Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đường Xuyên Á và quốc lộ 22B: “Thiếu và mất” hành lang an toàn đường bộ
Thứ năm: 05:51 ngày 29/10/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những ai thường xuyên lưu thông trên quốc lộ 22B và đường Xuyên Á, dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng giao thông trên các tuyến này hiện còn nhiều tồn tại, bất cập cần được cơ quan quản lý quan tâm, có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông.

Những ai thường xuyên lưu thông trên quốc lộ 22B và đường Xuyên Á, dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng giao thông trên các tuyến này hiện còn nhiều tồn tại, bất cập cần được cơ quan quản lý quan tâm, có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông.

Nhiều bất cập, vi phạm

Cho đến nay toàn tuyến quốc lộ 22B và đường Xuyên Á hầu như không có hành lang an toàn giao thông. Ở nhiều đoạn, lòng đường (phần làn đường dành cho xe gắn máy, xe đạp) kề sát mép ruộng, mương sâu nên nếu xảy ra sự cố bất ngờ, chắc chắn cả người điều khiển lẫn phương tiện đều “bay” xuống ruộng, mương. Nguy hiểm hơn là dọc đường Xuyên Á và theo quốc lộ 22B trải dài từ huyện Trảng Bàng đến huyện Hoà Thành, ở những khu vực dân cư, các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các tiệm, quán và nhiều hộ dân đã “tận dụng” đến tấc đất cuối cùng liền với lòng đường để mua bán, sản xuất. Xe cộ, hàng hoá được bày bán lấn ra lòng đường gây cản trở giao thông, che khuất tầm nhìn của người đi đường. Xe cộ thường xuyên ra vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven đường một cách rất “vô tư” cũng là những mối hiểm hoạ đối với người đi đường.

Cảnh xô bồ, chen lấn trước cổng KCN Trảng Bàng giờ tan tầm.

Đoạn đường Xuyên Á đi qua xã An Tịnh (Trảng Bàng) là nơi tập trung nhiều phương tiện giao thông cùng với lượng khách bộ hành hằng ngày rất đông đúc, thế nhưng, suốt đoạn đường này không có vỉa hè, không có hành lang an toàn dành cho người đi bộ và để các phương tiện lách tránh. Ở đây, nhà cửa, hàng quán san sát đã “lấp” mất khoảng không gian trống, lẽ ra phải có ở ven đường. “Vào những buổi sáng hoặc giờ tan tầm, người đi bộ (công nhân ở các khu công nghiệp) tràn ra đường cùng với các loại phương tiện gây nên cảnh xô bồ, lộn xộn rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, nếu họ không đi dưới lòng đường thì còn chỗ nào để đi? Do vậy lực lượng CSGT luôn phải túc trực ở đây vào giờ cao điểm, phải hết sức vất vả để điều phối lưu thông. Tuy nhiên, trước tình trạng này, khó mà “ngăn” được tai nạn, va quẹt xảy ra”, một cán bộ Công an huyện Trảng Bàng cho biết.

Một thực trạng đáng quan tâm nữa là việc dải phân cách (con lươn) phân chia làn đường có những đoạn quá dài (hơn 2 km), có những đoạn “lấp” mất lối qua đường dẫn vào các khu dân cư, gây khó khăn cho hoạt động lưu thông của người dân địa phương. Do đó, ngày càng có nhiều đoạn lươn bị người dân địa phương “chặt khúc” để mở lối quay xe. Những lối qua đường tự phát này rất nguy hiểm, bởi nhiều phương tiện lưu thông không thể nhìn thấy từ xa (vì không có biển báo). Vấn đề này, trong thời gian qua, báo chí cũng đã phản ánh nhiều nhưng chưa thấy cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục.

Ngoài ra, tình trạng “ổ gà” lở lói giữa đường nhưng không được đơn vị có trách nhiệm giặm vá; nhiều dải phân cách, đảo phân luồng được thiết kế “hoành tráng” chỉ để dành “nuôi cỏ” cho gia súc, làm nơi phơi phóng uế hoặc đổ rác của người dân; tình trạng các phương tiện phục vụ hoạt động các nhà máy gạch, các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng “tha” bùn đất “bôi trét” khắp mặt đường nhựa khiến cho nhiều đoạn trở nên bẩn và ô nhiễm vì bụi, lầy…

Do quy hoạch “thiếu” hay do xử lý thiếu kiên quyết?

Theo một cán bộ huyện Trảng Bàng thì trạng đường Xuyên Á và quốc lộ 22B “thiếu” hành lang có nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch của cơ quan chủ quản (thuộc Bộ GT-VT). Khi quy hoạch và thi công hai tuyến đường trên, chỉ thấy đầu tư thi công phần làn đường dành cho xe chạy, còn phần hành lang an toàn giao thông thì “không thấy” có lẽ vì… “kinh phí đầu tư có giới hạn”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì việc “thiếu, mất” hành lang an toàn giao thông đường bộ ở nhiều đoạn ven đường Xuyên Á và quốc lộ 22B còn do việc xử lý hành vi lấn chiếm lộ giới để phục vụ lợi ích cá nhân chưa được nghiêm. Đơn cử như trường hợp ở xã An Tịnh (cạnh Trường tiểu học Ngô Văn Tô).

Một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng “bôi bẩn” đoạn quốc lộ 2, đoạn gần cầu Đôi, Hoà Thành.

Tháng 3.2009, bà Nguyễn Thị Nhỉ (ngụ ấp Suối Sâu) bị UBND xã An Tịnh lập biên bản, đình chỉ thi công khi tự ý đào móng xây nhà trên phần đất lộ giới đường Xuyên Á. UBND xã An Tịnh cũng báo cho Đội Thanh tra giao thông đường bộ (thuộc Cục Đường bộ) biết để ngăn chặn, xử lý. Lúc này, tường nhà của bà Nhỉ chưa được xây. Đến tháng 4, khi bà Nhỉ tiến hành xây tường, UBND xã phối hợp cùng Phòng Giáo dục huyện Trảng Bàng (do PGD cho rằng bà Nhỉ xây công trình lấn đất trường học) tiến hành đình chỉ hoạt động xây dựng lần hai. Đến tháng 5, UBND xã lại tiến hành lập biên bản đình chỉ lần thứ ba khi phát hiện bà Nhỉ cho xây dựng nhà vào những ngày cơ quan Nhà nước nghỉ làm việc. Trong khi đó, dù đã được UBND xã An Tịnh thông báo từ tháng 3 nhưng đến tháng 6, Thanh tra giao thông Cục Đường bộ mới đến hiện trường lập biên bản vi phạm. Trong biên bản nêu: “xây dựng nhà tạm trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ” và yêu cầu “chủ hộ ngưng xây dựng trái phép và tháo dỡ di dời phần vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi”. Thanh tra Cục Đường bộ cũng đề nghị “UBND xã An Tịnh có biện pháp buộc đối tượng vi phạm chấp hành xử lý của Thanh tra và tự khắc phục hậu quả”. Sau đó, ngày 15.6.2009, UBND huyện Trảng Bàng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nhỉ (1,5 triệu đồng) và buộc bà Nhỉ phải tháo dỡ công trình đã xây dựng trái phép (diện tích 40m2).

Thế nhưng, kể từ đó đến nay, bất chấp yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bà Nhỉ vẫn tiếp tục thi công và đã hoàn chỉnh căn nhà này, rồi “ung dung” đưa vào sử dụng hoạt động kinh doanh (?!).

ĐÌNH CHUNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục