Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2019 do VEPR công bố ngày 11/7, vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm tăng 9,7%, cao hơn mức 8,5% của cùng kì 2018 nhưng chưa đạt như kỳ vọng.
Ảnh minh họa.
Tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2018, bằng 33,1% GDP. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%), tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng trưởng thấp nhất, chỉ khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận xét, tăng trưởng vốn đầu tư FDI bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ 2018 được hy vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam, nhưng thực tế không phản ánh điều đó.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI tăng 9,7% - cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6, 1.723 dự án cấp phép mới số, tăng 26,1% vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội
Ngành công nghiệp và chế biến chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất với vốn chiếm tới 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tiếp theo là dòng vốn đổ vào ngành bất động sản cũng tăng, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất
Xét theo đối tác, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc đạt 1.239,2 triệu USD, Nhật Bản đạt 972 triệu USD, HongKong đạt 920,8 triệu USD.
Các chuyên gia tại Toạ đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II năm 2019
Bình luận về con số này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu tính chung là Trung Quốc và HongKong thì khu vực này sẽ chiếm tới hơn 40% vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2019.
PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao và hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam, hiện tại tổng vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn.
"Tuy nhiên, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn đem lại nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động,... Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các FTA thế hệ mới", ông Thành nhìn nhận.
Nguồn bizlive