BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện cuối tuần

Đừng quay lưng lại với lịch sử

Cập nhật ngày: 04/08/2023 - 00:17

BTN - Hiểu biết và biết ơn đối với lịch sử, quá khứ, cội nguồn, để yêu nước và tự hào, để không trở nên lạc lõng và sống một cuộc đời vô nghĩa ngay trên chính quê hương mình.

Dù ngày 27.7 đã qua, hoạt động chăm lo cho các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng vẫn tiếp tục được các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên- như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng khẳng định khi đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, tỉnh Ninh Bình: “Trong suốt 76 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được rà soát, hoàn thiện, bổ sung, phù hợp tình hình đất nước trong mỗi giai đoạn”.

Không chỉ vậy, các hoạt động tưởng nhớ, tri ân và bày tỏ lòng biết ơn anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh đã hy sinh xương máu để đem lại cho thế hệ con cháu hôm nay được độc lập, tự do, hạnh phúc hôm nay vẫn được thế hệ trẻ lan toả bằng những hành động cụ thể.

Như chàng trai Lê Quyết Thắng phục dựng truyền thần hàng trăm ảnh liệt sĩ. Hay mới đây, nhóm TeamLee phục dựng hình ảnh 2 người con liệt sĩ từ ký ức của Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thành, 97 tuổi, quê ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Sau 51 năm, mẹ bật khóc: “Hắn về đây rồi”, khiến những người có mặt tại nhà mẹ hôm ấy đều rơi nước mắt. Gần nhất là việc 3 chàng trai trẻ Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh và Lê Công Thành sử dụng công nghệ AI tái hiện chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà- một trong 10 cô gái đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc.

Trên cõi mạng lan truyền câu chuyện: khi phát hiện một chiếc xe cứu thương đưa liệt sĩ về Nghệ An đang dừng chân cúng cơm cho liệt sĩ, một chiến sĩ CSGT Quảng Nam đã dừng lại và xin được thắp nén hương, đồng thời mời nhóm thiện nguyện dùng bữa cơm trưa đạm bạc. Hành động tuy nhỏ, nhưng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ, khiến ai cũng ấm lòng và xúc động!

Nói những điều trên, để thấy rằng, thế hệ trẻ hôm nay vẫn hừng hực lửa cống hiến, tự hào với truyền thống dân tộc, không thờ ơ, vô cảm hay quay lưng với lịch sử.

Tiếc là, vẫn còn những người trẻ, nhất là trong giới showbiz, không mấy xem trọng điều đó, dẫn đến những phát biểu khiến dân tình chỉ còn biết lắc đầu cười trừ. Cô á hậu nọ trả lời câu hỏi: kể tên 5 danh nhân nổi tiếng xứ Nghệ, thì Bác Hồ là cái tên cuối cùng được xướng lên, sau bản thân mình và tên vài cô ca sĩ đang nổi. Hay cô hoa hậu kia, khi được hỏi về các danh nhân nổi tiếng của tỉnh B.Đ, cô nàng trả lời ngay: Em, Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung (!?).

Hình ảnh chiếc xe tăng trong poster giới thiệu triển lãm hình ảnh về Đại tướng Văn Tiến Dũng- Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh ở một bảo tàng lớn tại Thủ đô Hà Nội không phải là chiếc T-54 huyền thoại mà là chiếc Leopard II của Đức; panel tuyên truyền kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chiếc C1 Ariete của Italy… khiến không ít người bức xúc và cho đó là thái độ vô trách nhiệm, không trân trọng lịch sử.

Trong một bài báo, PGS. TS Nguyễn Thanh Tú viết: “Tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ này: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Đây không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Bác nói “cho tường” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử”.

Đ.H.T