Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dưới bóng cây thị
Thứ bảy: 08:10 ngày 03/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đêm qua mưa to gió lớn, sáng mở cửa ra thấy ba má loay hoay quanh cây thị vừa gom lá rụng, vừa dọn dẹp các nhánh cây và những trái thị rơi rụng, vừa chắt lưỡi: “Ông ngó lên cây xem có nhánh mục nào hôn? Cây thị cũng nhiều tuổi rồi chứ ít ha”.

Ừ, cây thị cũng đã hơn 20 tuổi rồi, do bà ngoại trồng, chăm bón. Ngoại đã đi xa gần 15 năm rồi. Cây thị ngày càng tốt tươi, lá xanh um, toả bóng rợp một góc sân. Trưa nào ai đi ngang nhà cũng tấm tắc: “Nhà có cây thị cho bóng mát quá!”. Chị em tôi, những đứa cháu của ngoại luôn thích quây quần dưới bóng cây thị để chơi đùa, nghe tiếng lá lao xao, đón làn gió mát vỗ về trong những ngày oi ả.

Mỗi lần ngồi dưới bóng cây, tôi lại bâng khuâng nhớ bóng dáng thân thương của ngoại. Dưới bóng cây, như còn thấy hình ảnh của ngoại lưng còng, tóc bạc trắng ngồi kể cho chị em tôi nghe chuyện cổ tích ngày xưa, chuyện về nết ăn nết ở, dạy chuyện nhân nghĩa ở đời, trong đó chúng tôi thích nhất là nghe chuyện cô Tấm từ trong trái thị bước ra.

Ngoại kể hoài chúng tôi nghe vẫn không chán. Dưới bóng cây, ngoại chăm chúng tôi từng muỗng cơm, cái bánh… Ngoại còn chải đầu, cột tóc hay bày trò chơi cho chúng tôi và mấy đứa trẻ hàng xóm để chúng tôi đừng khóc nhè, cho ba mẹ rảnh rang đi làm.

Chúng tôi đều ngóng cây thị mau lớn, mau có trái để xem trái nó như thế nào. Còn mấy đứa nhỏ thì mong cây thị có trái để xem có cô Tấm thật không? Ngộ thay, cây thị có những trái nhỏ xinh xinh bằng trứng gà ta, cũng có trái to bằng cái chén ăn cơm.

Mỗi lần nghe tiếng “bịch” là chúng tôi ùa ra sân nhặt thị, có đứa còn tranh thủ thức dậy từ tờ mờ sáng để nhặt thị nhiều hơn. Ban đầu chúng tôi để thị ngửi cho thơm. Đến khi thị chín nhiều hơn, bớt chát, có vị ngòn ngọt là thành món ngon đối với bọn trẻ xóm tôi khi cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Lúc còn sống, ngoại hay dậy sớm và nhặt những trái thị rụng để làm quà cho các cháu, cho hàng xóm…

Bây giờ, cây thị to lắm rồi, vòng tay của người lớn ôm mới xuể, bóng cây toả rộng. Cây sai lắm, có trái quanh năm, trái nhỏ, trái to chín vàng ươm, treo lủng lẳng trong vòm lá xanh biếc, mùi thơm thoang thoảng không gian. Hàng xóm đi ngang, dù là người lớn nay con nít cũng đều ngó vào sân xem có thị rụng hay không để xin về cho thơm nhà, xin về ăn trị bệnh gì đấy. Thấy vậy, sáng nào ba má tôi cũng quét sân, rồi nhặt thị để cho hàng xóm và giữ lại ít trái bày lên bàn thờ cúng ngoại.

Nhiều người tới trả giá mua cây thị đến mấy chục triệu đồng, cả nhà đều dứt khoát từ chối: “Của bà ngoại”. Cây thị là một minh chứng cho tình thương tràn đầy của ngoại dành cho ccon cháu trong nhà. Những câu chuyện ngày xưa, những lời dạy dỗ của ngoại ngày nào dưới bóng cây thị đã luôn theo chúng tôi khi lớn lên, nhắc nhở chúng tôi sống hiền lành, tử tế, thơm thảo… như trái thị!

QUẾ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục