Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ dùng công nghệ nào?
Thứ sáu: 14:27 ngày 14/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Liên danh tư vấn dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đề xuất sử dụng công nghệ tàu chạy trên ray để tiết kiệm chi phí và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Theo đại diện Tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH (đơn vị lập báo cáo khả thi) đã trình bày với Bộ Giao thông Vận tải 3 loại hình tàu cao tốc trên thế giới.

Đầu tiên là tàu chạy trên ray có tốc độ ổn định 350 km mỗi giờ, khổ đường tiêu chuẩn 1.435 mm, có thể hoạt động trên tuyến đường mới hoặc nâng cấp từ tuyến cũ để vừa chạy tàu khách vừa chạy tàu hàng. Loại hình này được xây dựng từ năm 1964 tại Nhật Bản, đã được kiểm nghiệm an toàn và chi phí đầu tư thấp hơn so với hai công nghệ còn lại.

Thứ hai, tàu điện chạy trên đệm từ trường có vận tốc tốc độ tối đa 580 km mỗi giờ (tàu Maglev), được nghiên cứu từ năm 1968 tại Mỹ. Tuy nhiên, sau một số sự cố về an toàn, hiện chỉ có 3 nước đang vận hành khai thác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nhật Bản đã thử nghiệm loại hình trên 17 năm và đang đầu tư xây dựng tuyến Tokyo tới Nagoya, dự kiến năm 2027 đưa vào khai thác. Suất đầu tư cho một km đường sắt Maglev khoảng 190-200 triệu USD, cao gấp 5-6 lần so với đường sắt chạy trên ray.

Cuối cùng là tàu điện chạy trong ống Hyperloop có tốc độ tối đa 1.200 km mỗi giờ, đang chạy thử nghiệm ở các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Mỹ. Tàu chạy trong ống sẽ giảm tối đa sức cản nhờ đó tốc độ có thể nhanh hơn máy bay. Tuy nhiên, các nước đang trong quá trình thử nghiệm để đánh giá tính an toàn, mức độ tin cậy trong vận hành.

Các chuyên gia cho rằng, VN nên sử dụng công nghệ tàu chạy cới tốc độ 350 -400 km/h.

Dựa trên sự vận hành ổn định của tàu chạy trên ray, tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS và một số chuyên gia giao thông đã đề xuất loại hình tàu chạy trên ray (sử dụng động lực phân tán và công nghệ thông tin tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến cho tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam) cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
GS Đỗ Đức Tuấn, Trường ĐH GTVT cho rằng, công nghệ động lực phân tán dù việc bảo dưỡng tốn kém hơn, nhưng xu thế của nhiều nước đã sử dụng.

“Có ý kiến là cần phát triển tàu điện Hyperloop để đi tắt đón đầu nhưng cách này rất mạo hiểm vì chưa nhiều nước áp dụng. Vì thế chúng ta nên sử dụng công nghệ động lực phân tán…”, ông Tuấn nói.

Theo GS. Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ là công trình có tuổi thọ hàng thế kỷ, nên phải đảm bảo tốc độ khai thác trong tương lai thuộc hàng đầu thế giới. Vì vậy cần nghiên cứu chọn tốc độ trong tương lai là 350 hay 400km/h.

“Tuy không cần đạt được tốc độ tối đa ngay, nhưng cần coi tốc độ là mục tiêu hướng tới để đưa ra các thông số kỹ thuật hạ tầng”, ông Khuê nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này, các cơ quan thuộc Bộ GTVT cùng với Tư vấn đã nghiên cứu báo cáo Bộ nhiều lần về Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Ngọc Đông cũng đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2018 để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thống nhất trước khi trình Quốc hội vào năm 2019.

Do đó, việc lấy ý kiến góp ý từ nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan để lựa chọn công nghệ, hình thức vận tải đề xuất áp dụng ở Việt Nam ở thời điểm này là hết sức quang trọng. “Đây là những vấn đề chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Do đó cần phân tích, so sánh ưu, nhược điểm của từng công nghệ, độ bền ra sao, công nghệ nào phù hợp với Việt Nam”, ông Thể nói.

Ông Thể cho rằng, “Dự án sau khi được thông qua phải 20-30 năm mới xong toàn tuyến Bắc - Nam nên nghiên cứu kỹ, đưa ra cơ sở lý luận sâu sắc để lựa chọn kỹ công nghệ, tốc độ tàu hợp lý, đảm bảo được yếu tố hiện đại, tiên tiến theo xu hướng chung của thế giới, cũng như các tiêu chí an toàn, hiệu quả, tối ưu với điều kiện địa lý, khai thác, giá cả và phải thuyết phục được toàn dân và Quốc hội”.

Trước đó, Thủ tướng đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định về việc khi nào Bộ GTVT đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt Bắc Nam với tốc độ khoảng 200 km/h.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc - Nam, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ được thực hiện trong nhiều giai đoạn. Đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam. Trong đó chuẩn bị các điều kiện để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm; điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai.

Ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam.Sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Nguồn Nha Trang

Diễn đàn Doanh nghiệp

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục