Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là cam kết được ông Gabor Fluit – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023 vào sáng ngày 2.6.
UBND tỉnh Tây Ninh ký biên bản ghi nhớ hợp tác với ông Gabor Fluit (bìa trái)- Chủ tịch EuroCham.
Ông Gabor Fluit đánh giá: “Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vai trò kết nối với thị trường Campuchia. Vai trò của Tây Ninh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài được đưa vào sử dụng.
Với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, bao gồm các dự án kinh doanh nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thuỷ sản chế biến thực phẩm, chăn nuôi quy mô lớn... Tuy nhiên, vấn đề của ngành nông nghiệp Tây Ninh hiện nay là phải phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, đồng thời đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của EVFTA và EU”.
Từ tiềm năng chuyển đổi của các phương pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến, EuroCham và 1.300 thành viên tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng còn chưa được khai thác của Tây Ninh.
Đồng thời, ông Gabor Fluit lưu ý, tỉnh Tây Ninh cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện gia tăng giá trị chế biến là việc cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc áp dụng các phương pháp tốt nhất trong chăn nuôi, cải thiện các giải pháp tài chính, nâng cao hiệu quả và năng suất, sẽ giúp khai phá tiềm năng chưa được khai thác và tạo ra những cơ hội phát triển mới của tỉnh Tây Ninh, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Ông Gabor Fluit Chủ tịch EuroCham và một số doanh nghiệp thăm gian hàng tại diễn đàn.
Để đạt được các tiêu chí trên, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có chất lượng, công nghệ hiện đại và tài chính vững mạnh. Đây là các tiêu chí mà các nhà đầu tư thuộc EuroCham có thể đáp ứng được.
Với sự đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu, Tây Ninh có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường hơn 500 triệu dân và xa hơn nữa là trở thành địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng công nghệ cao vào ngành sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cũng cho biết, tập đoàn hiện sở hữu 15 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN, với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trong đó, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN là mô hình liên doanh với Tập đoàn De Hues (Hà Lan), cũng là thành viên của EuroCham.
Liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. Ngoài ra, dự kiến cuối năm 2023 đưa vào hoạt động trang trại gà giống 14,8 triệu con tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
“Hy vọng thông qua sự kết nối này, Tây Ninh sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ châu Âu. Với công nghệ, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh, các doanh nghiệp EuroCham chắc chắn sẽ đầu tư thành công tại Tây Ninh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương phát triển theo hướng bền vững”- ông Hùng chia sẻ.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Tây Ninh và EuroCham về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở thị trường tỉnh Tây Ninh; Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh.
Vũ Nguyệt – Nhật Quang