Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đường về quê ngoại
Thứ hai: 09:27 ngày 05/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tuy cách quận lỵ Trảng Bàng không xa nhưng hồi đó, nơi đây là vùng căn cứ kháng chiến. Ðường đi, nhiều chỗ phải luồn trong những hàng dứa dại, có chỗ phải qua kênh mương mà chiếc cầu chỉ là một thanh bừa (miếng ván nhỏ) bắc ngang.

Căn nhà xưa của ngoại.

Nhà tôi cách nhà ngoại chưa đầy hai mươi cây số đường bộ. Khoảng cách chẳng mấy xa xôi ấy cứ mãi bền vững với thời gian, bởi gia đình tôi cũng như gia đình của những người thân bên nhà ngoại hơn năm mươi năm qua chưa một lần dời đổi nơi cư trú.

Mẹ mất sớm, chị em tôi sống với ba và bà nội trong căn nhà của nội. Còn nhà ngoại thì có gia đình cậu út ở cùng để chăm sóc bà ngoại. Nhà nội và nhà ngoại tôi gần giống như nhau- đều là nhà ngói, cột gỗ, vách tấp, cửa lá sách. Hơn năm mươi năm qua, hai nhà vẫn y như vậy.

Gần đây, chị em tôi đã gia cố nhà nội, còn nhà ngoại vẫn như cũ, chỉ khác đi là mái ngói giờ đã rêu phong, vách phên, kèo cột hư mục. Những con đường về quê ngoại thì đã hoàn toàn đổi thay.

 

Tuy khoảng cách không xa lắm nhưng nhà nội, nhà ngoại lại khác tỉnh và khác miền. Nhà nội ở làng An Hoà (tỉnh Tây Ninh)- thuộc về miền Ðông, còn nhà ngoại ở làng Tân Mỹ (tỉnh Long An)- thuộc miền Tây Nam bộ. Trước kia, khi phương tiện và đường sá đi lại còn khó khăn, một phần cũng do chiến tranh nên dù thương nhớ ngoại, mỗi năm chị em tôi cũng chỉ về thăm được một lần- vào ngày mùng một tết, để ăn một bữa cơm đầu năm với ngoại.

Ở chơi chừng già buổi sáng là chị em lại vội vã ra về và hẹn... đến năm sau. Từ nhà nội về nhà ngoại có hai hướng đi, khoảng cách tương đương nhau, một là hướng đường Gò Vó, một là hướng đường Cầu Quan. Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả hai hướng ấy đều đầy gian nan và nguy hiểm.

Hồi đó, nhà tôi có một chiếc xe máy cái (cách gọi hồi xưa chỉ xe đạp dành cho nam để phân biệt với xe máy đầm- dành cho phụ nữ) hiệu Tabor. Ðây là đôi chân thứ hai của ba tôi, để ông xuôi Nam, ngược Bắc, chinh phục Ðông Tây kiếm tiền về phụng dưỡng mẹ già và nuôi ba đứa con thơ.

Cũng như ba tôi, chiếc Tabor chỉ được nghỉ ngơi trong ba ngày tết. À mà không, chỉ có ba tôi được nghỉ, còn chiếc xe thì lại phải phục vụ chị em tôi. Nhiều năm liền như vậy, cứ sáng sớm mùng một tết, chị em tôi ăn vội mỗi đứa một khoanh bánh tét, rồi thay quần áo mới, nón mới, dép mới… đến mừng tuổi bà nội và xin phép bà nội để đi mừng tuổi bà ngoại. Thủ tục chào hỏi xong, chị hai tôi vào buồng đẩy xe ra sân.

Tôi vịn ba-ga đẩy xe cùng chị, còn anh ba đi sau. Ðẩy xe ra sân, chị tôi tham khảo ý ba: giờ đi theo đường nào? Ba nghe ngóng tình hình rồi mới “phán quyết” cho chị em tôi đi đường Gò Vó hay đường Cầu Quan. Nhà tôi ở gần mé rạch, nằm khoảng giữa con đường làng. Dù đi đường Gò Vó hay đường Cầu Quan cũng đều qua một đoạn đường làng.

Nếu đi đường Gò Vó, chúng tôi qua con đường làng đi về hướng Ðông đến quận lỵ Trảng Bàng rồi qua cầu Bình Tranh đến địa phận xã An Tịnh (Trảng Bàng), xã Thái Mỹ (Củ Chi) rồi mới tới địa bàn xã Tân Mỹ. Ðường làng quê tôi hồi đó nhỏ hẹp, ngang qua những cánh đồng trũng (gọi là hố) có độ dốc dài và cao.

Vào mùa mưa nhiều đoạn ngập nước, nổi sình, trâu đi còn ớn. Vào mùa nắng cát nóng phỏng chân. Hồi đó chị hai tôi mới mười hai, mười ba tuổi, ngồi trên yên xe chân chưa chạm đất mà chở cả hai đứa em nhỏ sau ba-ga. Nhiều chỗ dốc cao hoặc cát nhiều, ba chị em phải xuống xe đẩy bộ.

