Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đối với nhiều bạn nhỏ, đi học là điều rất đỗi bình thường nhưng đối với em Diệp Phú Quý- học sinh lớp 1B, Trường tiểu học Trần Phú (TP. Tây Ninh), đó lại là một mong ước lớn lao thường trực. Bởi nếu không được sự tiếp tục giúp đỡ của nhà trường, chính quyền đoàn thể các cấp, của bà con lối xóm và cộng đồng xã hội thì con đường đến trường của Quý sẽ rất khó khăn, có thể đứt quãng bất cứ lúc nào.
Mặc dù đã 9 tuổi nhưng Quý nhỏ hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa.
Cô giáo Vũ Thị Thanh Nga– giáo viên chủ nhiệm lớp của Quý cho biết, chuẩn bị cho năm học 2016-2017, nhà trường có tổ chức đoàn đi rà soát học sinh phổ cập tiểu học trên địa bàn, qua đó mới phát hiện trường hợp của em Quý. Lúc đó, mặc dù Quý đã 8 tuổi nhưng em chưa hề được đi học, hằng ngày chỉ theo bà ngoại nuôi đi bán vé số. Nhà trường đã vận động gia đình cho Quý đến trường và nhận em vào lớp 1.
Hoàn cảnh của em Quý hết sức éo le. Em ra đời chưa được bao lâu thì bị mẹ đẻ đem cho người khác. Người nhận nuôi Quý là vợ chồng chị Lê Thị Mỹ, nhà cũng chẳng lấy gì làm khá giả và còn phải đi ở trọ. Không bao lâu sau, cha nuôi của Quý qua đời, mẹ nuôi em công việc không ổn định lại bệnh tật triền miên mà vẫn phải đi làm thuê, làm mướn. Quý phải về ở với bà Nguyễn Thị Tiên- mẹ của chị Mỹ. Những năm đầu Quý cùng bà ngoại nuôi đi bán vé số, hai bà cháu kiếm ăn lây lất qua ngày. Nay bà đã 76 tuổi, sức đã yếu nên không còn làm gì được trong khi chỗ ở cũng không có.
Cô Nga cho biết thêm, lần nào có mạnh thường quân hay đoàn thể ủng hộ tặng quà cho học sinh của trường, Quý đều được dành một suất. Bản thân Quý rất chăm ngoan và ham học.
Theo thầy Hà Văn Dương– Hiệu trưởng nhà trường, trước hoàn cảnh đáng thương của em Quý, Ban giám hiệu đã kêu gọi ban đại diện cha mẹ học sinh của trường trợ giúp từ sách vở, đồ dùng học tập cho tới đồng phục. Các khoản chi phí cần cho học tập, cả phần ăn trưa bán trú của em cũng đều được miễn. Tuy nhiên, có những khoản trường phải quyết toán, không thể miễn hết được. Và để em Quý có thể theo đuổi việc học tập lâu dài, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.
Theo chân cô giáo chủ nhiệm lớp 1B, chúng tôi ghé thăm nơi ở của Quý. Đó là một căn phòng trọ chật hẹp ở một con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh. Trong phòng trọ, chỉ có chiếc giường tre ọp ẹp và một cái bàn gỗ ván ép đã cũ cho Quý ngồi học.
Bà Tiên – bà ngoại nuôi của em Quý chia sẻ: “Bà cháu tôi giờ, hôm nào người ta cho cái gì thì ăn cái đó; không thì cứ tương mắm qua ngày. Tiền phòng trọ hằng tháng là 450.000 đồng nhưng có khi chủ nhà không lấy; có khi hàng xóm mỗi người cho vài chục ngàn để trả”.
Để đến trường, mỗi ngày Quý phải vượt qua hơn 2km, nếu tính cả đi và về thì khoảng cách gấp đôi. Hôm nào có người cho quá giang coi như may mắn, hôm nào không, Quý toàn lội bộ. Gặp ngày nắng ráo còn đỡ, những ngày mưa gió, quãng đường như dài thêm ra đối với cậu học trò nhỏ. Tuy thế: “Em thấy đi học rất vui, em muốn được tiếp tục đi học”- Quý hồn nhiên nói.
Bà ngoại thương đứa cháu nuôi, chỉ mong cho cháu được tiếp tục cắp sách đến trường. Bà nói: “Dù khó khăn, thiếu thốn, nhưng tôi vẫn mong cháu nó được đi học để mai này nên người, làm người tốt cho xã hội”.
Thầy Hiệu trưởng Hà Văn Dương kể thêm: “Có người gọi điện cho tôi, muốn nhận em Quý làm con nuôi nhưng qua trao đổi với Quý và gia đình, em chỉ muốn ở với bà ngoại”.
HUY LIỆU