Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Câu chuyện “6 năm nay hoa mận mới nở đẹp thế” khiến Mộc Châu trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất miền Bắc kể từ sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chính sức hút này khiến nơi đây trở thành "miếng mồi béo bở” cho những kẻ lừa đảo. Hàng loạt fanpage giả mạo các homestay nổi tiếng xuất hiện, dẫn dụ du khách vào bẫy.

Mất tiền vì fanpage giả
Nguyễn Phương Linh (27 tuổi, Hà Nội) cùng nhóm bạn lên kế hoạch du lịch Mộc Châu từ trước Tết. Sau khi tìm kiếm trên Facebook, cô đặt phòng tại một homestay nổi tiếng thông qua fanpage có hàng nghìn lượt thích, bài đăng cập nhật thường xuyên. Chủ fanpage yêu cầu chuyển khoản trước 50% tiền phòng để giữ chỗ với lý do “dịp lễ đông khách, không nhận khách đặt miệng”.
“Trang fanpage trông rất đáng tin, có hình ảnh khách check-in, đánh giá 5 sao, cả phiếu xác nhận đặt phòng gửi qua tin nhắn. Tôi không nghi ngờ gì, chuyển ngay 2 triệu đồng đặt cọc”, Linh kể.
Đến ngày khởi hành, Linh gọi điện xác nhận nhưng số điện thoại không liên lạc được, fanpage cũng biến mất khỏi Facebook. Khi cô tìm đến địa chỉ homestay, chủ nhà thực sự ngỡ ngàng: “Chỗ chị không nhận đặt qua Facebook, cũng không yêu cầu chuyển khoản trước. Chị nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi hỏi về việc bị lừa giống em”.
Mộc Châu quá tải du khách nhờ mùa hoa mận nở đẹp hiếm thấy. Ảnh: TRỌNG TÀI
Trên các diễn đàn du lịch Mộc Châu, hàng chục du khách khác cũng chia sẻ những trải nghiệm khi trở thành nạn nhân của các fanpage ma. Có người mất vài trăm nghìn đồng, có người mất đến cả chục triệu đồng khi đặt trọn gói nghỉ dưỡng kèm ăn uống.
Trần Minh Hoàng (30 tuổi, TPHCM) cho biết đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng được quảng cáo với view đẹp, giá giảm 40%. Chủ fanpage yêu cầu Hoàng chuyển khoản toàn bộ tiền phòng để được giữ chỗ. Khi đến nơi, anh mới tá hỏa nhận ra địa chỉ không tồn tại.
“Mình liên hệ fanpage thì đã bị chặn, gọi điện cũng không ai bắt máy. Sau khi tìm hiểu, mình mới biết nhiều người cũng bị lừa như vậy”, Hoàng bức xúc.
Chị Lê Thu Trang (35 tuổi, Hải Phòng) cũng là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Trang đặt một homestay được quảng bá là có không gian cổ kính, phù hợp để nghỉ dưỡng gia đình. Sau khi chuyển khoản đặt cọc 3 triệu đồng, chị được gửi một “phiếu xác nhận đặt phòng” rất chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, khi đến nơi, chủ homestay khẳng định họ không nhận đặt phòng qua Facebook. “Già trẻ lớn bé 21 người phải quay về Hà Nội trong ngày vì thực sự không tìm được nơi lưu trú khác. Cảm giác thật sự bức xúc và bất lực”, chị Trang chia sẻ.
Nhiều du khách sập bẫy lừa đảo khi đặt phòng qua fanpage giả mạo
Trên các nhóm Facebook chuyên về du lịch Mộc Châu, mỗi ngày có không ít bài viết cảnh báo về những fanpage giả mạo. Một số nạn nhân kể lại rằng, kẻ lừa đảo thường dùng nhiều tài khoản khác nhau để đóng giả khách du lịch, để lại bình luận khen ngợi trên các bài đăng, tạo cảm giác tin tưởng cho người xem. Họ cũng chỉnh sửa ảnh, tạo giấy xác nhận đặt phòng giả mạo nhằm khiến khách hàng yên tâm chuyển tiền.
Ngăn chặn lừa đảo
Theo các chủ homestay tại Mộc Châu, thủ đoạn lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp. Các đối tượng không chỉ sao chép toàn bộ hình ảnh, nội dung bài đăng từ trang chính chủ mà còn tạo ra những fanpage có tên gần giống, sử dụng ảnh đại diện, ảnh bìa y hệt. Một số kẻ còn mua lượt thích, bình luận giả để tăng độ tin cậy.
Anh Đỗ Hồng Thái, chủ homestay Mama’s House cho biết: “Fanpage giả bây giờ làm rất giống thật, từ bài đăng đến cách tư vấn khách hàng. Chúng còn có cả giấy xác nhận đặt phòng giả, khiến nhiều du khách bị lừa”.
Các homestay liên tục đăng bài cảnh báo du khách. “Mỗi ngày có ít nhất vài khách nhắn tin hỏi xem fanpage nào là thật. Chúng tôi phải đăng danh sách những trang giả mạo để du khách tránh bị lừa”, đại diện homestay The November chia sẻ.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu thừa nhận, tình trạng này đã diễn ra nhiều tháng qua nhưng rất khó truy vết các đối tượng đứng sau. “Những fanpage này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Sau khi lừa được tiền, chúng sẽ xóa hoặc đổi tên, khiến cơ quan chức năng rất khó xác định danh tính kẻ lừa đảo”.
Chuyên gia du lịch Lê Hải Anh (Công ty Flamingo Redtours) chia sẻ, việc đặt phòng trực tuyến ngày càng phổ biến, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là tình trạng fanpage giả mạo các homestay, khách sạn để lừa đảo du khách. Để tránh trở thành nạn nhân, du khách cần lưu ý trước khi đặt phòng, hãy tìm kiếm thông tin chính thức của homestay hoặc khách sạn.
“Nhiều kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý sợ hết phòng của khách để yêu cầu đặt cọc ngay. Hãy yêu cầu khách sạn gửi email xác nhận đặt phòng chính thức, có số điện thoại rõ ràng để liên hệ. Nếu có thể, ưu tiên đặt cọc qua các kênh thanh toán an toàn hoặc chọn hình thức thanh toán tại chỗ.
Ngoài ra, nếu một homestay nổi tiếng nhưng giá lại rẻ hơn 30-50% so với thị trường, nhất là trong mùa cao điểm thì có thể khẳng định 90% đây là bẫy lừa đảo. Trường hợp du khách chưa quen với khu vực du lịch hoặc muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối, hãy đặt phòng qua các công ty lữ hành uy tín hoặc trang web đặt phòng chính thức có chính sách bảo vệ khách hàng khi xảy ra tranh chấp”, chuyên gia Hải Anh nói.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở quản lý du lịch tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là lừa đảo đặt phòng qua mạng bằng cách cung cấp thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có đăng ký kinh doanh trên địa bàn để người dân, du khách biết và đặt dịch vụ; phối hợp cập nhật đầy đủ thông tin các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Công văn nêu rõ, các Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, ngăn chặn các website, fanpage giả mạo...
Nguồn TPO