực hiện sứ mệnh giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Phần bài giảng này đã thể hiện được sứ mệnh này hay không? Là đảng viên, chúng tôi rất mong có câu trả lời, vì đó là lòng dân ý Đảng".

Người này viết tiếp: "Khi khảo sát một số trang trong sách Lịch sử hiện đại của sách giáo khoa lớp 9, chúng tôi bị sốc. Đây có phải là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Đảng uỷ Bộ GD&ĐT hay không? Vì sao lại có hành vi cắt cúp bản Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Vì sao Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân không có người lãnh đạo chỉ huy? Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng vậy? Vì sao lại có cái gọi là "chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn" vi phạm Hiến pháp? Thanh thiếu niên Việt Nam đang học cái gì? Đây có phải là chỉ đạo của Bộ, biên soạn sách giáo khoa để giáo dục lòng yêu nước hay không? Nhân dân Việt Nam muốn biết, Bộ GD&ĐT biên soạn SGK, cắt cúp bài viết, lời kêu gọi, tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm mục đích gì? Việc xoá Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra khỏi SGK nhằm mục đích gì?”.

Kèm theo dòng trạng thái nêu trên, người này chụp một số trang trong sách giáo khoa Lịch sử để làm “bằng chứng” cho nhận định của mình. Để tăng tính tương tác, lan toả rộng, người này gắn tên nhiều người vào bài viết của mình. 

Sách giáo khoa Lịch sử lớp 9, Chương trình năm 2000.

ĐÂU LÀ SỰ THẬT

Điều cần bàn ở đây, người viết những dòng trạng thái dưới hình thức thư ngỏ chỉ căn cứ vào vài trang trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 và lớn tiếng dạy dỗ, chứng tỏ lòng yêu nước nhưng gần như không biết gì về chương trình giáo dục.

Cần khẳng định ngay, môn Lịch sử lớp 9 (được trích dẫn trong dòng trạng thái trên trang cá nhân) là môn học của Chương trình năm 2000, cuốn sách này không phải Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ở đây có hai giả thuyết: người viết “thư ngỏ” hoặc không biết cuốn sách đó thuộc Chương trình năm 2000 hoặc biết nhưng cố ý đưa tin một cách lập lờ. Sách Lịch sử lớp 9 của Chương trình năm 2000 và sách Lịch sử và Địa lý của Chương trình năm 2018 là hai cuốn sách khác nhau.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mới chỉ thay sách đến lớp 6, năm học 2022-2023 sẽ thay sách đến lớp 7. Điều này có nghĩa, sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 của Chương trình năm 2000 không liên quan gì đến sách giáo khoa Lịch sử của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Như vậy, việc lấy vài trang của sách giáo khoa Lịch sử thuộc Chương trình năm 2000 để phê phán, đả kích Bộ GD&ĐT, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục, là hoàn toàn sai trái.

Bỏ qua lỗi diễn đạt, những câu hỏi trong "Thư ngỏ" kể trên hết sức ngớ ngẩn. Vì, sách giáo khoa của Chương trình năm 2000 được thiết kế theo hai vòng, có nghĩa, kiến thức, tri thức trong sách giáo khoa cấp THCS được lặp lại, mở rộng, nâng cao ở cấp THPT.

Nói khác đi, nội dung sách giáo khoa cấp THCS của Chương trình năm 2000 chỉ trình bày những kiến thức, hàm lượng tri thức ở cấp độ cơ bản nhất, không chuyên sâu, không mở rộng, không nâng cao.

Điều này hoàn toàn đúng với tâm lý lứa tuổi, tâm lý sư phạm, vì độ tuổi từ 11-15 không thể học chương trình nâng cao, do đó, sách giáo khoa không thể diễn giải hết mọi sự kiện.

Người viết dòng trạng thái còn chất vấn, sao không cho học sinh học mười lời thề trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nội dung này chỉ có những quân nhân, người trong quân đội mới học, bắt học sinh học mười lời thề là sai đối tượng giáo dục.

“Vì sao lại có hành vi cắt cúp bản Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”- người này đặt câu hỏi. Xin thưa, một tiết học ở bậc phổ thông chỉ 45 phút, đưa nội dung nào, dung lượng bao nhiêu vào sách giáo khoa đã được cân nhắc kỹ về mặt sư phạm.

Việc sách giáo khoa trích dẫn một đoạn trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là việc làm có tính chuyên môn sư phạm, không phải hành vi cắt cúp, do vậy không được quy chụp một cách bừa bãi. Như đổ thêm dầu vào lửa, trong phần “bình luận”, có người (thuộc nhóm bạn bè của tác giả bức "Thư ngỏ") chụp trang 94 trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 rồi chất vấn, tại sao ngày 2.9.1945 chỉ có hình ảnh Bác Hồ, không có nội dung tuyên ngôn độc lập.

Thực tế, những người này không hề nắm được toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 (và cả chương trình giáo dục trước giai đoạn đó), bản Tuyên ngôn độc lập đều được in đầy đủ trong sách giáo khoa lớp 12.

Đặc biệt, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 của Chương trình năm 2000 dạy nguyên văn tác phẩm này với thời lượng lên đến ba tiết học (số tiết nhiều nhất cho một bài học). Nói ngắn gọn, Tuyên ngôn độc lập- một văn bản chính luận mẫu mực cả về nội dung lẫn văn phong, lập luận được dạy cực kỳ kỹ lưỡng, chi tiết trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Tác phẩm mẫu mực này được bố trí dạy kỹ ở lớp 12 còn nhằm phục vụ cho phần tập làm văn (phần nghị luận) trong sách giáo khoa Ngữ văn.

Vẫn trong phần “bình luận”, có người còn chất vấn tại sao sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 thay thế hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, rằng bức ảnh Bác đọc Tuyên ngôn độc lập sách giáo khoa ngày trước rõ, nay mờ mờ, chụp từ xa, hay có vấn đề gì.

Họ lớn tiếng nhưng không hề biết, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trước micro được in trong sách giáo khoa trước những năm 2000 là tại một sự kiện năm 1954, tức sau ngày tuyên bố độc lập gần 10 năm. Thông tấn xã Việt Nam xác nhận, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 thuộc Chương trình năm 2000 mới đúng là ảnh chụp khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập.

Không ai cấm người dân góp ý, phê bình. Nhưng không được, không nên lợi dụng việc đóng góp ý kiến (vào bất kỳ việc gì) để phán xét một cách phiến diện, chưa kể có dấu hiệu nhục mạ người khác. Trong trường hợp này, môn Lịch sử gắn với lòng yêu nước. Yêu Tổ quốc là lẽ tự nhiên của mỗi công dân nhưng không được nhân danh lòng yêu nước để phán xét bừa bãi.

Việt Đông