Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhỏ bé, thường không tách rời và tạo thêm vẻ duyên dáng cho trang phục truyền thống của các dân tộc, đó là những chiếc khăn quàng cổ. Với người dân vùng sông nước Cửu Long, chiếc khăn rằn trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống lao động của họ.
Nhỏ bé, thường không tách rời và tạo thêm vẻ duyên dáng cho trang phục truyền thống của các dân tộc, đó là những chiếc khăn quàng cổ. Với người dân vùng sông nước Cửu Long, chiếc khăn rằn trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống lao động của họ.
Không rõ ra đời từ bao giờ nhưng chiếc khăn đã đồng hành cùng con người thời khai hoang mở cõi phía Nam của Tổ quốc. Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh hết sức quen thuộc và gần gũi với mọi người, như một biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu khó.
Theo các nhà nghiên cứu, chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer. Trong quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, chiếc khăn rằn đã được chuyển thành thứ trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác. Nó thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Các lằn ngang dọc được coi là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2 m, rộng chừng 40 - 50 cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà rất đỗi bình dị, giản đơn.
Trước khi có sự du nhập của các loại trang phục từ phương Tây, khăn rằn đóng vai trò chủ chốt trong lối ăn mặc của những người dân xứ này. Không chỉ người lao động lam lũ, mà cả những điền chủ, người giàu có cũng sử dụng nó. Phụ nữ vắt gọn khăn trên đầu, đàn ông cột ngang trán, hai đuôi khăn nhô lên, nút khăn nằm ở phía trước. Khăn cũng được quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, đầu kia thả sau lưng. Đôi khi hai đầu được buông xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên của cư dân Nam bộ.
Chiếc khăn rằn còn dùng để che nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn ngọn gió lốc, lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười e ấp của người đất phương Nam.
K.D (st)