Nhưng gian nan và nguy hiểm nhất là đoạn đường qua địa bàn An Tịnh - Thái Mỹ. Tuy cách quận lỵ Trảng Bàng không xa nhưng hồi đó, nơi đây là vùng căn cứ kháng chiến. Ðường đi, nhiều chỗ phải luồn trong những hàng dứa dại, có chỗ phải qua kênh mương mà chiếc cầu chỉ là một thanh bừa (miếng ván nhỏ) bắc ngang. Chị em tôi phải khiêng xe đạp mà qua. Có đoạn hai bên đường là kênh rạch, có những gò đất.

Nhiều người làm vó bắt cá gần các gò đất. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi là đường “Gò Vó” chăng? Qua đây, sơ suất chút thôi có thể vướng phải trái gài hoặc rơi vào trận địa hai bên đánh nhau. Có một lần chị em tôi đang đi giữa một con đường đầy dứa dại, thì máy bay chuồn chuồn (máy bay trinh sát của Mỹ) quần tè tè trên bầu trời. Thấy vậy, mấy anh du kích liền kéo chị em tôi vào chỗ ẩn nấp, chờ máy bay đi qua, rồi mới cho chúng tôi đi tiếp.

Còn đi đường Cầu Quan, cũng phải lên đường làng nhưng ngược về hướng Tây, qua một dốc cao và dài, rồi đến tỉnh lộ 6A (nay là tỉnh lộ 787A), qua cầu Quan (chiếc cầu sắt bắc qua rạch Vàm Trảng), vượt cánh đồng (nay là Khu công nghiệp Thành Thành Công) rồi đến địa phận các xã Lộc Giang, An Ninh (tỉnh Long An) xuống Tân Mỹ.

Ði hướng đường này cũng không kém gian nan, nguy hiểm. Hồi đó, Lộc Giang, An Ninh là vùng căn cứ kháng chiến. Ðể ngăn bước tiến quân của địch từ hướng Trảng Bàng qua, lực lượng vũ trang cách mạng đánh mìn làm “quỵ” một đầu cầu Quan (đầu cầu phía Nam).

Ðồng thời đào phá, đắp mô, gài trái nhiều chỗ trên đoạn đường từ đầu cầu Quan phía bị hư hỏng đến địa phận xã Lộc Giang. Việc lưu thông trên đoạn này trở nên khó khăn và nguy hiểm (hồi đó có người còn gọi đây là “đường đứt”). Vượt qua đoạn “đường đứt” đến địa bàn Lộc Giang, An Ninh cũng phải đối mặt với hiểm nguy vì địch thường xuyên bắn phá vào vùng này.

Rồi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chị em tôi đã kịp trưởng thành. Ðường về ngoại không còn nguy hiểm và cũng bớt gian nan, nhưng ngoại của tôi giờ đã theo ông bà tiên tổ.

Ngày nay, con đường làng quê tôi đã được nhựa hoá. Những cái dốc cao và dài giờ cũng được hạ thấp xuống. Ðây là con đường nối hai khu công nghiệp lớn, nên lưu lượng xe qua lại rất nhiều, nhất là vào sáng sớm và buổi chiều lúc tan ca. Ở gần khu công nghiệp nên nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ.

Con đường làng quê giờ đông vui như phố thị. Ðường Gò Vó - An Tịnh - Thái Mỹ cũng được nhựa hoá. Ðường Cầu Quan - Lộc Giang - An Ninh thì cũng đã “ngon lành”, nhất là đoạn từ đầu cầu Quan đến địa phận Lộc Giang nằm trọn trong khu công nghiệp. Nó đã được nâng cấp, xe cộ vào ra khu công nghiệp tấp nập.

 Ðến lượt cậu tôi cũng đi theo ông bà ngoại. Mợ tôi, nay đã ngoài chín mươi rồi vẫn ở trong căn nhà xưa của ngoại. Ngày ngày mợ vẫn lọ mọ vào ra thắp nhang cho cha mẹ chồng và chồng (tức ông bà ngoại và cậu tôi). Không biết giữa căn nhà và mợ tôi- ai sẽ ra đi trước ai;  quy luật của tạo hoá, sao mà ngăn cản được. 

Hai hướng đường về quê ngoại giờ đã hoàn toàn đổi thay, xe cộ đi lại thật thuận tiện. Chị em tôi giờ đây đều đã mái tóc pha sương, ai cũng bộn bề công việc, kể cả ngày tết. Vì vậy, chuyện về thăm nhà ngoại cũng ít khi, trừ những lúc hữu sự.

Tết đã lấp ló ngoài đầu ngõ. Gió xuân man mát thổi, lòng tôi lại bồi hồi nhớ kỷ niệm xưa.  

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục