Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đuổi việc trái luật, Công ty MB phải bồi thường cho người lao động
Thứ tư: 13:46 ngày 22/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 21.3, TAND thành phố Tây Ninh mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thanh Diễm, ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành và bị đơn là Công ty TNHH MB Việt Nam, trụ sở đặt tại khu phố 7, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Ông Van Myung Keun, đại diện cho Công ty TNHH MB Việt Nam.

Theo nội dung vụ việc, bà Trần Thị Thanh Diễm là công nhân làm việc tại Công ty TNHH MB Việt Nam đã được hơn 9 năm. Đến ngày 9.3.2016, công ty này đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà Diễm vì lý do bà đã “ăn trộm hàng hoá” của công ty, mặc dù bà khẳng định mình không có hành vi “ăn trộm” này.

Sự việc mất hàng hoá của công ty là có thật, nhưng đến thời điểm này cơ quan Công an thành phố Tây Ninh hay Công an phường 3 vẫn chưa tìm ra thủ phạm, bởi lẽ, việc công ty “quy kết” cho bà Diễm là thủ phạm và đuổi việc được bà khẳng định là sai với quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, công ty vẫn giữ sổ bảo hiểm xã hội của bà Diễm với lý do để “chờ ra toà” vụ mất trộm hàng hoá rồi mới trả lại khiến bà rơi vào hoàn cảnh khó khăn do bị mất việc, không có sổ bảo hiểm để tất toán các chế độ được hưởng theo quy định pháp luật. Do đó, bà Diễm khởi kiện để yêu cầu Công ty TNHH MB Việt Nam bồi thường thiệt hại.

Tại phiên toà, bà Diễm đề nghị Công ty TNHH MB Việt Nam phải thanh toán cho bà tiền lương tháng 2 năm 2016 chưa lãnh, tiền lương 9 ngày của tháng 3.2016 tính đến ngày bà bị đuổi việc, 30% còn lại tiền thưởng tết bà chưa lãnh, tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và chi phí hơn 1 năm qua bà phải đi lại để theo đuổi vụ việc sau khi bị đuổi việc vô cớ.

Đối với những đề nghị của bà Diễm, ông Van Myung Keun- đại diện Công ty TNHH MB Việt Nam cho biết, công ty chỉ đồng ý trả cho bà Diễm các khoản gồm tiền lương tháng 2, 9 ngày làm việc của tháng 3.2016 và 30% tiền thưởng tết của bà Diễm. Còn các khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… ông Van Myung Keun không đồng ý thanh toán, bởi công ty của ông quản lý công nhân bằng mã vạch vân tay để chấm công, bà Diễm không đi làm nên công ty không thể thanh toán số tiền đó. Đồng thời công ty phải giữ sổ bảo hiểm xã hội của bà Diễm để “chờ ra toà” và bà Diễm phải gặp lãnh đạo công ty để giải quyết vấn đề này.

Đối thoại với đại diện Công ty MB, bà Diễm cho biết công ty có mời bà vào và yêu cầu bà phải ký tên vào văn bản thừa nhận có chở bao hàng hoá của công ty ra ngoài. Công ty đề nghị bà rút hết các đơn khởi kiện đã gửi các cơ quan chức năng, công ty sẽ giải quyết cho bà làm việc trở lại.

Bà Diễm không đồng ý làm theo yêu cầu đó vì bà khẳng định mình không ăn cắp hàng hoá của công ty. Sau đó, bà nhiều lần đến công ty nhưng luôn phải đứng ngoài cổng vì bảo vệ không cho vào gặp lãnh đạo công ty để giải quyết sự việc. “Sự việc rơi vào bế tắc cho đến nay là hơn 1 năm, nên bây giờ tôi phải khởi kiện ra toà để đòi lại sổ bảo hiểm xã hội và các chế độ cho mình” - bà Diễm quả quyết.

Hội đồng xét xử truy vấn lý do “đuổi việc” bà Diễm, ông Van Myung Keun lý giải: mỗi lần xuất hàng hoá là cứ thiếu, sự việc xảy ra nhiều lần nên công ty mất uy tín với đối tác. Qua camera thấy có những biểu hiện bất minh, hơn nữa từ khi đuổi việc bà Diễm, công ty không xảy ra mất hàng hoá nữa, nên công ty cho rằng bà Diễm là thủ phạm và đuổi việc luôn (?!). Lập luận này đã không được Hội đồng xét xử chấp nhận, do công ty không bắt được quả tang việc “ăn cắp hàng”, ngoài ra, chính đại diện của công ty này cũng thừa nhận “không thấy bà Diễm chở hàng hoá ra ngoài”.

Hội đồng xét xử hỏi tiếp: -Công an phường 3 đã có kết luận về việc ai là thủ phạm lấy cắp hàng hoá chưa? Ông Van Myung Keun trả lời: -Chưa có. -Theo Luật Lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động 45 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, trong trường hợp này công ty có thực hiện không? Đại diện Công ty MB cho biết, chỉ “thông báo miệng cho nghỉ việc liền”.

Hội đồng xét xử giải thích cho vị đại diện công ty nắm về quy định của luật pháp Việt Nam đối với việc sử dụng lao động: “Khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động quy định, không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại Luật Lao động”.

Đồng thời phân tích: “Đáng lẽ ra khi nghi ngờ bà Diễm ăn cắp hàng hoá của công ty (nếu có), trong thời gian chờ cơ quan công an xác minh làm rõ, Công ty MB phải bố trí cho bà Diễm ở khâu khác, hoặc cho nghỉ việc hưởng lương trong 45 ngày theo đúng quy định của luật pháp”.

Ông Van Myung Keun vẫn kiên quyết “không thể được, khi vi phạm quy định công ty như thế là phải cho nghỉ việc ngay tức khắc thôi”, nhưng Hội đồng kết luận: “Khi đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, công ty đã có cam kết tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam cao hơn quy định của công ty nên khi có đơn khởi kiện của công nhân, toà án sẽ xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Về việc Công ty MB giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, đại diện Công ty MB cho rằng, hành vi của bà Diễm là vi phạm quy định của công ty, việc mất mát hàng hoá là nghiêm trọng, nên phải chờ công ty khởi kiện ra toà về hành vi trộm cắp này xong thì mới trả lại… Các lý do này đều bị Hội đồng xét xử bác bỏ và phân tích, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi chiếm giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động là sai trái. Kết thúc phiên xử, TAND thành phố Tây Ninh đã tuyên buộc Công ty TNHH MB Việt Nam phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho bà Trần Thị Thanh Diễm, đồng thời buộc công ty phải thanh toán cho bà Diễm tổng số tiền hơn 54 triệu đồng gồm các khoản bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương và các khoản khác theo quy định.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên sau phiên toà, ông Van Myung Keun cho biết, đồng ý trả lại sổ bảo hiểm xã hội, tuy nhiên về số tiền lương hơn 1 năm nghỉ việc của bà Diễm, ông Van Myung Keun không đồng ý và cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại ở cấp phúc thẩm.

ĐỨC AN

“Khi đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam, công ty đã có cam kết tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam cao hơn quy định của công ty nên khi có đơn khởi kiện của công nhân, toà án sẽ xem xét và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

 

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục