Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đường đến bến phà Gò Nổi–An Bình: Thuận nhưng chưa tiện
Thứ năm: 16:29 ngày 16/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ đầu mùa mưa đến nay, tuyến đường nối từ bến phà đến gần miếu Bà Thốt Nốt, thuộc địa phận xã An Bình luôn trong tình trạng đọng nước, trơn trợt, gây khó khăn trong quá trình đi lại của người dân.

Bến phà Gò Nổi - An Bình.

Bến phà Gò Nổi – An Bình chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11.2018, nối liền hai xã An Bình và Ninh Điền của huyện Châu Thành, giúp rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân. Tuy nhiên, từ đầu mùa mưa đến nay, tuyến đường nối từ bến phà đến gần miếu Bà Thốt Nốt, thuộc địa phận xã An Bình luôn trong tình trạng đọng nước, trơn trợt, gây khó khăn trong quá trình đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tám, nhân viên tại bến phà Gò Nổi – An Bình cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi ngày bến phà phục vụ từ 80 đến hơn 100 lượt người/phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng khách đi phà giảm mạnh, mỗi ngày chỉ khoảng hơn 10 lượt người/phương tiện qua lại. Thậm chí, có những ngày gần như không có ai đi, khiến phà rơi vào tình trạng ế ẩm.

Theo ông Tám, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tuyến đường dẫn từ bến phà đến gần miếu Bà Thốt Nốt là đường đất sét, quá trình sử dụng lâu dài, nhiều nơi bị ứ đọng nước nên khi có mưa là đất bám dính vào xe, đường trơn trợt khiến người dân không thể di chuyển. Từ đó dẫn đến tình trạng đìu hiu của bến phà này.

Đường ra phà Gò Nổi - An Bình đọng nước, sình đất lầy lội, trơn trợt sau cơn mưa tối 14.7

Anh Quốc, ngụ xã Thanh Điền, đang làm việc tại Cụm công nghiệp Ninh Điền cho biết, để rút ngắn thời gian đến nơi làm việc, anh thường chọn tuyến đường qua bến phà Gò Nổi – An Bình để đi hàng ngày.

Tuy nhiên, thời gian gần đây thường xuyên có mưa, khiến tuyến đường trở nên trơn trợt, không thể lưu thông được nên anh phải đi vòng theo đường ĐT786 đến ngã ba Long Vĩnh rồi rẽ phải về Ninh Điền bằng đường ĐT796. Theo anh Quốc, đi theo cách này sẽ xa hơn đường qua phà gần 10km nhưng trong tình cảnh hiện tại, người tham gia giao thông không còn lựa chọn nào khác.

Ông Phan Thanh Long, người dân ngụ ở ấp Thanh Bình, xã An Bình cho hay, để đi thăm đồng lúa nằm gần sông Vàm Cỏ Đông, những nông dân như ông phải chờ lúc trời nắng, đường khô mới đi được; lúc cần thiết thì phải sử dụng máy cày để đi thăm ruộng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Chiệu- Giám đốc HTX vận tải đường thuỷ số 1 Vàm Cỏ Đông, đơn vị vận hành bến phà Gò Nổi – An Bình, do tuyến nối bến phà với xã An Bình là tuyến đường duy nhất nên mỗi khi mùa mưa đến là người dân không thể lưu thông được, dẫn đến bến phà không có khách để hoạt động.

Trong khi đó, chi phí vận hành bến phà vẫn phát sinh, dẫn đến tình trạng thua lỗ của đơn vị. Vì vậy HTX vận tải đường thuỷ số 1 Vàm Cỏ Đông đề nghị các ngành chức năng địa phương và huyện Châu Thành sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến đường dẫn từ xã An Bình ra bến phà, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông.

Phà Gò Nổi - An Bình vận chuyển khách qua sông Vàm Cỏ Đông.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Quân – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, tuyến đường ra bến phà An Bình – Gò Nổi được hình thành từ năm 2015 với mục đích ban đầu là đường vận chuyển nông sản và vật tư nông nghiệp của người dân địa phương ra sông Vàm Cỏ Đông.

Kể từ khi bến phà Gò Nổi – An Bình đi vào hoạt động, tuyến đường này trở thành cầu nối hai xã An Bình và Ninh Điền, nên có nhiều người và phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, xã có chủ trương nâng cấp tuyến đường này nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên UBND xã đã báo cáo trình UBND huyện Châu Thành đưa dự án nâng cấp tuyến đường này vào dự trù nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025 và là công trình ưu tiên thực hiện đầu tư của địa phương.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục