Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đường thành chợ, “ba bên” cùng hưởng lợi (?!)
Thứ tư: 06:04 ngày 05/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, rất nhiều người dân bất bình trước tình trạng các con đường nằm kề cận những ngôi chợ lớn có đông người mua kẻ bán bị lấn chiếm, trở thành “cứ điểm làm ăn” của nhiều tiểu thương.

Điều đáng nói là, dù đã có rất nhiều đợt “ra quân”, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bởi, chốn “đường là chợ” đó không chỉ là nơi mưu sinh của những người mua bán nhỏ, mà còn mang lại nguồn lợi  lớn cho những người cho thuê dù, thuê vỉa hè ngay trước nhà mình...

Đường Phạm Văn Chiêu vào chợ Thành phố, cứ mỗi buổi sáng lại xuất hiện hàng trăm cây dù chiếm hết cả con đường.

DÙ DỰNG GIỮA ĐƯỜNG SẴN SÀNG CHO THUÊ

Hai con đường luôn trong trạng thái “sẵn sàng phục vụ” như trên là đường Phạm Văn Chiêu (đường vào chợ Tây Ninh, phường 2, thành phố Tây Ninh) và hẻm số 5 đường Châu Văn Liêm (cặp chợ Hiệp An, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, tuy gọi là hẻm, nhưng thực tế nó là con đường có chiều ngang 10m). Nhiều năm qua, hai con đường đã trở thành địa điểm kinh doanh cho cả trăm tiểu thương mỗi buổi sáng.

Họ bày biện hàng hoá ngay trên lòng đường để bán. Cứ như thế, cảnh tấp nập kẻ mua người bán đã gây xáo trộn cho đời sống của nhiều hộ dân cư ngụ dọc theo đường (ngoại trừ những người tranh thủ “thu tiền mặt bằng” lề đường hoặc cho thuê dù), bất chấp tình trạng mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Một người dân sống bên đường Phạm Văn Chiêu bức xúc nói: “Cho dù đường Phạm Văn Chiêu là đường vào chợ Thành phố, nhưng không phải vì thế mà chính quyền “ngó lơ” cho người dân tự do biến con đường thành chợ”.

Theo ông này, hằng ngày, từ lúc trời chưa sáng hẳn đã có tiểu thương đến bày hàng ngay trên đường. Cao điểm là khoảng 9-10 giờ, con đường “rợp bóng” hàng trăm cây dù, chiếm hết cả lòng đường.

Cư dân sống cặp theo đường và người đi đường rất khó khăn trong việc đi lại. Chỉ riêng việc di chuyển bằng xe mô tô từ nhà ra đường Trương Quyền đã hết sức khó khăn, “nói gì” đến chuyện di chuyển bằng xe ô tô.

“Ăn theo” các tiểu thương là một nhóm người chuyên cho tiểu thương thuê dù che nắng. Giá cho thuê mỗi cây dù trong một buổi sáng từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Chỉ tính riêng đường Phạm Văn Chiêu, mỗi buổi sáng ước có một trăm cây dù được dựng lên, người cho thuê dù có thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng ngon ơ!

Một vấn đề nữa bức xúc không kém: “cho thuê mặt bằng” là vỉa hè trước cửa nhà để kinh doanh của một số hộ sống dọc theo đường.

Riêng đường Phạm Văn Chiêu hiện nay, nhiều hộ đã lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để cho thuê, thậm chí cất cả kiosk để kinh doanh hoặc cho thuê. Để việc vi phạm được “thuận lợi”, cây xanh trồng trên vỉa hè đường này đã bị các hộ “khoanh lại” để cất kiosk.

Đáng nói hơn, một hộ dân ở phía đầu đường Phạm Văn Chiêu chẳng những bao chiếm hết vỉa hè cất kiosk kinh doanh, mà còn chiếm hẳn một phần lòng đường. Và điều khó hiểu nhất là, tuy biết rất rõ tiểu thương kinh doanh trên lòng, lề đường là vi phạm, nhưng nhân viên Ban quản lý chợ Thành phố vẫn đi thu phí hoa chi.

Chẳng lẽ một cơ quan sự nghiệp của Nhà nước lại “mặc nhiên thừa nhận” việc vi phạm của các hộ kinh doanh trên đường này?! Và như thế, chính đơn vị có trách nhiệm quản lý cũng có phần được hưởng lợi.

Tương tự, tại hẻm số 5 đường Châu Văn Liêm, bên cạnh chợ Hiệp An (Hiệp Tân, Hoà Thành), những người lấn chiếm đường để kinh doanh cũng phải nộp phí, do vậy, tình trạng cũng không khá hơn đường Phạm Văn Chiêu ở thành phố Tây Ninh.

Một đoạn đường dài khoảng 300m kề bên chợ Hiệp An, mỗi buổi sáng có không dưới 100 tiểu thương tự động họp chợ, mua bán kinh doanh. Lòng đường xuất hiện hàng trăm cây dù để che nắng vị trí buôn bán của các tiểu thương.

