Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 16-11, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) phán quyết rằng 2 cựu lãnh đạo hàng đầu của Khmer Đỏ là Khieu Samphan và Nuon Chea đã phạm tội “diệt chủng” trong thời gian từ năm 1975-1979. Đây là phán quyết lịch sử của tòa án quốc tế đối với chế độ này sau gần 4 thập kỷ chính quyền tàn ác này bị lật đổ.
Nuon Chea (trái) và Khieu Samphan. Ảnh:REUTERS
Theo tòa án trên, Nuon Chea, 92 tuổi được coi là cánh tay phải của Pol Pot, lãnh đạo số 1 của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, và Khieu Sampan, 87 tuổi từng là chủ tịch nước Campuchia thời Khmer Đỏ đã phạm các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng nhằm vào người Hồi giáo Chăm và người Việt Nam. Đây là những lãnh đạo đầu tiên của Khmer Đỏ bị kết tội diệt chủng và bị tuyên án tù chung thân trong Vụ án 002/02.
Phát biểu tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Tòa sơ thẩm của ECCC, ông Neth Pheaktra cho biết, phiên tòa có sự tham gia chứng kiến của các quan chức Liên hiệp quốc (LHQ), đại diện chính phủ và đại diện các đại sứ quán, cùng khoảng 500 người dân Campuchia.
Ông Neth Pheaktra khẳng định: “Phán quyết trên là một sự kiện lịch sử đối với ECCC, Campuchia, thế giới và cho cả công lý quốc tế”.
Để có thể đưa ra kết quả và kết thúc vụ án, tòa đã mất 283 ngày điều tra, xét hỏi, từ ngày 17-10-2014 đến 11-1-2017. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của 185 người, trong đó 114 nhân chứng, 63 người thuộc diện dân sự, 8 chuyên gia. Vụ án 002/02 đã phải trả qua thời gian dài để điều tra xét xử vì tính chất phức tạp, có nhiều cá nhân có liên quan, và nhiều nạn nhân, nhiều tài liệu và phiên tòa phải tiến hành việc chuyển ngữ bằng ba thứ tiếng.
Nếu không có khiếu nại nào, bản án sẽ lập tức có hiệu lực. Trong trường hợp ngược lại, đơn khiếu kiện sẽ được nộp lên Toà án Tối cao.
Dự kiến tòa cũng sẽ ra phán quyết về các tội danh Tội ác Chống nhân loại và Tội ác Chiến tranh đối với hai nhân vật này.
ECCC là tòa án đặc biệt tại Campuchia do LHQ và Chính phủ Campuchia lập ra từ năm 2006, nhằm xét xử tội ác của các lãnh đạo Khmer Đỏ gây ra dưới thời diệt chủng. Theo một báo cáo của ECCC, tổng chi phí cho tòa kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2006 - 2017 là 318,9 triệu USD, trong đó Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 29%, tiếp đó là các nước như Mỹ và Australia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ECCC đã nhiều lần phải tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguồn ngân quỹ hoạt động, đặc biệt là chi phí trả lương cho đội ngũ nhân viên pháp lý Campuchia.
Nguồn SGGPO