Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dùng nhiều mạng xã hội ảnh hưởng thế nào đến não bộ trẻ em
Thứ năm: 14:12 ngày 05/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo nghiên cứu, những học sinh dùng nhiều mạng xã hội có điểm chung là muốn đạt thành tựu, được xã hội công nhận và thậm chí có thể căng thẳng, trầm cảm vì chúng.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn mà các em sử dụng mạng xã hội nhiều nhất và cũng phát triển não nhanh nhất. Ảnh: Adobe Stock.

Mới đây, các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Bắc Carolina đã thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của mạng xã hội lên não bộ của trẻ em bằng cách thí nghiệm các em học sinh độ tuổi từ 12-15. Đây là giai đoạn não bộ các em đạt tốc độ phát triển nhanh nhất.

Càng dùng nhiều mạng xã hội, càng nhạy cảm

Kết quả cho thấy những em có thói quen kiểm tra mạng xã hội thường xuyên đều có điểm chung là muốn đạt thành tựu và được xã hội công nhận. Mong muốn này sẽ càng khắc sâu trong tâm trí các em theo thời gian. Ngược lại, những đứa trẻ ít tiếp xúc với mạng xã hội lại không có hứng thú với những danh hiệu này.

“Với những em dùng nhiều mạng xã hội, não bộ sẽ dần thay đổi, trở nên nhạy cảm với những phản hồi của xã hội đối với chúng. Điều này trở thành nền tảng để não bộ phát triển khi trưởng thành”, Giáo sư tâm lý học và thần kinh học Eva Telzer tại Đại học Bắc Carolina cho biết.

Cụ thể, Telzer và đội ngũ đã nghiên cứu với 169 trẻ em học lớp 6 và 7 ở ngoại ô Bắc Carolina để tìm ra ảnh hưởng của thói quen dùng mạng xã hội đối với sự phát triển não bộ.

Trong suốt 3 năm nghiên cứu, các em học sinh sẽ phải báo cáo mọi hành vi sử dụng mạng xã hội của mình. Hàng năm, chúng cũng phải chụp cộng hưởng từ não (MRI) để xem phản ứng thần kinh khi chúng nhận được những đánh giá tiêu cực/tích cực từ xã hội như khuôn mặt tức giận, khuôn mặt vui… của người khác.


Trẻ em ngày này có xu hướng sử dụng mạng xã hội rất thường xuyên. Ảnh: CNN.

Giáo sư Telzer cho biết những em thường xuyên kiểm tra mạng xã hội sẽ có phản ứng nhạy hơn ở một số phần não như hạch hạnh nhân (amygdala), nơi xử lý cảm xúc. Trong khi đó, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy các học sinh ít sử dụng mạng xã hội sẽ ít có phản ứng với những phần não này hơn.

Tuy nhiên, Telzer cho biết hiện vẫn chưa rõ những phản ứng thần kinh này có làm thay đổi hành vi của học sinh hay không như căng thẳng hay nghiện ngập, sử dụng chất kích thích… “Vẫn còn quá sớm để lo lắng. Nghiên cứu chỉ chỉ ra mạng xã hội có liên quan đến độ nhạy cảm của các em với xã hội nhưng chưa thể khẳng định đây là nguyên nhân chính”, bà nói thêm.

Mạng xã hội chưa chắc xấu

Nhà khoa học nói rằng độ nhạy cảm tăng cao vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực. Nó có thể khiến trẻ em trở nên căng thẳng hay thậm chí là trầm cảm vì những định kiến của xã hội hoặc cũng có thể giúp các em nhanh chóng thích nghi và điều chỉnh môi trường xung quanh của mình hơn.

Nói về vấn đề này, Neha Chaudhary, nhà tâm thần học tại Massachusetts General Hospital và Harvard Medical School, cho rằng mạng xã hội vốn là nơi để mọi người nhận phản hồi từ bạn bè, người thân xung quanh dù là phản hồi tích cực như nhận được nhiều like hay tiêu cực vì bị bình luận khiếm nhã.

Song, tuổi vị thành niên là giai đoạn mà các em sử dụng mạng xã hội nhiều nhất và cũng phát triển não nhanh nhất. Trong khi đó, người lớn đã trải qua hầu hết quá trình trưởng thành và tái tổ chức não bộ để học cách tiếp nhận những ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, nhà khoa học Telzer nói.

Hành vi sử dụng mạng xã hội có tác động nhất định đến phản ứng não. Ảnh: New York Times.

Theo Chaudhary, kết quả nghiên cứu của Telzer và cộng sự có thể được hiểu theo hai cách. Một mặt, mạng xã hội có thể thay đổi phản ứng não của những đứa trẻ. Nhưng mặt khác rất có thể những thay đổi trong quá trình phát triển não bộ đã khiến chúng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.

“Nghiên cứu chỉ cho thấy cách thức con người sử dụng mạng xã hội trong một thời điểm sẽ có tác động nhất định đến quá trình phát triển não nhưng không nói rõ về ảnh hưởng bao nhiêu và là tốt hay xấu”, Jeff Hancock, nhà sáng lập Stanford Social Media Lab, nhận định.

Ông cho rằng những người có trạng thái tinh thần khác nhau có thói quen sử dụng mạng xã hội khác nhau. “Chúng ta đều không giống nhau nên đừng áp đặt rằng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng tất cả như nhau”, Hancock chia sẻ.

Nguồn zingnews

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục