Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đừng thờ ơ với dịch bệnh
Chủ nhật: 08:02 ngày 30/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình trạng người dân còn chủ quan, xem nhẹ khuyến cáo của ngành chức năng về việc phòng, chống dịch bệnh, không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không quan tâm việc chích ngừa cho con em vv… được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các bệnh truyền nhiễm gia tăng.

Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để phòng bệnh - Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) tăng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Có 714 ca mắc bệnh SXH- tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2016  (471 ca). Có đến 7 địa phương số ca mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ gồm: TP.Tây Ninh, Tân Biên, Dương Minh Châu, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng.

Trong đó, Trảng Bàng cao nhất với 216 ca (tăng hơn 277%); tiếp đến là TP. Tây Ninh 104 ca (tăng 75%). Hai địa phương có số ca mắc SXH giảm là Tân Châu và Châu Thành.

Châu Thành là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2016 (với 111 ca) nhưng nay đã giảm xuống còn 67 ca. Tân Châu hiện là huyện có số ca mắc SXH thấp nhất tỉnh (33 ca).

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ số ca mắc SXH tăng cao là do cách thống kê thay đổi. Trước đây là tính toán thủ công bằng ghi sổ, nay đã đưa phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến vào thực hiện ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các bệnh viện tuyến trên.

Thế nên, những ca mắc SXH cư trú trên địa bàn tỉnh dù điều trị ở đâu cũng có thể cập nhật thông tin về máy. Mặt khác, tình hình thời tiết có nhiều biến đổi cũng đã khiến cho dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thêm vào đó, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều gia đình chưa tự giác thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng trong các vật dụng chứa nước dẫn đến muỗi phát triển gây bệnh SXH.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, thay nước thường xuyên thùng chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi ẩn náu, sinh sản… đồng thời phải ngủ mùng; và khi người trong gia đình có biểu hiện bệnh SXH thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế để được hướng dẫn chữa trị kịp thời.

Ðối với bệnh TCM, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 586 ca mắc, tăng gần 60% so với cùng kỳ. Tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều có số ca mắc tăng lên. Trảng Bàng có số ca mắc cao nhất với 112 ca; Bến Cầu thấp nhất với 34 ca.

Thạc sĩ Tô Thanh Tài- Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc-xin và sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh TCM.

Trong vùng dịch TCM, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan từ người bệnh sang người lành. Ðể phòng ngừa, người lành (nhất là trẻ em) nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh nếu như không thực sự cần thiết. Sau khi chăm sóc người bệnh, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da người bệnh; giặt các đồ dùng và lau phòng ở của người bệnh bằng các dung dịch sát khuẩn. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng có dịch tay chân miệng. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.

Ðiều đáng lo ngại là một số bệnh truyền nhiễm hiện đã có vắc-xin phòng bệnh nhưng do người dân còn chủ quan hoặc chưa biết nên chưa đi chích ngừa dẫn đến số người mắc vẫn nhiều.

Ví dụ như bệnh sởi (đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng) hay bệnh thuỷ đậu, quai bị (đã có trong tiêm chủng dịch vụ).

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Tây Ninh ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại ở Tân Biên và Bến Cầu; được biết, các bệnh nhân sau khi bị chó cắn đã chủ quan, không đi chích ngừa.

HUY LIỆU

Tin cùng chuyên mục