Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Dừng tuyển sinh hệ trung cấp y, dược: Còn đó băn khoăn

Cập nhật ngày: 15/03/2016 - 12:00

Đào tạo trung cấp y dược sẽ bị xóa sổ vào năm 2018? Ảnh: DN

Cần thiết?

Theo ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện số lượng nhân lực trung cấp đang làm việc tại các cơ sở  y tế khá lớn, chiếm gần 30% tổng số cán bộ toàn ngành.

Lý giải về chủ trương này, Thứ trưởng Tiến cho rằng, đây là một trong những bước đi nhằm hội nhập về trình độ nhân lực y khoa giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Hiện nay, cán bộ các vị trí kể trên trong ngành Y tế nhiều nước ASEAN đã đạt trình độ học vấn thấp nhất là hệ cao đẳng, tại Thái Lan hầu hết điều dưỡng đã đạt trình độ đại học trở lên.

Do vậy Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng để hội nhập với cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch tổ chức, đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng và chuẩn bị cho việc từ năm 2021 các đơn vị sự nghiệp không tuyển viên chức trình độ trung cấp.

Còn ông Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, thời gian gần đây các trường ồ ạt tuyển sinh đào tạo trung cấp y dược dẫn tới tỷ lệ học viên tốt nghiệp không có việc làm chiếm tỉ lệ cao. Do vậy Bộ Y tế muốn chuẩn hóa trình độ cao đẳng trở lên, trước hết là siết chặt lại hệ thống đào tạo y, dược cả nước, cảnh báo các cơ sở đào tạo giảm chỉ tiêu đào tạo trung cấp khối ngành y dược. Sau là để nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập với các cộng đồng kinh tế chung ASEAN.

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 71 trường trung cấp đào tạo nhân lực y tế và các trường này phải được nâng lên cao đẳng hoặc xóa bỏ. Do vậy nhiều chuyên gia y tế đồng tình với chủ trương của ngành Y tế bởi đặc thù của ngành Y liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người nhưng hiện nay việc đào tạo đang tràn lan dẫn đến chất lượng không ổn định, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Phạm Huy Dũng- Phó Chủ tịch Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam cho rằng ông đồng tình với chủ trương của Bộ Y tế song kiến nghị Bộ Y tế cần phải rất thận trọng, từng bước thay đổi từ nội dung chương trình đến thời gian đào tạo, phương pháp và đối tượng dạy, tránh gây những xáo trộn với giảng viên và học viên.

Có nóng vội?

Bên cạnh một số ý kiến đồng thuận, một số chuyên gia y tế cho rằng, chủ trương dừng tuyển sinh hệ trung cấp từ năm 2018 của Bộ Y tế một chủ trương chưa đúng bởi không phải cứ trình độ cao là có thể phục vụ tốt.

Được biết hiện nay ở nước ta, các cơ sở y tế, bệnh viện vẫn chỉ tập trung hầu hết ở các thành phố lớn, các trung tâm, đồng bằng. Còn ở các vùng sâu vùng xa thì vẫn còn thiếu rất nhiều cả cơ sở y tế lẫn nhân lực làm việc. Hơn nữa, tỷ lệ những người học đại học chấp nhận phải đi về vùng xa xôi làm việc, thiếu thốn đủ bề còn khá khiêm tốn. Vậy nên vai trò đào tạo thêm người làm việc trong ngành y dược về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nướccủa các trường trung cấp là hết sức cần thiết.

Đó còn chưa kể, trước kia chúng ta mở ra hệ trung cấp để đào tạo, biết bao người đầu tư thời gian cũng như vật chất để đi học, mong có được việc làm trong một số cơ sở y tế. Nay Bộ Y tế lại không tuyển hệ trung cấp, vậy những người đang học trung cấp biết phải làm sao.

Bà Lê Thị Hồng Hoa- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y- Dược Lê Hữu Trác cho rằng, 10 năm nữa nước ta vẫn chưa bỏ được đào tạo trình độ trung cấp y dược. Bởi ở vùng sâu xa đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực do vậy chúng ta vẫn cần những người có trình độ trung cấp y dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Theo bà Hồng Hoa, đây là một chủ trương lớn của Bộ nên cần có lộ trình từng bước, không thể nói dừng là dừng bởi như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn bộ hệ thống đào tạo trung cấp y dược trên cả nước.

"Trước hết Bộ Y tế cần tổ chức những cuộc hội thảo chuyên ngành và các trường để bàn cũng như đưa ra giải pháp, lộ trình. Cụ thể là xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho phù hợp; hoàn thiện và đưa vào thực hiện. Như vậy, thời gian phải là 10 năm để các trường trung cấp y dược mới trở thành cao đẳng”, bác sỹ Hoa nói.

Còn ông Trương Việt Dũng- nguyên Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ- Bộ Y tế, chủ trương này của Bộ Y tế dễ dẫn đến việc các trường trung cấp "cố sống cố chết" nâng cấp thành hệ cao đẳng, do vậy Bộ Y tế phải có kiểm định chất lượng đào tạo.

"Với những trường trung cấp nào không đạt các tiêu chí để lên cao đẳng thì đóng cửa, xóa bỏ; không nên có kiểu không cho trung cấp tồn tại thì lại chạy lên cao đẳng", ông Dũng nói.

Nguồn Báo Hải Quan