BAOTAYNINH.VN trên Google News

EU nêu tên ngân hàng Nga sẽ bị trừng phạt vòng tiếp theo 

Cập nhật ngày: 04/05/2022 - 09:02

Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, trong đó dần hạn chế nhập khẩu dầu của Nga.

Theo ông Josep Borrell, người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại tại Ủy ban châu Âu: “Chúng tôi đang làm việc về gói trừng phạt thứ sáu nhằm loại bỏ nhiều ngân hàng (Nga) hơn khỏi SWIFT, giải quyết các tác nhân thông tin sai lệch và vấn đề nhập khẩu dầu mỏ”.

Các nhà ngoại giao cho biết vòng trừng phạt mới nhất sẽ ảnh hưởng đến Sberbank, ngân hàng cho vay hàng đầu của Nga, bên cạnh đó bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu. Các biện pháp đề xuất sẽ được trình lên 27 quốc gia thành viên EU để phê duyệt, dự kiến vào 4/5. 

Ông Josep Borrell, người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại tại Ủy ban châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Ủy ban dự kiến ​​sẽ đề xuất loại bỏ dần dầu của Nga trong vòng 6 đến 9 tháng, một số quốc gia được phép thêm thời gian và tìm đến nguồn cung thay thế từ các quốc gia thành viên khác. Ba Lan và các nước Baltic, một số đồng minh mạnh nhất của Ukraine trong EU, muốn có lệnh cấm ngay lập tức nhưng lập trường này không được ủng hộ mạnh mẽ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/5 đã đưa ra thông báo với phương Tây rằng ông có thể chấm dứt xuất khẩu các mặt hàng cũng như các thỏa thuận, nhằm đáp trả gánh nặng trừng phạt mà EU và Mỹ đã áp đặt lên Nga. Lệnh cấm vận đối với dầu mỏ có thể sẽ tước đi nguồn doanh thu lớn của Moskva.

Trong một cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của EU đang thúc đẩy gây ra vấn đề về nguồn cung thực phẩm ở châu Âu. Ông Putin ngoài ra tuyên bố “bất chấp sự không nhất quán của Kiev và sự thiếu sẵn sàng làm việc nghiêm túc, phía Nga vẫn sẵn sàng đối thoại”.

Việc đạt được thỏa thuận về biện pháp cấm dầu này đã gây chia rẽ các nước EU, khi họ vốn phụ thuộc vào Nga với 26% lượng dầu nhập khẩu. Hungary và Đức nằm trong số những nước có dự trữ phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ. Họ lo ngại giá năng lượng tăng cao sẽ làm tổn hại đến các nền kinh tế EU vốn đang phải vật lộn với lạm phát.

Tuy nhiên theo các nhà ngoại giao, sự phản kháng đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu đã giảm dần trong tuần qua sau thỏa thuận miễn trừ được đưa ra với Slovakia và Hungary. 

Theo tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, các nước EU đã trả hơn 47 tỷ euro (47,43 tỷ USD) cho Nga mua khí đốt và dầu từ khi khủng hoảng quân sự tại Ukraine bắt đầu. 

Các biện pháp trừng phạt mới nhất được đề xuất sẽ cần sự nhất trí thông qua để trở thành gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga. Đây được đánh giá là các biện pháp nhạy cảm về mặt chính trị, khi có lo ngại rằng việc tăng giá dầu đột ngột có thể dẫn đến giá xăng tăng vọt, gây ra các cuộc biểu tình.

Nguồn VTC