BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đừng vì ham “việc nhẹ, lương cao” mà sa bẫy bọn buôn người

Cập nhật ngày: 11/07/2022 - 00:07

BTN - Theo Bàn Dân thấy, cũng như đối với bất cứ loại tội phạm nào trong xã hội, đối với thực trạng lừa đảo, buôn người này, trước hết chính người dân phải hết sức cảnh giác, đừng vì ham muốn đến “thiên đường” làm “việc nhẹ, lương cao” mà phải sa vào “địa ngục”...

Ông nhà báo nè, mấy hôm nay tôi theo dõi trên mạng xã hội thấy có một tay diu-túp-bơ quay trực tiếp việc anh ta lặn lội sang tận Campuchia để đưa tiền chuộc mạng mấy người bị lừa sang bên ấy làm “việc nhẹ lương cao”, thực chất là họ bị bán vào các sòng bạc, tụ điểm tệ nạn, phải lao động vất vả, còn bị hành hạ đánh đập rất dã man nữa. Chuyện đó có thật không vậy ông, hay chỉ là trò “câu viu, câu lai” để giật gân, câu khách nhằm kiếm chác lợi lộc gì đó?

-Chuyện đó đúng vậy, không sai đâu ông. Trên mạng xã hội tuy rằng có rất nhiều trò giả mạo, bịp bợm rất độc hại, nhưng cũng có những trang hoạt động xã hội rất tích cực, giàu tính nhân văn, rất đáng khen ngợi.

-Vậy là thực trạng đáng sợ ấy là có thật à? Rồi Nhà nước mình, các cấp, các ngành chức năng có động thái gì để cứu giúp những người bị nạn ấy không?

-Dĩ nhiên phải có chứ! Ông hỏi Bàn Dân câu đó chứng tỏ ông lên mạng truy cập thông tin không đầy đủ, chỉ theo dõi những trang “hot”, đưa những chuyện “hấp dẫn” mà ít theo dõi những trang chính thống, thông tin có trách nhiệm đó nghen.

-Mèn ơi, thông tin trên “thế giới ảo” bao la, tràn ngập bất kể không gian, thời gian làm sao tôi xem cho xuể mà ông bảo phải xem cho đầy đủ. Còn chuyện tôi vừa đó ông biết thế nào nói tôi nghe với. Cũng như ông “định hướng thông tin” cho tôi biết đường mà theo dõi cho đúng vậy đó!

-Cũng không trách ông được, vì việc cần can thiệp ấy có quan hệ “xuyên quốc gia” không phải lúc nào cũng có thể thông tin rộng rãi. Đối với thực trạng vấn nạn buôn người, tất nhiên Nhà nước ta phải có biện pháp bảo vệ công dân nước mình. Theo thông tin của ngành chức năng, từ cuối ngoái tới nay- nhất là từ khi Nhà nước ta cũng như nước láng giềng Campuchia thực hiện mở cửa sau khi đã ngăn chặn được đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội thì nảy sinh thực trạng những đối tượng lừa đảo lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo đưa người Việt Nam sang một số nước để lao động, thực chất là “bán” cho các công ty đánh bạc trực tuyến. Vì thế, Bộ Công an và các địa phương cũng đã vào cuộc để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm tránh bị lừa, đồng thời ngăn chặn các hành vi dụ dỗ, lừa đảo đưa người vượt biên.

Gần đây nhất, hôm 7.7, tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trước tình trạng trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã vào cuộc và thường xuyên trao đổi, phối hợp với phía Campuchia cũng như các cơ quan, địa phương Việt Nam giáp biên giới Campuchia. Phía Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam tại Campuchia gặp khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước. Chẳng hạn lập các nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân, đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng Campuchia...

Bà Hằng nói: “Cho đến nay, các cơ quan hai bên đã đưa về Việt Nam được khoảng 400 trường hợp, đồng thời hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp gặp khó khăn trong xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hoặc vi phạm luật pháp sở tại”.

-Vậy là những người bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” được giải cứu cũng nhiều quá, chứ đâu phải chỉ có mấy người mà tay diu-túp-bơ kia lai-chim ông hả. Tình hình trên cả nước là như vậy, còn ở Tây Ninh mình, tỉnh có đường biên giới dài nhất trong số các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia thì sao vậy ông?

-Tại tỉnh ta, trả lời phỏng vấn của báo chí, Đại tá Lê HồngVương- Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết: “Thời gian qua, BĐBP Tây Ninh đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người có thân nhân bị lừa sang Campuchia và yêu cầu tiền chuộc. Từ năm 2021 đến nay, nhất là 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng BĐBP Tây Ninh phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các lực lượng Campuchia đã giải cứu hơn 100 nạn nhân trở về”. Đại tá Vương nhấn mạnh: “Hiện Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tuyến biên giới, chống xuất - nhập cảnh trái phép. Mặt khác, các đơn vị đang nắm tình hình từ xa đồng thời trao đổi thông tin với các lực lượng liên quan để nắm rõ các thủ đoạn, phương thức của tội phạm qua biên giới. Hiện các đơn vị đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ biên phòng để tổ chức đánh bắt các đầu mối, đường dây tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép”.

-Những điều ông nói cho thấy Nhà nước ta từ Trung ương tới địa phương đều rất quan tâm đến an nguy của người dân, luôn kiên quyết chống tội phạm mua bán người dưới mọi hình thức. Như vậy là sớm muộn gì tình trạng đó cũng sẽ không còn nữa phải không ông?

-Đúng vậy. Tuy nhiên theo Bàn Dân thấy, cũng như đối với bất cứ loại tội phạm nào trong xã hội, đối với thực trạng lừa đảo, buôn người này, trước hết chính người dân phải hết sức cảnh giác, đừng vì ham muốn đến “thiên đường” làm “việc nhẹ, lương cao” mà phải sa vào “địa ngục” như những gì ông đã nghe thấy.  

BÀN DÂN