BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đừng thờ ơ với nạn xâm hại tình dục trẻ em nam 

Cập nhật ngày: 20/03/2020 - 19:58

BTNO - Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ xảy ra với bé gái, mà các bé trai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân. Sự thờ ơ, chủ quan của cha mẹ sẽ vô tình đẩy bọn trẻ vào những vụ việc đau lòng.

Nói đến xâm hại tình dục trẻ em, người ta thường dành sự quan tâm nhiều cho bé gái. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng các bé trai cũng là mục tiêu của nhiều đối tượng bệnh hoạn. 

Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh chia sẻ, các vụ xâm hại tình dục trẻ nam ít đưa ra ánh sáng do khó phát hiện.

Nhiều trẻ bị lạm dụng tình dục không dám nói với cha mẹ, do các đối tượng xâm hại đe dọa, khống chế các em. Đối tượng xâm hại đa phần có mối quan hệ gần gũi với trẻ như hàng xóm, bạn bè, người mà cha mẹ và bản thân trẻ ít có tâm lý đề phòng.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Hồng Thái-Tổng phụ trách Đội trường THCS Thị Trấn (huyện Châu Thành) cho biết, “chúng ta chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển của các bé nam. Mọi người hay mặc định chỉ có bé nữ mới bị xâm hại. Gia đình, nhà trường chưa tư vấn hay giáo dục về sức khỏe tuổi dậy thì, chưa hướng dẫn cho các em cách phòng, chống khi bị xâm hại. Thủ phạm tấn công trẻ em nam có thể là bất kỳ ai với mục đích nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục (đối với đồng giới), hành hạ, sỉ nhục để giải tỏa tâm lý”.

Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP.Tây Ninh) tổ chức diễn đàn tuyên truyền phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.

Theo ông Thái, nhiều người có suy nghĩ rằng, khác với nữ giới, nam giới bị xâm hại không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, dù là nam hay nữ, khi bị xâm hại các em đều ám ảnh, mặc cảm và xấu hổ. Nếu không được tư vấn tâm lý, chăm sóc tinh thần và thể chất kịp thời, các em sẽ bị tổn thương tâm lý kéo dài, nguy cơ bị trầm cảm, tự chán ghét bản thân và xã hội dẫn đến sống buông thả, nguy hại hơn là trở thành người đi xâm hại hay bạo hành người khác.    

Thời gian qua, Trường THCS Thị trấn Châu Thành luôn chú trọng tổ chức, tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh. Hằng năm, đơn vị mở các buổi sinh hoạt kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe tuổi dậy thì, phòng chống xâm hại tình dục cho các em. Khi giảng dạy bộ môn sinh học, giáo viên lồng ghép hướng dẫn học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân.

Giáo viên chủ nhiệm quan tâm, đồng hành, quan sát sự thay đổi của học sinh khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì để kịp thời hướng dẫn, chỉ dạy các em đúng cách. Trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, nhà trường nhắc nhở, sinh hoạt kĩ cho các em về những mối quan hệ giao tiếp- nhất là những người không quen biết.

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, chủ yếu phát hiện các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu), một số ít hành vi liên quan đến dâm ô trẻ em, cố ý gây thương tích, lợi dụng trẻ em để hoạt động phạm tội. Đối tượng thực hiện hành vi chủ yếu lợi dụng sự non nớt của trẻ, gia đình thiếu quan tâm, quản lý để thực hiện hành vi xâm hại. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thông tin bạo lực, đồi trụy phát tán tràn lan trên mạng xã hội tác động lớn đến suy nghĩ, tình cảm của trẻ.

Một số đối tượng lợi dụng mạng Zalo, Facebook để làm quen, kết bạn, dụ dỗ trẻ thực hiện hành vi giao cấu, dâm ô, hiếp dâm. Nạn nhân chủ yếu trong các vụ xâm hại là bé gái, xảy ra ở địa bàn nông thôn (chiếm 87,7%). Từ năm 2015 – tháng 6.2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 216 vụ/ 353 em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục 219 em.

Riêng trong năm 2019, xảy ra 41 vụ, trong đó, hiếp dâm trẻ em 10 vụ, giao cấu với trẻ em 24 vụ, dâm ô trẻ em 6 vụ và 1 vụ lợi dụng trẻ em để sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được UBND tỉnh, sở, ban, ngành quan tâm, chỉ đạo- nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền chuyên đề “phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em”, “bạo lực với phụ nữ, trẻ em”, “phòng, chống xâm hại trẻ em”… với hơn 670 cuộc, gần 26.000 lượt người tham gia; tổ chức 8 hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.

Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh trước nạn xâm hại trẻ em.

Thông qua mô hình Nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh đã đăng tải tài liệu tuyên truyền trên 93 nhóm Zalo của mô hình. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn, phát hành trên 30.000 tờ rơi, tờ bướm về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và 10.000 cuốn Luật Trẻ em cho đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp cho gia đình có trẻ em trên địa bàn quản lý.

Đơn vị nhân bản và phát hành 3.000 băng đĩa tuyên truyền phim hoạt hình về phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em cấp cho địa phương và trường mầm non. Có 40 buổi nói chuyện chuyên đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại 40 trường THCS trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh...

Sở Tư pháp đã tổ chức 63 đợt truyền thông về quyền trẻ em và pháp luật về trợ giúp pháp lý cho trẻ tại cơ sở. Đơn vị, trường học lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội…

Tất cả đơn vị, trường học kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường, có kế hoạch cụ thể, quy định về phát hiện và phương án dự phòng xử lý tai nạn, thương tích ở trường.

Ngành chức năng quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc cấp phép cơ sở kinh doanh dịch vụ như trò chơi điện tử trên internet, bắt buộc phải quy định thời gian, ngăn chặn trang mạng xấu, không phù hợp khiến trẻ bắt chước, ăn chơi hư hỏng và vi phạm pháp luật.

Để đẩy lùi nạn xâm hại tình dục trẻ em nam nói riêng, xâm hại trẻ em nói chung, mọi người cần lên tiếng kịp thời, không im lặng, thờ ơ. Việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em phải bắt đầu từ mỗi gia đình, lớp học và cả cộng đồng; giúp trẻ nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, nhất là khi bị xâm hại phải báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết, tránh để lọt tội phạm.

Thiên Di- Phương Thảo