BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức:

Được và mất 

Cập nhật ngày: 04/06/2019 - 23:32

BTN - Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức đang được đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp giữa năm 2019. Một trong những thay đổi thu hút sự quan tâm lớn của xã hội là quy định bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức.

Thí sinh dự thi trong một đợt tuyển dụng viên chức.

CHỌN PHƯƠNG ÁN NÀO?

Theo tinh thần chính của dự thảo, viên chức - những người đang “làm công ăn lương nhà nước” sẽ không còn biên chế như hiện nay, thay vào đó là chế độ hợp đồng. Để bỏ chế độ biên chế suốt đời,  Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì việc soạn thảo, sửa đổi Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức cho biết có hai phương án được đưa ra.

Phương án một, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2). Phương án hai, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Trong hai phương án nêu trên, ĐBQH tập trung thảo luận phương án một.

Thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy, nhiều vị ĐBQH chưa tán thành quy định bỏ biên chế suốt đời. Theo phân tích của một số ĐBQH, nếu bỏ chế độ biên chế, chuyển sang ký hợp đồng không thời hạn thì điều đó trái với quy định của Bộ luật Lao động - được coi là luật gốc đối với người lao động. Bộ luật này quy định, không được ký hợp đồng xác định thời hạn quá hai lần, có nghĩa là, sau hai lần ký hợp đồng có xác định thời hạn, phải chuyển sang ký hợp đồng không thời hạn, tức lâu dài.

Nếu tiếp tục ký hợp đồng có xác định thời hạn, chẳng những trái với Bộ luật Lao động mà còn nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối. Trong đó, quy định ký hợp đồng lao động có thời hạn sẽ khiến người lao động không yên tâm làm việc, vì không biết sau khi hết hợp đồng có được ký tiếp hay không. Như vậy, chủ trương tuyển dụng người có tài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn, vì người lao động vừa làm việc vừa nơm nớp lo bị sa thải.

Do vậy, một số ý kiến đề xuất nên chọn phương án hai, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Phương án có ưu điểm là, sau hai lần ký hợp đồng lao động có thời hạn  thì được ký hợp đồng không xác định thời hạn, người lao động yên tâm làm việc.

CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU

Sau khi hai phương án nêu trên được công bố, dư luận xã hội, đặc biệt là những viên chức làm công ăn lương bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Vì nếu quyết định bỏ biên chế suốt đời (theo phương án một) được thông qua, hàng triệu viên chức sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, hai ngành có số lượng viên chức lớn là giáo dục và y tế sẽ ảnh hưởng rất lớn (ảnh hưởng ở đây có thể hiểu theo cả chiều tích cực và tiêu cực).

Theo một số ý kiến tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn. “Chỉ cần hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện không thích giáo viên này, bác sĩ kia mà có thể loại ra. Nó có thể làm nảy sinh nhiều hệ luỵ. Vì thế, chúng ta cần cân nhắc kỹ” - một vị ĐBQH nêu vấn đề.

Trong khi đó, trên các diễn đàn báo chí và mạng xã hội, chủ trương loại bỏ hoàn toàn khái niệm biên chế suốt đời gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến bình luận, bỏ biên chế suốt đời sẽ tạo động lực cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, ý thức trách nhiệm của viên chức. Vì trong thực tế, khi đã vào biên chế, những người làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả các cơ quan hành chính thường xuất hiện tâm lý “biên chế chính thức thì không ai sa thải được”.

Chính vì thế, dù chất lượng phục vụ, hiệu quả làm việc không cao, lười biếng nhưng cuối năm vẫn “hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” với đủ mọi danh hiệu trong khen thưởng, thi đua. Phía những người không tán thành lại nhìn nhận, nếu bỏ chế độ biên chế suốt đời, tức không còn hợp đồng lao động không thời hạn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sẽ như một “ông trời con”. Lúc đó, viên chức trong cơ quan, đơn vị sẽ nhất nhất một dạ hai vâng, không dám làm trái ý thủ trưởng cho dù lãnh đạo làm điều sai trái. Có ý kiến còn cho rằng, giao cho thủ trưởng đơn vị toàn quyền sử dụng lao động, thu nhận hoặc sa thải người lao động, không cẩn thận sẽ thành cái chợ.

Theo ý kiến của một vị làm công tác tổ chức trong ngành giáo dục Tây Ninh, thực ra việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó phần quy định bỏ biên chế suốt đời không quá quan trọng. Người này phân tích, hiện tại, viên chức làm trong các cơ quan hành chính, cơ quan sự nghiệp công lập có thể chia làm hai loại, gồm hợp đồng lao động có thời hạn và không xác định thời hạn.

