Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Business Today, World Cup 2022 sẽ đạt kỷ lục về doanh thu, dự kiến là 7,5 tỉ USD. Như vậy, giải đấu tại Qatar sẽ giúp FIFA bỏ túi nhiều hơn tới 2 tỉ USD so với kỳ World Cup 4 năm trước trên đất Nga.
World Cup 2022 khép lại với chiến thắng lớn về mặt tài chính của FIFA.
Doanh thu 7,5 tỷ USD nằm trong kỳ vọng của FIFA trước giờ tổ chức sự kiện. Con số này có được nhờ việc FIFA kiếm được nhiều “khách sộp” tài trợ cho giải đấu, đặc biệt là các tập đoàn từ Tây Á. Nhiều thông tin cho rằng sau khi giành quyền tổ chức World Cup, Qatar cũng hứa với FIFA rằng sẽ tìm luôn cho tổ chức này những nhà tài trợ đồng hành.
Bên cạnh đó là nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình và bán vé. Năm nay, giá vé đã tăng trung bình 30-40% so với tại World Cup 2018, đồng nghĩa doanh thu từ khoản vé của BTC giải cũng được “cải thiện” rất nhiều.
Business Today cho rằng FIFA kỳ vọng tại World Cup 2026 được tổ chức tại Mỹ, Mexico và Canada, tổng doanh thu của giải có thể đạt con số 11 tỷ USD. Đây sẽ là một bước đại nhảy vọt, nhưng là hợp lý vì giải đấu được tổ chức tại 3 quốc gia, trong khi có tới 48 đội tuyển tranh tài thay vì 32 như hiện tại. Do vậy lực lượng fan sẽ rất đông đảo.
World Cup tại Qatar thành công về mặt tài chính lẫn chuyên môn.
Ngoài doanh thu kỷ lục từ World Cup 2022, một đối tác thanh toán quan trọng của FIFA là VISA, đơn vị cung cấp thẻ tín dụng hàng đầu thế giới, cũng công bố những khoản thu kỷ lục từ giải đấu. Theo VISA, các khoản chi tiêu bằng thẻ của họ đã tăng gấp đôi so với các kỳ Cúp thế giới gần đây tại Nga và Brazil.
Có nhiều lý do giải thích cho đà tăng trưởng này. Thứ nhất là việc thương mại điện tử đã phổ biến hơn sau 4 năm nên người hâm mộ ít dùng tiền mặt hơn, thứ hai là mặt bằng giá đắt đỏ tại Qatar nên chắc chắn NHM sẽ tốn nhiều hơn so với một dịch vụ tương tự trên đất Nga.
Dù sao đi nữa, FIFA và VISA cũng có thể mỉm cười về giải đấu vừa diễn ra.
Nguồn TPO