(BTN)- Trong Luật Giáo dục
sửa đổi năm 2010, ngoài các loại hình trường học phổ thông, luật còn đề cập đến
các cơ sở giáo dục khác. Các loại hình trường lớp này được Nhà nước khuyến khích
phát triển bên cạnh hệ thống các trường phổ thông. Thế nhưng một số lĩnh vực
hoạt động của các cơ sở giáo dục này, nhất là công tác y tế học đường, chăm sóc
sức khoẻ cho người học gần như bị bỏ quên bởi còn thiếu sự giám sát, kiểm tra
chặt chẽ của Nhà nước.
|
Một tiết học về
chăm sóc răng, miệng |
Tại một cơ sở giáo dục tư
nhân nọ, vào giờ ra chơi hoặc tan học, nhiều phụ huynh đã phải lắc đầu khi tận
mắt chứng kiến cảnh ăn quà vặt của học sinh. Các em vô tư mua thức ăn, thức uống
từ những chiếc xe leng keng, bí bo cặp hàng rào trường. Rất nhiều loại thức ăn,
thức uống trông vẻ ngoài rất đẹp mắt, hấp dẫn bởi nhiều màu sắc và cũng lắm mùi
vị nên luôn thu hút các khách hàng nhỏ tuổi. Một cái chảo dầu màu đỏ sậm (chắc
do dầu đã dùng nhiều lần trong nhiều ngày) dùng để chiên những xâu thịt, xâu tàu
hủ để bán cho các em. Cứ mỗi xâu 5.000 đồng, bỏ vào dĩa, xịt thêm một ít tương
màu đỏ, đủ tạo sức kích thích các khách hàng nhí, vô tư. Hoặc món bánh tráng me
đựng trong bịch ni lông kèm theo đôi đũa là món quà vặt mà các em có thể ăn
đứng, ăn ngồi bất kỳ chỗ nào. Các em nhỏ ăn quà vặt do thói quen từ gia đình, từ
ảnh hưởng bởi chúng bạn, dần trở thành nếp sinh hoạt rất không an toàn cho sức
khoẻ. Nhiều bậc cha mẹ do nuông chiều con, hay cho tiền con ăn quà vặt trong lúc
đi học, vô tình tiếp tay cho con em mình tập thói quen ăn uống tuỳ tiện, có hại
cho sức khoẻ. Do ăn uống từ các hàng quà rong không bảo đảm an toàn vệ sinh thực
phẩm, các em dễ bị bệnh đường ruột. Điều đáng quan tâm là hiện nay nhiều cơ sở
giáo dục tư nhân trong tỉnh chưa thật quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho
người học, mặc cho các loại hàng hoá thực phẩm không bảo đảm vệ sinh tha hồ tiếp
cận, “tấn công” học sinh. Thậm chí nhiều trường còn chưa có phòng y tế hoặc nhân
viên y tế để chăm sóc sức khoẻ cho học sinh những lúc cần thiết.
Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y
tế đã ban hành Thông tư Liên tịch số 18/2011/TTLT, quy định các hoạt động y tế
trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và
trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong Thông tư có yêu cầu các trường học phải
bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị, nước uống vệ sinh… và nhân viên y tế
trường học tối thiểu phải là trung cấp. Đây là yêu cầu đối với các cơ sở giáo
dục nói chung. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cứ đến mỗi đầu năm học (cũng là
thời điểm giao mùa), các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay-chân- miệng lại
nổi lên. Các trường học do Nhà nước quản lý đều có biện pháp phòng, chống dịch
bệnh để bảo vệ sức khoẻ học sinh. Nhưng ở các trường ngoài công lập thì không
phải trường nào cũng quan tâm đến vấn đề này.
Ở bất kỳ cơ sở giáo dục nào
cũng có đông người học tập trung và sinh hoạt, ít nhất là 2 giờ trong ngày.
Trong 2 giờ đó, các cơ sở giáo dục theo quy định là phải chuẩn bị tốt những điều
kiện về y tế để bảo đảm sức khoẻ cho người học, đồng thời phối hợp cùng gia đình
tạo điều kiện cho họ yên tâm học tập. Có vậy mới tạo được niềm tin đối với người
dân khi họ gửi gắm con em mình vào trường. Người dân nói chung rất mong các cơ
quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh những hiện
tượng còn lơ là trong công tác chăm lo sức khoẻ học sinh, học viên tại các cơ sở
giáo dục nói chung, đặc biệt là các cơ sở giáo dục tư nhân. Dù là loại hình
trường lớp nào thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về công tác y tế học
đường.
VŨ HỒNG