Trong đó, trường hợp lao động ký hợp đồng có thời hạn thì đã rõ, tức sau khi hết hạn, có ký tiếp hay không do hai bên thoả thuận hoặc tuỳ tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị. Loại thứ hai, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có nghĩa là làm việc lâu dài. Tuy nhiên, cần hiểu đúng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn không có nghĩa là người lao động không bị sa thải. “Bất kỳ hình thức hợp đồng nào, nếu người lao động vi phạm cũng bị kỷ luật hoặc sa thải, dù đó là hợp đồng có thời hạn hay không xác định thời hạn” - vị cán bộ chỉ rõ.

Vị cán bộ cho biết tiếp, trong xu thế hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập lao động, việc bỏ biên chế suốt đời là một chủ trương đúng. “Khi người lao động nghỉ việc, thay vì được trả nửa tháng lương cho mỗi năm làm việc như trước, hiện nay, chế độ nửa tháng lương đó không còn, người lao động hưởng theo chế độ bảo hiểm. Đó là chính là hội nhập quốc tế, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” - người này nói.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ- VẤN ĐỀ THEN CHỐT

Liên quan đến chủ trương bỏ biên chế suốt đời, còn có một luồng ý kiến khác. Đó là đề xuất, nếu đã bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức thì tiện thể bỏ luôn đối với công chức. Vì công chức cũng từ viên chức mà lên. Do vậy, không nên “phân biệt đối xử” giữa hai thành phần này. Nếu bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức mà không thực hiện đối với công chức là không công bằng. Trước đề xuất này, một vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Văn phòng Quốc hội không tán thành. Vị này cho rằng, viên chức là lực lượng lao động rất đông, còn công chức là cái khung sườn cơ bản của bộ máy nhà nước, cần sự ổn định, do vậy khó có thể áp dụng như đối với viên chức.

Từ những thông tin nêu trên, có thể rút ra vài điều. Bất kỳ hình thức hợp đồng lao động nào cũng có ưu điểm và hạn chế, đó là một thực tế khách quan. Nếu giữ hình thức hợp đồng lao động dài hạn (biên chế), người lao động yên tâm làm việc. Ai có nhiệt huyết sẽ tận tuỵ với chức trách của mình và họ cũng có động lực để phấn đấu cho sự nghiệp. Bộ máy nhà nước, do vậy không xảy ra nhiều xáo trộn và ít khi rơi vào tình thế bị động, đặc biệt là khâu tuyển dụng, tổ chức. Người lao động rõ ràng khó yên tâm làm việc khi vừa làm vừa nghĩ đến chuyện “hết năm nay không biết đi đâu về đâu”.

Thế nhưng chế độ biên chế suốt đời cũng “góp phần” làm cho bộ máy nhà nước trì trệ, ý thức trách nhiệm của người lao động không cao vì nghĩ rằng vào biên chế là coi như an toàn, có phao cứu sinh. Không có gì khó hiểu khi năng suất lao động trong khối nhà nước thường thấp hơn khối doanh nghiệp. Chỉ cần lấy một ví dụ, ý thức làm việc của giáo viên trong trường tư thục thường tốt hơn trong trường công lập. Tương tự, chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ của bệnh viện tư nhân thường tốt hơn bệnh viện công. Nhìn chung, dịch vụ được cung cấp bởi khối ngoài nhà nước thường cao hơn, chất lượng hơn so với trong nhà nước, bởi vì tính cạnh tranh cao hơn.

Thí sinh dự thi trong một đợt tuyển dụng viên chức.

Mặt khác, nếu bỏ biên chế, tức tạo hành lang pháp lý cho cơ quan sử dụng lao động theo tinh thần ai có ý thức trách nhiệm cao thì dùng, không thì cho nghỉ, tức có tiếp nhận và có sa thải, “có ra có vào”. Điều đó lợi cho cái chung.

Việc bỏ hay giữ biên chế suốt đời dù có tính cải cách bộ máy nhà nước nhưng vẫn chưa phải then chốt. Then chốt nằm ở chỗ công tác quản lý, nói thẳng ra là người lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Nếu lãnh đạo giỏi, có tâm, vì cái chung, ít bị chi phối bởi lợi ích cá nhân thì dù hình thức nào (hợp đồng ngắn hạn hay vô thời hạn) người lao động vẫn phải có ý thức trách nhiệm với công việc được giao.

VIỆT ĐÔNG