Nếu không phải là dân địa phương, người ta cứ tưởng con hẻm 10m này là chợ do việc buôn bán đông ken, khá sung túc trên đường. Và tất nhiên, khi đường trở thành chợ, cũng không tránh khỏi cảnh một nhóm người “ăn theo” hưởng lợi, trong đó có việc cho thuê dù.

Ngoài ra, tiểu thương tại đường này còn phải trả “tiền chỗ” khi ngồi trước nhà của các hộ gia đình sống ven đường để kinh doanh, số tiền phải trả mỗi ngày từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng, tuỳ theo “bề ngang mặt tiền” đường công cộng bị lấn chiếm.

Hẻm số 5 đường Châu Văn Liêm, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành từ lâu đã bị lấn chiếm kinh doanh trở thành “chợ”.

CHƯA BIẾT, CHƯA NGHE PHẢN ÁNH (!?)

Trưởng Ban quản lý chợ thành phố Tây Ninh cho biết, đường Phạm Văn Chiêu không thuộc phạm vi quản lý của chợ mà thuộc phạm vi quản lý của UBND phường 2.

Tuy nhiên, trước thông tin người dân phản ánh nhân viên Ban quản lý chợ thu phí đối với những hộ kinh doanh lấn chiếm lề đường, lòng đường Phạm Văn Chiêu, kể cả những con đường khác dẫn vào chợ, Ban quản lý chợ đã chỉ đạo nhân viên không được thu phí, nếu nhân viên nào vi phạm, Ban quản lý sẽ xử lý nghiêm khắc (?!).

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường 2, thành phố Tây Ninh thừa nhận, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, lề đường Phạm Văn Chiêu và những con đường dẫn vào chợ thành phố Tây Ninh thời gian qua vô cùng phức tạp.

Khi lực lượng của phường ra quân, tình trạng lấn chiếm được chấn chỉnh, nhưng khi không có mặt lực lượng chức năng thì sự “náo nhiệt” lại trở lại. Đối với vấn đề này, UBND phường rất đau đầu, tuy nhiên do lực lượng mỏng và thiếu kinh phí nên không thể ra quân thường xuyên, liên tục.

Được biết, ngoài lực lượng của phường 2, còn có lực lượng quản lý đô thị của Thành phố cũng thường xuyên tổ chức xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường ở chợ thành phố Tây Ninh, nhưng… kết quả “cũng giống như của phường”!

Riêng đối với “hiện tượng” xuất hiện một nhóm người cho những người buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường thuê dù tại các con đường quanh chợ Thành phố, sau khi nghe thông tin phản ánh, lãnh đạo UBND phường đã tiến hành xác minh và xác định có 4 người đang cho những người lấn chiếm lòng, lề đường Phạm Văn Chiêu thuê dù che nắng.

UBND phường đã mời 4 người trên đến làm việc và yêu cầu cam kết không được mang dù ra đường cho thuê nữa. Nếu 4 người trên còn tiếp tục vi phạm, UBND phường sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND phường 2 cho biết thêm, trong những ngày tới, UBND phường sẽ kiến nghị UBND Thành phố hỗ trợ tiến hành xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường Phạm Văn Chiêu và các con đường vào chợ thành phố Tây Ninh để kinh doanh.

Đồng thời, UBND phường cũng kiến nghị Thành phố hỗ trợ xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè cất kiosk để kinh doanh, hoặc cho thuê kinh doanh của một số hộ dân cư ngụ dọc đường Phạm Văn Chiêu.

Tại chợ Hiệp An, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành cho biết: “Trước thực trạng hẻm số 5 đường Châu Văn Liêm trở thành chợ như hiện nay, UBND xã sẽ tiếp tục vận động các tiểu thương đang kinh doanh trên lòng, lề đường hẻm số 5 di dời, trả lại mặt đường thông thoáng.

Nhưng cái khó hiện nay là, nhu cầu mua bán của người dân địa phương ngày càng lớn, kéo theo người buôn bán tự phát tại chợ Hiệp Tân ngày càng nhiều, chợ Hiệp An không còn chỗ bán nên nhiều tiểu thương và người buôn gánh bán bưng đã “chiếm trọn” hẻm số 5 đường Châu Văn Liêm để kinh doanh hằng ngày.

Mới đây, UBND xã Hiệp Tân đã tiến hành khảo sát mặt bằng xây dựng chợ mới trên địa bàn xã để phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Tuy nhiên, do vốn đầu tư xây dựng chợ quá cao nên UBND xã không đủ kinh phí đầu tư. Riêng vấn đề các hộ dân tự ý cho người kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường thuê dù, UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Có thể nói, thực trạng lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ, buôn bán ở hai con đường nêu trên, kéo theo việc cho thuê dù, cất kiosk buôn bán, cho thuê đã trở thành “chứng bệnh kinh niên” tại địa phương. Thiết nghĩ, không thể vì lý do nhu cầu sinh kế của người dân mà buông lỏng kỷ cương phép nước. Nếu như chính quyền địa phương kiên quyết hơn, chắc chắn chứng “bệnh kinh niên” kia không phải là không thể chữa trị tận gốc.

THIÊN TÂM - THANH NHI

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh